Giỗ Cụ bà Bảo Bé

Trưa nay 13.10.2012, tôi và bà xã cùng các vị Ngọc, Lan, Tiến Phượng vừa vào Định Công dự ngày giỗ Cụ bà Lê Thị Bé phu nhân Cụ cả Phạm Vĩnh Bảo mà chúng tôi quen gọi là bà Bảo Bé.
Cũng như mọi năm ngày giỗ tại Định Công được 3 bà phu nhân của các ông Giao Đu, Chỉnh Huấn và Thành Công làm đầu bếp rất chu đáo. Theo ông Ngọc các món ăn rất hợp lí, vừa phải, ngon và đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Trong khi các bà lo khâu hậu cần cánh đàn ông tụ họp quanh chén rượu, như mọi năm lại sôi nổi các cuộc đàm luận chuyện gia đình, thời cuộc. Điều đó cũng dễ hiểu vì ít khi họ hàng gặp nhau, đây thực là một một cơ hội hiếm có.
Với tôi vào ngày này lại gợi nhớ những lần gặp bà Bảo Bé. Thời kì tôi học cấp II Trưng Vương (1957-1960), cứ chiều thứ bảy hằng tuần là tôi không về nhà ngay mà ra sân Paster (CLB Lao đông bây giờ) đá bóng. Đến chiều mới ghé qua nhà Cụ Bảo ở ngay trụ sở Sở xây dựng Hà Nội ở 14 Phan Chu Trinh (thời Cụ làm Giám đốc Sở này) đến tối sẩm mới về nhà. Thường thì vào thời gian đó cũng là lúc bà Bảo Bé cùng các con từ trại nhi đồng miền Nam về tới nhà nghỉ cuối tuần. Hồi đó tôi đã tiếp xúc nhiều với bà Ánh Hồng, các em của bà và mặc nhiên được coi như là một người quen thuộc của gia đình.
Sau này trong thời gian đi bộ đội những lần được về qua nhà, tuy thời gian ít ỏi đa phần tôi vẫn giữ lệ về thăm bà Bảo Bé ở Định Công. Lúc đó bà ở môt  mình vì con cái đi xa. Có lần tôi đã đưa bà bằng xe đạp từ Định Công ra thăm Cụ Yến, bà Hoàng Hà ở Tăng Bạt Hổ và bà Phạm Thị Bắc ở Hàng Chuối. Ngày đó đường vào Định Công không được ngon lành như bây giờ, khó đi nên việc đi lại bằng chiếc xe đạo cọc cạch  cũng được coi là một "kì tích" của tôi.
Bà Ánh Hồng và các em trai Giao Đu, Chỉnh Huấn, Thành Công thân tình hay gọi tôi bằng “anh, xưng em”. Quen miệng tôi cũng xưng “anh, em” lại như thế. Có lần bà Bảo Bé nhắc tôi về cách xưng hô ấy. Quả thực trước mặt bà tôi có sửa, nhưng cũng chỉ được đôi lần còn đâu lại hoàn đó cho tới tận bây giờ. Thực lòng xưng hô là vậy do đã quen khó sửa, nhưng trong thâm tâm chúng tôi vẫn coi các bác ấy về họ hàng là ở bậc trên nào dám coi thường. Vả lại tôi biết bà Bảo Bé trách là trách vui vậy thôi, chứ trong thâm tâm bà cũng không nặng lòng về chuyện này.
Cho đến giờ này khi viết mấy dòng cảm nghĩ này, tôi vẫn lưu giữ ấn tương bà Bảo Bé là một người phụ nữ có bản lĩnh vững vàng, trực tính, thẳng thắn được trui rèn qua những năm tháng hoạt động cùng Cụ Phạm Vĩnh Bảo thời chống Pháp ở Nam Bộ và bà là người rất đồng cảm với Cụ Yến nhà mình.
Vĩnh Thắng. 
Previous
Next Post »