Những người Xứ Nghệ trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp !

Sự gặp gỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ là sự gặp gỡ kỳ diệu nhất, có ý nghĩa lịch sử nhất để cùng sáng tạo ra một thời đại, để cùng trở thành vĩ nhân, cùng để lại một di sản tinh thần to lớn cho nhân dân Việt Nam và cho cả nhân loại.
minh luong va moi nguoi
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ họp bàn việc quân

 

Nhiều người Xứ Nghệ khác cũng để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời Đại tướng
Người vợ đầu của Đại tướng- Bà Quang Thái ( em gái của Nguyễn Thị Minh Khai)
Phan Bội Châu, người “đeo ngọc” tinh thần ái quốc và phương pháp cách mạng
Cụ Phan Bội Châu
Có thể nói, Võ Giáp và nhiều thanh niên yêu nước của Trường Quốc học Huế đã được trực truyền chí khí cách mạng, những suy nghĩ về chiến lược, sách lược giải phóng dân tộc từ nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Kích vào nút XEM để hiện nội dung ẩn
Kích vào nút ẨN để dấu nội dung ẩn


Năm 1925, Võ Nguyên Giáp đỗ nhì vào Quốc học Huế khi mới 14 tuổi, đứng sau Nguyễn Thúc Hào. Có lẽ, Nguyễn Thúc Hào là người bạn Xứ Nghệ đầu tiên của Võ Nguyên Giáp (lúc ấy có tên là Võ Giáp). Nguyễn Thúc Hào năm ấy 13 tuổi và hai người rất kính trọng nhau. Thúc Hào người Nam Đàn, có cha là Phó bảng làm quan ở triều đình Huế, ông nội là cụ Cử Kiều, một người uyên thâm Hán học, là thầy học của Phan Bội Châu. Năm 1929 Nguyễn Thúc Hào sang Pháp học Toán, năm 1935 trở về nước giảng dạy tại Quốc học Huế. Năm 1954 là Hiệu phó ĐHSP Hà Nội, năm 1959 là Hiệu trưởng của ĐHSP Vinh. Ông là người đầu tiên được Nhà nước ta phong hàm Giáo sư Toán học. Học trò của ông có Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo, Văn Như Cương… sau này đều là những nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Trong một hồi ký, GS Nguyễn Thúc Hào nhớ về tuổi thơ của mình như sau: “Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm major, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai. Học tài thi phận là vậy!... Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có suy nghĩ của người lớn, còn tôi chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thôi”.
Mối quan hệ gia đình của Nguyễn Thúc Hào với Phan Bội Châu là một trong những con đường đưa Đại tướng những ngày còn trẻ thân tình với nhà chí sĩ.
Năm Võ Giáp vào Huế là năm Pháp bắt cóc Phan Bội Châu tại Thượng Hải và khép án chung thân tại Tòa Đại hình Hà Nội (23-11-1925). Cả nước dấy lên phong trào đòi ân xá cho cụ. Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều, thân phụ Nguyễn Khoa Điềm) và Võ Giáp là những người đứng đầu phong trào này ở Quốc học. Cụ Phan Bội Châu được ân xá, đem về an trí tại Huế, người ta gọi là Ông già Bến Ngự. Võ Giáp thường đến nhà cụ Phan và được cụ Phan rất quý. Sinh thời, Đại tướng kể rằng: “Cụ Phan có mấy chục bộ sách cổ kim rất quý, cụ bảo: Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”. Đây thật là một tri âm lớn giữa hai người mang một lòng yêu nước nồng nàn, một chí cứu nước làm mục tiêu cho suốt cả cuộc đời không có gì làm đổi dời. Hai người có chung một tính cách: Cái gì tin theo thì tin theo đến cùng, sấm sét cũng không đổi.
