CỬA LÒ, NGHỆ AN KÍ SỰ`(ba kì)

Kì ba: Giữa Cửa Lò, nghe môt lời trách.

Sáng sớm ngày hôm ấy tôi và bác Đoàn Hải đắm mình trong làn nước trong xanh của biển Cửa Lò, xua tan mệt mỏi của một chặng đường dài hơn 5 giờ đồng hồ bon bon trên đường từ Hà Nội tới đây ngày hôm trước.
Nhìn bác tuổi đã sấp sỉ 80, thế mà vẫn băng băng luớt đi nhẹ nhàng trong làn sóng biển nhè nhẹ với kiểu bơi ếch, rồi lại bơi ngửa, khoan thai, dưỡng sức mới thấy đời có biết bao nhiêu điều thú vị, bất ngờ mà mình chưa biết. Vừa bơi hai anh em vừa chuyện trò đủ thứ chuyện Đông, Tây, Nam, Bắc, chuyện xưa rồi đến chuyện nay.
Vuốt vội những giọt nước của một đợt sóng nhẹ vừa ập tới, bác bảo “tôi có điều trách chú viết về cháu Dũng nhân ngày sinh nhật là khen hơi quá lời, cháu nó còn phải phấn đấu nhiều lắm”. Nghe lời trách ấy giữa trời nước mênh mông, mát mẻ tôi nhớ lại ngày 19.8.2007, trong bài “Một lời chúc giản dị” nhân ngày sinh nhật của Đoàn Chiến Dũng tôi đã viết “các cụ xưa dạy đời người có hai điều rất cơ bản, đó là sự nghiệp và ngôi nhà. Mới bước vào tuổi 40, Đoàn Chiến Dũng đã có cả hai.”
Viết như thế tôi cứ nghĩ là hay lắm, chí tình lắm bởi Dũng đã có cả hai, bây giờ chỉ còn ngồi nhâm nhi tận hưởng mà thôi. Mà đúng thật năm qua là một năm chuyển mình của Dũng, khi một lúc đạt hai sự kiện tầy đình nhận công việc mới đầy triển vọng và mua nhà mới. Hai việc ấy đâu phải một chốc một lát mà được, cũng phải lao tâm khổ tứ lắm đấy chứ.
Xưa nay vẫn biết đời người có hai việc lớn là nghề nghiệp và nơi dung thân-ngôi nhà. Hai việc ấy từ xa xưa ông cha rất chăm chút để lại cho con cháu trước khi nhắm mắt, suôi tay. Nhưng ngẫm nghĩ sâu sa thì có biết bao nhiêu người cũng có đủ cả sự nghiệp, nhà cửa đàng hoàng, khang trang, hiện đại nhưng nào có được yên thân bởi bao thói hư tật xấu trên đời ập tới như xì ke ma túy, rượu chè, cờ bạc, đề đóm đó thôi.
Nhân chuyện bác Đoàn Hải góp ý, tôi lại nhớ cách đây hơn một tháng trên Blog bác Ngọc viết về thời điểm ông Bảo về Lãn Ông, theo bác là vào buổi tối. Tôi có viết một bài chỉ để thảo luận cho sôi nổi, theo sự ghi nhớ của tôi ông Bảo về vào buổi trưa nắng chang chang, chứ không phải là buổi tối. Sau đó bác Ngọc viết một mầu tin bảo vệ ý kiến của mình, còn mựợn lời bác Kim Lan xác nhận đúng là như thế cho thêm phần chắc chắn. Rồi mấy hôm sau bác Lan gọi điện cho tôi nói chú nhớ không đúng, phải như bác Ngọc mới đúng, chứ không phải là buổi trưa như chú viết.
Lần này ở Cửa Lò bác Kim Anh trực tiếp nghe bác trai góp ý, sợ tôi tự ái vì lời trách của phu quân liền bảo đấy là chú ấy động viên cháu.
Kể ra bác Kim Anh cũng khéo lựa lời, khéo nghĩ ai lại đi trách người ta chỉ vì khen con mình, mà lần sau như thế còn ai dám khen nữa. Nghe vậy rồi để đó vì tôi cũng đã quen chuyện góp ý đúng sai cho các bài viết của mình, đâu có phải là chuyện thắng thua mà để tâm cho thêm phần bức xúc.
Tôi nghĩ thực ra vấn đề rất đơn giản, văn chương đâu phải ai viết ra cũng là hay, là đúng không thể sai. Biết bao bậc hiền triết thông thái, uyên thâm mà vẫn bị người đời lôi ra khen chê đó thôi. Vì thế việc góp ý cũng là đương nhiên.
Tôi không phải là người có tính hay “lên gân lên cốt”, nhưng tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện từ mấy chục năm nay. Câu chuyện ấy kể lại rằng (đại ý) khi còn sống mỗi một bài viết, cụ Hồ đều đưa cho những người giúp việc xem góp ý rồi mới sử dụng. Bậc vĩ nhân thiên tài cả thế giới kính phục như cụ còn như thế, huống chi là bậc vô danh như tôi có vô vàn cái sai, không có ai góp ý mới là điều lạ.
Chiều hôm đó rời bãi tắm tôi và bác Đoàn Hải lại dẫn nhau đến quán Hương Lộc, làm môt bát cháo ngao đặc sản Cửa Lò nóng hổi, ngọt lịm, thơm nức mùi hành răm quên hẳn chuyện văn chương Blog rắc rối, chỉ còn văng vẳng tiếng sóng vỗ rì rầm, lòng thanh thản, chẳng có chuyện gì sảy ra vì lời góp ý của Tiên sinh nghe ra cũng có lý.

Phạm Vĩnh Thắng

Previous
Next Post »