CÁI VÔ LÍ CỦA THỜI GIAN


Ông Nguyễn Duy Kiên chủ Hiệu Thuốc Đức Phong
 45 phố Lãn Ông

 

CÁI VÔ LÍ CỦA THỜI GIAN

Nhà sử học Dương Trung Quốc
... Chúng tôi đến một ngôi nhà có mặt tiền ở phố Lãn Ông, trong lòng phố cổ. Một tòa nhà khá bề thế, trên trán mặt tiền của tầng thượng còn ngạo nghễ thương hiệu của chủ nhân một cửa hàng thuốc bắc có tiếng đương thời (hiệu Đức Phong). Gia chủ vẫn còn, nhưng ngôi nhà sau những lần cải tạo xã hội chủ nghĩa đã bị ngăn chia ra cho nhiều hộ. Chủ nhân bị dồn vào cuối sân trong cùng, chỉ có một gian không lớn nhưng riêng biệt.
Vào nhà là thấy hồn phách của Hà Nội xưa. Ngự và choán gần hết gian nhà là một ban thờ hoành tráng như thường thấy trong những nhà khá giả và có gốc gác ở Hà Nội thời trước. Hẳn xưa kia nó là gian thờ tổ của chủ nhân ngôi nhà. Trên ban thờ là tấm ảnh của một người đàn ông có mái tóc chải mượt với vẻ mặt hiền lành, một gương mặt rất Hà Nội của một thời đã qua. Trên tường treo vài tấm ảnh chụp hoa sen. Ảnh đen trắng tuy đã lên màu thời gian nhưng vẫn sắc nét và rất đẹp. Có một tấm ảnh màu duy nhất chụp hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long, mà những ai sống vào thập niên 60 của thế kỉ trước đều biết, vì nó được in thành tranh để treo trang trí trong nhà, ấn phẩm của Nhà nước hồi đó.
Người phụ nữ tiếp chúng tôi là bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên, người vợ tác giả của những bức ảnh đó. Biết chúng tôi muốn xem những tấm ảnh của ông, ban đầu bà cũng tỏ vẻ e ngại mà nói rằng : “Nhà tôi khổ vì ảnh, ông ấy chụp chơi mà thành hoạ !"
Những tấm ảnh khổ lớn, có lẽ đã được phóng để đóng khung treo nay tháo ra để cất đi, vì nhiều tấm vẫn được đính trên những tấm bìa lót. Tất cả được bọc trong vuông giấy dầu để chống ẩm. Có lẽ lâu lắm rồi bọc ảnh này mới được giở ra. Chúng tôi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của những tấm ảnh sau hơn nửa thế kỉ vẫn rõ ràng và sắc nét. Người có nghề nói rằng, tác giả là tay “cao cường” không những chụp đẹp, mà rửa ảnh rất điêu luyện. Khi chưa có photoshop và công nghệ số, thì một nhà nhiếp ảnh được đánh giá cao tuỳ thuộc vào trình độ “làm phòng tối”, tức là công đoạn rửa ảnh. Nghe giải thích vậy, bà lại chép miệng : “Cũng tại cái phòng tối mà ông nhà tôi gặp hoạ”. Lúc đó, tôi và mọi người chưa nghĩ nhiều về cái “hoạ” của ông, mà chỉ mong sao giới thiệu với mọi người cái đẹp của những tấm ảnh ...
Thuyết phục mãi rồi bà cũng cho phép chúng tôi được sử dụng những tấm ảnh ấy để làm một cuộc triển lãm. Với hơn một trăm tấm ảnh chụp phong cảnh xưa : Những cảnh quê của vùng ngoại thành Hà Nội còn lam lũ nhưng rất thanh bình, những cảnh sống của người dân Hà Nội có vẻ đài các, sang trọng nhưng lại rất chân chất ... Nhiều tấm ảnh chụp những người thân gia đình, đủ toát lên cái phong lưu và tinh tế của các gia đình tử tế ở Hà Nội xưa. Nghề nghiệp còn khiến tôi chú ý đến những tấm ảnh chụp những góc phố, ngôi nhà một Hà Nội hoang tàn của 60 ngày đêm chiến tranh sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Một số tấm ảnh ông chụp ngày Tiếp quản thủ đô (10/10/1954), ngày Chính phủ và Cụ Hồ về Hà Nội (01/01/1955), ... Lại có cả tấm ảnh ông chụp với rất nhiều người có chung niềm đam mê với mình, trong ngày thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, và ông Tố Hữu, nhà tuyên huấn luôn theo sát giới văn nghệ sĩ ...