Tết Bính Dần năm 1926, Võ Giáp cũng như nhiều thanh thiếu niên khác được Cụ Phan xối thêm bầu máu nóng để mạnh bước trên đường tranh đấu, xả thân vì độc lập dân tộc:

Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu tỉnh lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
(Bài ca chúc Tết thanh niên)
Trong những ngày ở Huế, hai thầy trò có nhiều buổi nói chuyện tâm đắc. Đại tướng không chỉ hiểu lòng yêu nước sắt son của cụ Phan mà còn được biết nhiều về phương thức, phương pháp hoạt động cách mạng của cụ. Cái không thay đổi chính là tấm lòng vì dân vì nước nhưng cũng rất quyền biến trong phương pháp, từ chủ trương duy tân đến bạo động; trong bạo động cũng có lúc tranh thủ, dựa vào kẻ thù để đạt được mục tiêu. Pháp Việt đề huề chính kiến thư được viết năm 1919 ngỏ ý: Trước họa bành trướng của người Nhật, Pháp không được coi người Việt là nô lệ mà phải coi là bạn bè để mưu cuộc sinh tồn. Sinh thời, nhà thơ Khương Hữu Dụng có kể cho tôi nghe, cụ Phan từng nói: Đề huề chi mà đề huề! Oán thù ta hãy còn sâu, Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què! Cụ cũng viết thẳng trên báo: "Cái hoàn cảnh của tôi bây giờ tuy khác trước nhưng tấm lòng ái quốc của tôi thì trước sau cũng như một. Cái chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề là cái chủ nghĩa tôi đề xướng từ mười năm nay, chứ không phải về đây vì được khỏi chết mà đề xướng. Tôi định đề huề là đề huề với cái Chính phủ khai hoá cho dân Việt Nam chứ không đề huề với cái Chính phủ áp bức dân Việt Nam…” ("Lời tuyên ngôn thông cáo cả toàn quốc" - Trung Bắc tân văn - Phụ trương ngày 14-1-1926). Những lời của cụ Phan khiến ta nhớ đến những câu nói nổi tiếng của Đại tướng: “Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó” (Với đại biểu Chính phủ chúc thọ 100 tuổi); “Những người yêu nước chân chính bao giờ cũng trân trọng lòng yêu nước của người khác” (Với Leclerc năm 1946).
Có thể nói, Võ Giáp và nhiều thanh niên yêu nước của Trường Quốc học Huế đã được trực truyền chí khí cách mạng, những suy nghĩ về chiến lược, sách lược giải phóng dân tộc từ nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Còn một người thầy nữa có ảnh hưởng sâu sắc đến Võ Giáp là thầy Võ Liêm Sơn, người Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là người giỏi cả Hán học lẫn Tây học, từng làm tri huyện Duy Xuyên trước khi dạy chữ Hán và Quốc văn ở Quốc học. Thầy Võ Liêm Sơn có những bài giảng về lịch sử và văn học Việt Nam mà Đại tướng còn nhớ nhiều năm về sau, thuộc nhiều bài thơ yêu nước mà ông sáng tác.
Khi bị đuổi học, Võ Giáp đã đến ngụ tại nhà người thầy học này và lần đầu tiên được đọc cuốn Chủ nghĩa Mác bằng tiếng Pháp mà thầy thường giấu sau bảng đen.
Thầy Võ Liêm Sơn là một trong những thành viên sáng lập Đảng Tân Việt, một trong những tổ chức tiền thân của Đảng CS Việt Nam. Và Võ Giáp đã tham gia tổ chức này vào năm 1928 do Nguyễn Chí Diểu, một người anh, người bạn ở Quốc học Huế kết nạp. Lúc đó, Nguyễn Chí Diểu là Ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ.
Rời nhà thầy Võ Liêm Sơn, Võ Nguyên Giáp trở lại quê nhà tại Lệ Thủy, Quảng Bình với các sách học theo chương trình của một trường phổ thông bên Pháp và các sách vở, tài liệu mà cụ Phan và thầy Võ Liêm Sơn cho. Người em ruột Võ Thuần Nho và bạn bè cùng trang lứa vì đọc các sách này và noi theo người anh mà sớm giác ngộ cách mạng.
Mẹ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Nguyễn Thị Kiên, là người rất tuyệt vời. Khi biết con lập hội kín đánh Tây, bà nói, vào hội kín đánh Tây thì tốt, nhưng đừng để nó bắt. Khi thân phụ muốn anh lấy cô con gái bá hộ xinh đẹp ở quê, anh hỏi mẹ, mẹ bảo “Tùy con”. Thế là anh khước từ luôn cuộc hôn nhân mà mình không muốn lại không phải áy náy vì sợ mẹ buồn.
