DANH và THỰC !



Tôi viết bài này là để "Đàm luận" chung với các độc giả của Blog "Gia Đình Cụ Quang" về chủ đề "DANH và THỰC" thôi ! Không liên quan đến ai cả !


Xưa nay có kẻ danh để không “nát với cỏ cây” thường hiếm. Vì hiếm nên qúy. Quý nên được ngưỡng vọng, tôn kính. Giầu có chưa là gì. Quyền thế chưa là cái đinh gì so với danh vọng, danh tiếng. Chính thế mà chữ DANH luôn luôn là nỗi khao khát đầy mầu sắc bi kịch của biết bao người. Có cả muôn vạn cách để lưu danh ở đời. Nhưng có lẽ cái cách mà nhiều người tìm đến nhất là học. Thuận theo lẽ trời sẽ là: học để thành tài, để có dịp đem cái tài ra phụng sự đất nước, "ích quân trạch dân" rồi danh tiếng sẽ tự đến, sẽ lưu truyền đời này sang đời khác, thành tên đất, tên làng tồn tại cùng trời đất. Có danh là để dễ bề làm sáng nghiệp tổ tiên, làm cho ngay thẳng công lý. Khổng Tử bảo: "Danh có chính thì ngôn mới thuận" vừa nói nên khát vọng của kẻ sĩ nhưng đồng thời cũng gắn cho họ một sử mệnh thật lớn lao mà một kẻ vô đạo cũng sẽ vô dụng nếu như không là tai họa cho nhân quần. Vì thế, chỉ cần có thực tài thì hiển nhiên là sẽ có danh. Tài cao, đức trọng, lĩnh hội được mệnh trời thì có danh lớn. Tài hèn, sức mọn thì chỉ cần sống cho ra một con người, cũng là có danh rồi. Cái "thực" trong trường hợp này chính là tự biết mình không có tài cao.
Có “danh” mà không có “thực” thì chỉ là “hư danh”, chẳng làm nên trò trống gì. “Hư danh” đối nghịch với chân - thiện - mỹ, kìm hãm sự phát triển của đất nước và con người! Nguy hại lắm thay!  
     Tôi thì quan niệm rằng để danh cho đời cũng là cái tốt. Nhưng suy cho cùng DANH cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa lúc chúng ta đã trở về CÁT BỤI ! Đã trở về CÁT BỤI rồi  thì người đang sống cố chạy để có được huân chương này, huân chương khác hay để có bia đá đặt ở một nơi nào đó (phải mất kinh phí khá nhiều) cho người đã mất cũng chỉ là hư vô vì người mất còn biết gì nữa đâu và họ cũng chẳng được lợi lộc gì cả. Có chăng chỉ để cho người thân của họ hưởng tiếng, hưởng lợi mà thôi và...họ thì có một bia đá vô tri vô giác chôn ở một nơi nào đó để cản gió, hứng mưa, vậy thôi.!
    Đa số những kẻ hèn mọn như chúng ta sống cho đúng nghĩa là NGƯỜI đã là khó rồi chứ làm sao có thể để DANH cho đời được ! Nếu ai có thực tài (DANH và THỰC) tạo được danh lớn thì hãy làm nhưng tôi thấy dân thường như chúng ta là quá tầm. Tạo được danh lớn thì làm chứ mấy cái danh "bạn bè", "họ hàng"... phong thì lao vào làm gì? Danh hôm nay có, ngày mai sẽ mất ngay như bọt bong bóng xà phòng thôi mà !
    Nhìn ra bên ngoài không đâu xa như nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc chẳng hạn. Những bậc tài cao như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình mà lúc mất đi họ nào có mong để lại bia đá, lăng tẩm gì đâu. 
    Như ông Đặng Tiểu Bình lại còn không cho tổ chức tang lễ theo hình thức quốc gia và không mời bất cứ nguyên thủ quốc gia nào đến dự tang lễ của mình nữa ! Di chúc các vĩ nhân này để lại là rải tro hài cốt lên đất nước mình đã sinh ra. Con người sinh ra từ đất, từ cát bụi lại trở về với đất và cát bụi ! Âu đó cũng là hợp với quy luật tự nhiên !
    Tác động của các vị này đối với đất nước của mình thật lớn lao nhưng lúc từ giã cõi đời họ cũng như bao thường dân khác ! Điều đó đáng để chúng ta suy ngẫm !
Danh là cái gì mà có người lao tâm khổ tứ với nó đến vậy ?
Danh là cái gì mà nó đeo bám con người và có tính di truyền đến thế ?

Danh mà làm gì khi chúng ta không còn trên cõi đời này nữa ! !


Previous
Next Post »