Triển lãm tranh của Bác Phi Loan

Có thể gọi Bác Nguyễn Phi Loan(mẹ ruột của Bạch Hoa) là “kẻ ngoại đạo” với hội họa, bởi xuất thân của bà là một nhà khoa học công tác trong ngành địa chất. Mãi đến khi ngoài 60 tuổi, bà mới bén duyên này. Quê Bình Định, tập kết ra Bắc, tốt nghiệp ĐH Địa chất Lômônôxốp (Nga), họa sĩ Phi Loan (sinh năm 1938) là nhà địa chất học trước khi đến với hội họa. Kể lại một chút về cái duyên đến với nghề “vẽ bằng kéo”, họa sĩ Phi Loan cho rằng, đó là sự ngẫu nhiên. Bà kể, từ những mẩu vải cắt vụn rơi trên sàn nhà, bà đã gom góp lại rồi cắt, dán làm thành tranh cho các cháu chơi. Những bức tranh đầu tiên ra đời là những bức hình đơn giản như hoa, hình trẻ con,…Thấy hay hay, thế là những lúc rảnh rỗi bà lại tìm giấy trên các báo, tạp chí cắt dán thành những bức tranh với những hình ảnh quen thuộc. Khi thì những con gà trống, khi thì những con cò, chậu hoa lan,… Bà chỉ nghĩ “làm cho vui lúc tuổi già” nhưng càng làm càng thấy mê.
Một, hai, mười, rồi hàng trăm bức tranh lần lượt ra đời. Từ vũ điệu của con cò toàn bằng vải sô vụn, cảnh sinh hoạt của người H’Mông “vẽ” bằng vải bò... cho đến những cô thiếu nữ, vườn hoa cúc, những đôi trai gái hẹn hò dưới ánh trăng… toàn bằng giấy vụn. Tranh của bà đầy ắp tình yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp rực rỡ sắc màu và rất gần gũi với cuộc sống. Bà bảo, chính vốn sống và sự trải nghiệm hoạt động nghề nghiệp khoa học kỹ thuật đã giúp bà ghi nhận được nhiều hình ảnh trên những nẻo đường từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa; từ vùng cao Sa Pa, Tây Bắc đến đất mỏ Quảng Ninh…Rồi nhiều bức tranh cắt rán từ giấy báo cũ ra đời.
Họa sĩ Phi Loan chia sẻ: “Mình đến với nghề làm tranh vải, tranh giấy này chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng thật sự đó là một niềm đam mê khó diễn tả”. Điều lạ là dù chưa qua một trường lớp hội họa nào, nhưng nhờ khả năng về mỹ thuật thiên bẩm đã giúp Phi Loan gần như hội đủ những phẩm chất của một họa sĩ. Nếu chỉ nhìn mà không được giới thiệu và tự tay sờ vào tranh, người ta dễ nhầm tưởng đó là những bức tranh sơn dầu hay màu nước, bởi sự phối màu thật độc đáo qua bàn tay khéo léo của bà Phi Loan khi cắt xé những tấm vải để tạo nên những đường nét chi tiết cho bức tranh như: gợn nước, làn khói, cành cây khô và thể hiện được cả nét mặt của con người lúc vui hay hờn giận,…
Họa sĩ Phi Loan: Lãng du cùng giấy
Một sáng tác của họa sĩ Nguyễn Phi Loan
Họa sĩ Phi Loan cho biết: “Có những lúc bí vì kiến thức hội họa không có, không biết phải ghép hình như thế nào cho phù hợp các mảng tối, sáng. Bức tranh vì thế không được ưng ý”. Thế là bà lại lần mò đi tìm các lớp dạy học vẽ ngắn hạn. Rồi những chuyến theo con ra nước ngoài, bà cũng tranh thủ học các khóa ngắn hạn về tranh thêu, tranh cắt vải (ở Nhật), hay vẽ acrylic, trang trí mỹ thuật (ở Mỹ) và tự học xé giấy dán từ sách. Bà cũng mày mò mua sách mỹ thuật các nước về đọc và nghiên cứu. Không biết đọc sách nước ngoài, bà lại tìm ghi danh đến các lớp học ngoại ngữ để trau dồi kiến thức. Bà kể: “Có lần tôi đi đăng kí học lớp tiếng Hàn Quốc buổi tối, người ta đã hỏi tôi già rồi còn đi học tiếng Hàn làm gì”. Những lúc như thế, họa sĩ Phi Loan chỉ biết cười: “Tôi đi học để giết thời gian”.