Theo yêu cầu của tổ chức, mùa thu năm 1928, Võ Nguyên Giáp vào Huế, bắt đầu cuộc đời hoạt động thoát ly.
Với tư cách là Ủy viên T.Ư dự khuyết của Đảng Tân Việt (ít lâu sau là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đầu năm 1929, Võ Nguyên Giáp ra Vinh và Hà Nội để phổ biến chủ trương mới của Đảng. Ở Vinh, ông đã gặp Nguyễn Thị Minh Khai. Ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ-Tĩnh, các đồng chí giới thiệu với anh: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”.
Trên chuyến tàu hỏa từ Vinh trở lại Huế, người cán bộ Đảng gặp hai nữ sinh cùng vào Huế ứng thí Trường Đồng Khánh. Một người tên là Cầm, là em bạn học, đã quen biết cũ. Một người khác thu hút anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó là cô gái trẻ có đôi mắt to tròn, thăm thẳm như mặt nước hồ đầy, gương mặt trái xoan thanh tú nhưng lại đầy nét kiên nghị.
Ít lâu sau, chính người con gái ấy đã tìm đến anh nộp giấy giới thiệu để tham gia sinh hoạt trong tổ chức cộng sản. Bấy giờ, anh mới biết đó là Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột Nguyễn Thị Minh Khai. Số là, sau một thời gian hoạt động, Tổng Bí thư của Đảng Tân Việt là Đào Duy Anh bị bắt. Đảng bị khủng bố và có những phân hóa. Nguyễn Chí Diểu, Đặng Thai Mai (Giáo viên QH Huế từ năm 1928) và Võ Nguyên Giáp là những hạt nhân đầu tiên của nhóm cộng sản chủ trương đổi Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Do tích cực hoạt động trong việc phát triển Nữ sinh Đỏ trong Trường Đồng Khánh và ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, Quang Thái bị bắt vào cuối năm 1930, lúc vừa bước sang tuổi 16, bị kết án ba năm tù giam, giam tại Nhà lao Thừa phủ.
Trong tù, Quang Thái là điểm tựa tinh thần cho tất cả đồng chí của mình. Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng kể lại, bà cùng em ruột là Nguyễn Khoa Diệu Vân và nhiều bạn cùng bị bắt, trong một đêm không ngủ bỗng nghe vang lên một câu bằng tiếng Pháp Persone ne te dénonces, ne dénonces persone! Đó là tiếng chị Quang Thái: Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai! Câu nói này với bài thơ Đường đầy tính cảm khái của chị đã được lan truyền rộng rãi trong tù giúp mọi người giữ vững chí khí chiến đấu. Đó là một áng văn chương đặc sắc có thể xếp bên Cảm hoài của Đặng Dung. Khó có thể ngờ được một cô gái 16 tuổi lại có được tinh thần lẫm liệt ấy:
Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười!
Anh Giáp bị bắt sau Quang Thái một năm. Vào tù, được chứng kiến tinh thần của Quang Thái, sự cảm phục và tình yêu trong anh càng tăng lên gấp bội.
Trong tù, anh Giáp còn gặp cả Đặng Thai Mai. Đặng Thai Mai hơn anh chín tuổi, là người thầy ở Trường QH, người anh, người đồng chí, người bạn hết sức tâm giao, có ảnh hưởng lớn suốt cả cuộc đời của Võ Nguyên Giáp.
Do không có chứng cứ gì, anh Giáp được trả tự do ngày 15-11-1931.
Theo lời khuyên của Đặng Thai Mai, từ làng An Xá, Quảng Bình, Võ Nguyên Giáp lại ra Vinh hoạt động.

Đại tướng và bố vợ Đặng Thai Mai
Chị Quang Thái khi ra tù bị quản thúc tại gia, tức số nhà 132 phố Maréchal Foch (Quang Trung bây giờ). Gia đình chị Thái là một gia đình khá giả, mẹ buôn bán có cửa hàng, bố là công chức nhà ga Vinh.
