Ghi chép trên đường đến Quảng Bình

Kì.4 Bãi biển ngày hè.

Trên đường vào Quảng Bình với xe nhà chủ ý ngày trên đường, chiều tối và sáng sớm phải tắm biển. Thế là chúng tôi đã có dịp được ngâm mình trong làn nước biển tại Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đá Nhảy và Nhật Lệ (Quảng Bình) đúng như kế họach đã đề ra.

Mỗi baĩ biển đều có những nét đẹp riêng, khó quên không thể tả hết. Nhà ta nhiều vị đã đến những bãi biển trên, chỉ xin điểm vài nét sơ sơ theo cảm nhận của tôi. Bãi biển Cửa Hội (ảnh bên) không đông khách như Cửa Lò, vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với nước biển trong xanh có hòn Ngư phía trước trông rất đẹp. Các công trình hạ tầng như điện, đường đang hoan thành để nối Cửa Lò phía bắc, Cửa Hội phía nam thành khu nghỉ mát với bãi biển dài trên 10km, độ dốc thoai thoải cát mịn, nước trong và sạch, không pha lẫn bùn như một số bãi biển khác. Phía trên bãi biển còn có nhiều khu lâm viên rộng với những rặng phi lao, rặng dừa xanh tốt. Nước biển ở đây có độ mặn rất cao là một trong những bãi tắm lý tưởng ở Việt Nam.

Rẽ vào Thiên Cầm trong khi chờ bữa cơm trưa chúng tôi lao xuống biển, ngâm mình trong làn nước trong xanh, rũ sạch cơn mệt mỏi trên chặng đường dài đã đi. Tục truyền vào thời Vua Hùng thứ 13 khi qua đây nghe gió, sóng biển và tiếng lá thông reo cùng dội vào vách núi tạo nên một bản nhạc du dương, ngỡ như tiên gẩy đàn, nhà Vua lệnh cho quần thần leo lên núi thấy giống chiếc đàn tỳ bà, liền hạ bút phê ba chữ Thiên Cầm Sơn. "Thiên cầm" có nghĩa là "đàn trời" (ảnh bên lấy trên mạng).

Bãi biển nơi đây như hình cánh cung hay giống một cây đàn cầm, có tới 3 bãi tắm. Bãi chính dài 3 km đẹp, bãi khác dài khoảng 10 km, bãi cát trắng thoai thoải phẳng ít lồi lõm, nước biển xanh trong vắt màu ngọc bích, có thể nhìn xuống tận đáy, bờ biển thoai thoải, có thể tắm ở xa bờ hơn 100m, nước biển có độ mặn rất cao.

Bãi biển Nhật Lệ ở ngay gần cửa sông Nhật Lệ, bãi cát phẳng dài, sạch đẹp cách thành phĐồng Hới 2km tiện cho việc đi lại, ăn nghỉ của du khách đến tắm biển. Chúng tôi tắm ở chính chỗ có tấm biển ghi lại dấu tích chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1957, trong một lần về Quảng Bình người đã dừng chân nơi đây.

Người ta kể rằng trước đây khu này chỉ dành riêng cho quan chức Pháp nghỉ ngơi, nay đã thành khu dân cư với nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng. Tôi cũng kịp tìm hiểu được biết một lô đất 400 mét vuông mặt tiền 8m đang chào bán, giá 80 triệu đồng một mét (ảnh bên).

Trong các bãi biển nêu trên tôi thực sự ấn tượng với bãi biển Đá Nhảy dưới chân đèo Lý Hoà ,cách Đông Hới khoảng 40km. Ở nơi giáp giữa biển với núi có một bãi đá có rất nhiều đá to, nhỏ, thấp, cao mỗi khi có sóng xô, trông đá như những con cóc lớn nhảy trên sóng, tạo nên hàng loạt âm thanh rì rào khác nhau. Có lẽ vì vậy mà cái tên Đá Nhảy được ra đời từ đó, để ghi dấu nét riêng của bãi biển này.

Đá Nhảy là một điểm du lịch hấp dẫn, một bãi tắm sạch, đẹp và có nhiều thắng cảnh với nhiều hang động kỳ thú. Đến Đá Nhảy, ấn tượng đầu tiên của du khách là một bãi tắm bằng phẳng, cát trắng phau, nước trong xanh nhìn thấy tận chân và sạch. Khách du lịch còn có thbơi thuyền, leo núi, săn bắn, dạo chơi trong rừng dương, tắm mình trong một bãi biển trong sạch, yên bình. Biển nơi đây có nhiều rạn ngầm, đó chính là nơi cư trú của nhiều loại hải sản quý như tôm, cá, cua, mực, ốc... có thể chế biến những món đặc sản biển hấp dẫn du khách.

Trải qua một đêm nghỉ tại khách sạn 2 tầng dựa lưng vào núi giữa đèo, thiết kế trang bị hiện đại hướng ra biển với giá rẻ bất ngờ 200.000đ một phòng đôi, đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì Resort sang trọng mang lại cảm giác thật dễ chịu, tạo một ấn tượng khó quên. Tôi tự nhủ thế nào cũng quay trở lại nơi đây một lần nữa khi có dịp.

Như thường lệ sau mỗi chuyến đi, buổi tối trước ngày trở về Hà Nội, mấy anh em ngồi trên bãi biển Cửa Hội thưởng thức vài món đặc sản biển rất ấn tượng kết thúc chuyến đi.

Phạm Toàn


Previous
Next Post »