Thấy tranh của bà vừa đẹp vừa lạ, nhiều người bảo bà nên tham dự các cuộc triển lãm để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Năm 2003, một triển lãm cá nhân về tranh và vải được trưng bày lần đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Nga (Hà Nội). Năm 2005, 16 tác phẩm tranh cắt vải của bà tham gia triển lãm tại Cung Văn hóa Việt – Xô. Năm 2007, 88 tác phẩm tranh giấy dán và tranh cắt vải đang được trưng bày tại 218A Pasteur, quận 3 và đây là cuộc triển lãm đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Thị Phi Loan ở TPHCM…Trong những lần tham gia triển lãm, bà được gọi là một nghệ nhân hay một họa sĩ nghiệp dư, nhưng gần đây bà được Hội Mỹ thuật Việt Nam chính thức công nhận là một họa sĩ.Nhà ở trở thành phòng sáng tác tranh của Họa sĩ Phi Loan.
Những thứ tưởng chừng bỏ đi qua bàn tay của nữ nghệ nhân - họa sĩ Phi Loan thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Lập web, viết sách dạy nghề
Ngoài thời gian chính dành cho gia đình và sáng tác, họa sĩ Phi Loan ấp ủ ước mong được truyền nghề làm tranh này cho mọi người, cho những chị em phụ nữ yêu thích môn nghệ thuật cắt dán, nhất là những phụ nữ đã bước vào tuổi nghỉ hưu. Họa sĩ Phi Loan quan, làm hội họa cũng là cách thư giãn hữu hiệu nhất, được thiền trong màu sắc sẽ tốt cho sức khỏe. Bà phấn khởi khoe các con bà đã giúp lập một trang web có tên http://philoan.info, là chỗ để giới thiệu tranh và cũng là chỗ để chia sẻ cách làm tranh của bà với công chúng.
Bên cạnh lập trang web, họa sĩ Phi Loan cũng thường xuyên nhận lời mời đến giảng dạy cho các chị em phụ nữ tại các Hội, dạy miễn phí cho sinh viên. Hiện họa sĩ Phi Loan đang dạy miễn phí ở Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi OSEDC - Việt Nam và Trung tâm IDO tại 321A Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận. Chưa dừng lại đó, bà còn đang ấp ủ một dự định: “Truyền dạy cách làm tranh cắt dán này tại các quán cà phê”. Bà nói: “Ở mỗi quán cà phê, có thể đặt một góc nhỏ dành cho những người yêu thích cách làm tranh này. Tranh này học rất mau, chỉ cần 15-20 phút là có thể làm được một tấm bưu thiếp”. Với bà, giấy và vải vụn là một nguồn nguyên liệu vô tận. Thay vì bỏ chúng đi thì hãy biến chúng thành những bức tranh sinh động mang tính nghệ thuật cao, tạo cho chúng một đời sống thứ hai để góp thêm vẻ đẹp cho cuộc sống.
Sắ tới đây từ 21/3 đến 23/3/2015  sẽ có triển lãm tranh nghệ thuật cắt dán của Bác Phi Loan tại nhà văn hóa Việt Nam (Kulturhaus VIETHAUS) ở thủ đô Berlin ở CHLB Đức, tháp tùng có hai con ruột là Bạch Hoa và Minh Việt ( xem quảng cáo)
(Tham khảo thêm Internet)
Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar

Cảm phục tài năng và nghị lực của bà Phi Loan. Hồi bà còn ở Hà Nội chưa vào TP. HCM, bà xã tôi đã cùng mấy người bạn theo học tranh cắt giấy của bà. Kết quả cũng có được vài bức tranh, nhưng vì không đủ độ kiên trì và tài năng có hạn nên chỉ dừng ở mức để biết mà thôi.

Balas
avatar

Cảm phục sự say mê nghệ thuật của bà Phi Loan, với 1 phụ nữ có nhiều khó khăn hơn nam giới, nhung bà đã khắc phục và đạt được kết quả cao
Các bạn trẻ trong chi họ hãy lấy đây là 1 tấm gương để học tập noi theo !

Balas