Về nhà, chị Thái bị bố mẹ bắt cấm giao du và định ép gả cho một đám giàu có nhưng chị Thái nhất định không chịu.
Đặng Thai Mai chính là người xe duyên cho mối tình này. Ông dẫn anh Giáp đến nhà chị Thái giới thiệu với ông bà Hàn Bình. Gương mặt tuấn tú của anh Giáp cộng với sự nể trọng Đốc Mai mà ông bà Hàn Bình dần có cảm tình. Hai người được đến với nhau trong một tình yêu lớn.
Trong cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, Trung tướng Phạm Hồng Cư viết: Quang Thái sống có lý tưởng, lãng mạn cách mạng, sẵn sàng xả thân vì người mình yêu, vì điều mình tin tưởng. Tính tình dịu dàng nhưng kiên nghị, giàu lòng trắc ẩn, mau nước mắt, dễ xúc động nhưng đầy ý chí, nghị lực. Còn Đại tướng khi kể về chị Thái ngày ấy: Des yeux grands et vastes come l’eau des lacs (Đôi mắt to rộng như những mặt hồ đầy).
Năm 1932, Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội. Ông Mai kiếm được một chân dạy học ở Trường Gia Long. Từ Vinh, Quang Thái luôn viết thư cho hai người. Đây là một đoạn trong thư chị Thái gửi cho Đặng Thai Mai: Anh Mai, anh là người chứng giám cho ái tình của Giáp-Thái từ đầu đến nay. Từ nay về sau, anh cũng là người có quyền trông coi đến. Ngày nay chắc anh phải vui lòng về Giáp, về Thái. Anh hãy hiểu cho lòng em và thay em những khi gần Giáp (sđd).
Ngày 28-9-1935, đám cưới hai người được tổ chức tại Vinh. Chị Thái về quê chồng được năm hôm thì bà ngoại mất, chị phải ra Vinh chịu tang. Lần thứ hai trở lại quê chồng, chị chỉ có một mình và để lại ấn tượng về một người con dâu hiếu thảo. Ngay ngày đầu, dù trời mưa, chị đã đi chào và mang quà bánh biếu khắp họ hàng bên nội.
Ngày 10-11-1935, chị Thái ra Hà Nội, thoạt đầu thuê ở 106 Hàng Bông, sau chuyển về 26 Nam Ngư, cuối cùng là 149 Phùng Hưng. Năm 1939, hai người có con, đặt tên là Hồng Anh. Chị Thái vừa hoạt động vừa lao động cật lực để đủ chi tiêu cho gia đình.
Tháng 5-1940, Đại tướng ra nước ngoài để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chị Thái đã tích cực học tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan từ ngày ra Hà Nội để chuẩn bị cho những chuyến đi như thế. Võ Hồng Anh còn quá nhỏ, chị phải ở lại làm thiên chức của người mẹ, đợi con lớn thêm sẽ đi sau. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Tháng 2-1942, chị bị bắt, bị tra tấn dữ dội nhưng không hé răng nửa lời. Chị mất ngày 21-1-1944. Ngày 22-12 năm đó, Võ Nguyên Giáp được giao thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, vẫn chưa biết chị Thái mất. Đến tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, qua đồng chí Trường - Chinh mới biết được tin này. Đại tướng chỉ kịp hỏi: “Anh nói sao, Quang Thái mất rồi ư”? Rồi lặng người đi, sang buồng riêng một mình trong niềm xót đau vô hạn.
Một tình yêu cao đẹp, một hạnh phúc ngắn ngủi và một nốt lặng suốt cả cuộc đời!
Người vợ thứ hai, người bạn đời trung thành đi suốt cuộc đời cùng với Đại tướng là bà Đặng Bích Hà, con gái đầu lòng của Đặng Thai Mai. PGS Đặng Bích Hà sinh năm 1927, kém Đại tướng 16 tuổi.
Su kien
Đại tướng và vợ hai Đặng Bích Hà
Vợ chồng là duyên số. Đúng vậy. Sự tri âm, tri kỷ giữa bà Hà với Đại tướng là điều gì đó như một sự diệu kỳ, một định mệnh.