Cảm những tấm ảnh của ông, chúng tôi cất công tổ chức một cuộc triển lãm cho người đã quá cố, với chủ đề “Những ký ức còn lại”, trưng bày cũng trong lòng phố cổ (trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thủ đô, ở 19 Hàng Buồm). Và chính trong cái buổi chiều khai mạc triển lãm ấy, mà tôi biết được rất nhiều chuyện liên quan đến tác giả của những tấm ảnh, vì tuy không có quan khách, nhưng rất nhiều người dân của Hà Nội xưa, trong đó có những tay chơi ảnh cùng thời với tác giả đến dự. Câu chuyện họ kể khiến tôi hiểu hơn cái “hoạ” mà bà quả phụ nhắc tới, nhưng không bao giờ nói ra.
Sau ngày Tiếp quản thủ đô, chính nỗi đam mê nhiếp ảnh và cái phòng tối trang bị khá đầy đủ của ông đã thu hút bạn bè, trong đó có cả những người bạn từ chiến khu mới về, đến sử dụng để rửa ảnh. Thế rồi có một ngày, chính quyền đến khám xét và phát hiện thấy trong phòng tối có một tấm ảnh bị quy kết là đồi truỵ. Mà sự đồi truỵ giữa lúc đất nước đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng thì cũng có nghĩa là phản động ... Đó cũng là thời điểm mà ở bên nước bạn láng giềng đang diễn ra cuộc Cách mạng văn hoá long trời lở đất. Tấm ảnh khoả thân, mà có người cam đoan với tôi rằng, chắc chắn là của người khác, đã khiến ông phải nhận một cái án tù nhiều năm, để rồi khi mãn hạn ông cũng không sống được bao lâu nữa (*)... Sau cái tai hoạ ấy, người vợ đã lặng lẽ tháo xuống và cất đi tất cả những tấm ảnh của ông. Và như trong ngày triển lãm, bà thổ lộ rằng những tưởng không bao giờ được trưng ra nữa.
Cuộc triển lãm ở Hà Nội được tiếp theo bằng một cuộc trưng bày ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh của ông được in thành sách. Trong lời giới thiệu in trong sách, tôi có viết rằng : “Cái di sản nghệ thuật mà Nguyễn Duy Kiên để lại dường như càng lên hương, sau một thời gian dài ông bị quên lãng trong đời sống sáng tác của giới nhiếp ảnh vốn rất gần gũi với ông. Những thăng trầm ở cuối cuộc đời Nguyễn Duy Kiên, là điều ông không thể đưa được vào ống kính của mình. Vì thế cái di sản hình ảnh của ông để lại vẫn là cái nhìn của người nghệ sĩ chỉ biết yêu cuộc sống và cái đẹp. Dường như con mắt của ông luôn khép lại, trước cái xấu và những bi kịch của cuộc sống mà ông đã từng phải đối diện. Ảnh của Nguyễn Duy Kiên luôn toát lên cái nhìn và khát vọng của một con người tử tế muốn chia sẻ cái điều tử tế”.
Kể từ khi những tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên được đưa ra giới thiệu với công chúng, mọi người được biết đến một nghệ sĩ tài hoa. Những người Hà Nội cùng thời và biết nhiều về ông cảm thấy nhẹ lòng.
Rất cổ điển, bà không nói, nhưng cứ đến ngày cuối năm bà lại đến nhà tôi và một vài người bạn, đã góp phần làm triển lãm và sách “chiêu tuyết” cho người chồng quá cố, mang theo một gói quà Tết nhỏ. Đó là cách xử sự của người Hà Nội cổ để tỏ lòng ân nghĩa. Chúng tôi nếu tỏ lòng ái ngại để một người đáng tuổi mẹ mình làm việc ấy, thì bao giờ bà cũng đáp rằng : "Ông để tôi được làm theo “lệ cổ" !”.
Đã hơn 10 năm nay, cho đến Tết mới rồi, khi đã bước vào tuổi 90 bà vẫn làm như thế. Cũng như, từ mấy chục năm sau ngày ông mất, hàng ngày bà vẫn âm thầm sống bên ban thờ của ông, cũng là nơi bà dạy học cho lũ trẻ con cháu trong nhà, và hàng xóm xung quanh. Bà giáo dạy học cho đến những ngày cuối cùng ... Không bao giờ nhắc đến những chuyện đau lòng quá khứ, mà chỉ coi đó là chuyện riêng của mình ...
Giờ đây, nhắc lại câu chuyện về những tấm hình gây hoạ cho nhà nhiếp ảnh ... tôi bỗng cảm thấy hình như ý niệm về thời gian không hẳn như tôi đã nghĩ. "Phải chăng cuộc sống đôi khi cũng cần đến cả sự khép lại, mà không phải là lãng quên, khi những tấm ảnh đã được trưng ra ...”



Chú thích (*) : Ông bị án tù giam 11 năm, từ năm 1967. Do sức khoẻ kém nên năm 1975 được ra tù. Ông mất năm 1979.
(Trần Quang Dũng chú thích và trích báo Lao động cuối tuần ngày 29/03/2012)

Mời xem Video

ByPVD




Previous
Next Post »