Vào những ngày đầu mới ra tù, theo lời Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp ra Vinh, ở nhờ tại nhà Cử nhân Hồ Phi Thống, là bố vợ của Đặng Thai Mai. Ở đây, Đại tướng có học chữ Nho với cụ cử. Bà Hà kể: Mẹ tôi, tôi và con Hạnh (PGS văn học Pháp Đặng Thị Hạnh) ở làng Quỳnh quê ngoại thỉnh thoảng mới vào Vinh thăm ông ngoại và ba tôi. Tôi thấy anh Giáp học chữ Nho với ông ngoại. Lúc ấy tôi còn nhỏ. Có một lần anh Giáp định đưa tôi đi chơi thăm Cửa Lò. Tôi lên cơn bướng không đi. Anh Giáp cau mặt: Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Tôi khóc. Anh Giáp phải dỗ dành, đền cho một chiếc mùi soa, tôi mới chịu...
Trước đó, khi còn ở làng Quỳnh, cô bé Hà có lần viết thư cho anh Giáp ở Quảng Bình, nhắn khi nào ra Vinh thì ghé làng Quỳnh chơi. Bà Hà nói vui, tôi dốt địa lý lắm, lơ ngơ như thế đấy. Lần ấy lại bị anh Giáp phê cho, rằng làng Quỳnh ở ngoài, từ Quảng Bình ra Vinh, không thể ghé thăm được.
Kỷ niệm tuổi thơ khi lắng lại, càng ngày càng thấy ngọt ngào và trở nên vô giá.
Những lần anh Giáp về làng Quỳnh, cô bé Hà lại thấy vui như ngày hội và điều gì đó cứ lẳng lặng đầy lên. Và anh Giáp cũng thấy ráng biếc (tên của Bích Hà) của làng Quỳnh, của quê hương Xứ Nghệ thật đẹp.
Lần đầu tiên tôi được gặp bà Hà tại nhà riêng cùng với Đại tướng. Một cảm giác rất lẫn lộn, khó tả. Đầu tiên là sự hiền hậu, trông giống như bà, như mẹ của mình chứ không phải phu nhân của một vị Đại tướng. Không chỉ với tôi, hàng con cháu, mà ngay cả với Đại tướng, bà trông như một người chị luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi để dìu đỡ ân cần. Mặt khác, đó là một người rất thận ngôn, tinh tế, kỹ càng mọi việc, rất có uy, buộc người khác phải nghe lời. Bởi thế, các em bà, những cụ ông, cụ bà, những con người có tên tuổi trong xã hội vẫn một chị Hà, hai chị Hà. Trước, tôi chỉ biết bà là một nhà sử học, sau tôi biết bà nói tiếng Pháp rất hay, thuộc nhiều tác phẩm văn học Pháp hơn cả những nhà chuyên môn mà tôi ngưỡng mộ nhưng bà là người rất ít thể hiện mình.
Sự hiểu biết, tầm nhìn và sự ứng xử văn hóa của bà giống như một dòng sông lớn có thể ôm gộp nhiều ngọn nguồn và giống như dòng sông hướng về biển cả, bà chỉ một mực hướng về chân lý, đạo lý và những điều tốt đẹp, khẳng khái của con người.
Một con người như vậy là tri âm của Đại tướng như một lẽ tự nhiên.
Bà và chỉ có bà mới là người làm vợi được nỗi đau, sự mất mát của Đại tướng khi chị Minh Thái ra đi. Bà là người đã ngầm gieo và trồng nên những luống hoa làm tươi mát lại vườn hồn tê dại của Đại tướng. Đám cưới giản dị ngày 27-11-1946, trong mùi hương hoa hồng thơm ngát, là kết quả sự đồng điệu của hai tâm hồn lớn và là sự bắt đầu của một tình yêu lớn.
Bà Hà thường không xuất hiện trong những vinh quang của Đại tướng hay phù hoa trần thế. Bà là người sinh hạ cho Đại tướng và dòng họ Võ bốn người con trai có, gái có; là người chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Bà thương, chăm chút cho Hồng Anh, con người vợ trước. PGS Đặng Thị Hạnh, người em gái liền kề của bà Hà kể:
Chị tôi bây giờ ít nói hơn trước nhiều. Chị đang soạn lại những sách báo cũ (như xưa kia chị soạn lại thư và ảnh). Chị dừng lại và nói với tôi: “Chị thương Hồng Anh lắm”. Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn nói: “Dù sao Hồng Anh cũng đã ngoài bảy mươi”. Chị nói: “Nhưng ba nó vẫn còn sống mà nó đã mất, đó là một điều đau lòng”.
Có một ngày, khi còn nhỏ, ở biển Sầm Sơn, trước những cơn sóng cồn, Bích Hà nói với em gái rằng, chị thích làm con trai, mong muốn có một sự nghiệp lớn. “Vào một buổi chiều, cơn bão mới tan, bà Hạnh kể, mưa vẫn còn bay lất phất, tôi và chị tôi mặc áo mưa đầu trần đi chân đất trên cát ướt đầy rong rêu và những mảnh vụn đen, chị tôi nói đấy là những mảnh của các con tàu bị đắm. Sau đó nhìn ra đường chân trời, biển đỏ đục ngầu rất hung dữ, chị tôi nói: “Chị muốn là con trai, vì là con gái khó có sự nghiệp”. Tôi yên lặng, đối với tôi, sự nghiệp hay ý nghĩa cuộc đời chưa là gì hết”.
Khi về già, nhớ lại câu chuyện này, bà Hạnh hỏi bà Hà như một người em nhỏ, một học trò đối với cô giáo: “Cuối cùng thì ý nghĩa cuộc đời là thế nào hả chị?” Bà Hà đáp: “Ý nghĩa cuộc đời của chị là đã có anh Văn”. Kỷ niệm 60 năm ngày cưới, năm 2006, Đại tướng nói với các em: “Đối với anh, ngày nào cũng là hôn lễ kim cương”.
Hàng nghìn bài báo trong những ngày gần đây kể cả báo nước ngoài hết lời ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó cho thấy ông đã trở thành một giá trị của nhân loại, một con người của lịch sử. Và sự đánh giá đúng nhất là tình cảm của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, trong những tiếc thương vô hạn, trong những thái độ tích cực rồi đây trong cuộc sống. Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp là những người sáng tạo lịch sử, là những người được nhân dân coi là của mình, tiêu biểu cho mình, được thờ phụng lâu dài.
Tôi muốn mượn đoạn hồi ức của PGS Đặng Thị Hạnh (em gái vợ Đại tướng) để làm kết cho bài này:
“Tôi gặp anh Văn ít lâu trước khi anh vào bệnh viện. Anh ngồi trong phòng, anh vừa tập thiền xong, mặt anh thanh thản một cách lạ thường, đôi mắt nâu và to vẫn trong suốt. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy tất cả những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời: những trận đánh, những quyết định khó khăn, nỗi thương xót đồng đội...; còn vinh quang, tôi có cảm giác là anh đã đặt nó ở đâu đấy trong phòng, tôi không biết nữa. Một tâm hồn đủ rộng để dành tất cả cho dân cho nước; (cho đến gần đây, anh cũng đã làm mọi điều anh có thể); nhưng trong tình cảm lại không bỏ sót một ai, anh không bao giờ quên một đứa cháu nhỏ ở xa trong một ngôi làng hẻo lánh. Còn đối với chị tôi, đó là mối tình đẹp nhất mà tôi được biết. Hôm vừa rồi, đứa cháu gái của tôi nói với tôi: cách đây dăm bảy năm, có một lần mẹ nó đến dẫn bà Hà đi cắt tóc. Lúc bà ra đi, ông hỏi: “Mấy giờ Hà về?” Bà Hà trả lời: “Hà sẽ về muộn, anh ăn cơm trước đi”. Ông đặt tay lên tay bà và nói rằng: “Anh sẽ đợi”.
Sưu Tầm

Nguồn từ bài đăng:  minh lương và mọi người


Previous
Next Post »