Đôi điều về người Đức


Tôi có thói quen đi bộ vào mỗi buổi sáng để rèn luyện sức khỏe. Trong khu vực tôi ở (phường tôi và các phường lân cận) đều có những vị có sở thích như tôi.
   Sau cuộc đi bộ chúng tôi lại cùng nhau tụ tập ít phút ở quán trà chén gần đó để thưởng thức cốc chè xanh hay cốc chè mạn nóng hổi và để họp "Bộ chính trị vỉa hè".
    Trong những chuyến đi bộ như vậy tôi có quen một ông người Đức sang đây làm chuyên gia. Ông ấy đưa vợ sang đây để lo nội trợ và thuê nhà ở phường lân cận sát tôi.
Với lương chuyên gia của mình thì ông ấy thừa sức đưa vợ sang nội trợ và thuê nhà để ở. Vừa nuôi được vợ, vợ chồng vừa được gần nhau còn gì bằng. Người Đức cũng như người Mỹ họ rất thực tế. Vì vậy sau một  thời gian sống ở Việt nam ở khách sạn, ăn cơm hàng bị "chém" nên ông ấy đã chọn giải pháp đưa vợ sang Việt Nam để làm "Osin". Tối ưu đấy chứ !
  Một lần tình cờ ra uống bia hơi ở một quán vỉa hè, tôi có gặp ông ấy đang uống ở đó. Tôi đã sử dụng vốn tiếng Đức 2 năm của mình để nói chuyện với ông ấy và nhìn chung là chúng tôi hiểu được nhau.
Qua những cuộc chuyện trò tôi thấy ông ấy rất có thiện cảm với Việt Nam. Ông ta khen Việt Nam ăn uống rẻ, người Việt cởi mở, mến khách và đặc biệt phụ nữ Việt Nam rất đẹp (sehr shön) dưới con mắt của ông ta.
Một lần tình cờ ngồi uống bia cùng với ông, sau giới thiệu làm quen của 2 bên tôi có ý định mời ông ấy 2 cốc bia mà ông ta đã gọi. Tôi nói với ông ta rằng:" Lassen Sie mir heute, biete bezalen für Sie das Bier !"( hãy để cho tôi hôm nay thanh toán bia cho ông !). Ông ấy trả lời tôi là: "Noch nicht !" (ô không được !). Tôi cố thuyết phục mãi mà không thành công. Bản tính của người Đức là vậy. Không như dân Việt ta cứ  "tùy anh". Mà tùy anh nhiều lúc cũng khó xử lắm, không biết đằng nào mà lần. Vì vậy để sống cho biết điều ở Việt Nam không phải là dễ và..mệt đầu lắm. Tôi còn nhớ lúc còn công tác, ký kết  hợp đồng sản xuất. Ký được hợp đồng là sẽ có "thu hoạch". Có điều lúc bàn đến chuyện "trả nghĩa" sau này thì đối tác không cho biết ý mình thế nào mà cứ "tùy anh" thôi. Tùy như thế nào đây, thật là khó! Điều này làm cho tôi khó cơi nới để dành suất cho họ khi xây dựng hợp đồng và "cảm ơn" đúng ý đối tác sau khi xong việc. Mà không "đúng ý" là lần sau hợp đồng đó sẽ vào tay người khác ngay. Còn quá "đúng ý" thì hầu bao của mình vơi đi nhiều quá !
    Người Đức sòng phẳng và kỷ cương. Có người cho là người Đức máy móc, ky bo nhưng thực tình không phải thế đâu. Nếu người Đức chủ động mời Anh ăn uống thì người ta rất chu đáo và trả tiền cho Anh. Còn nếu người ta không mời thì có thể ngồi với nhau rất thoải mái nhưng suất ai người nấy trả ngay cả đến con cái họ cũng vậy.
Lúc làm việc cùng, người Đức bỏ bao thuốc lên bàn không có nghĩa là Anh có thể lấy hút. Không được đâu ! Không giống như dân Việt hay Nga đã bỏ bao thuốc lên bàn là người khác có thể tự do sử dụng.
      Người Đức có bản tính nữa là rất sạch sẽ, ngăn nắp và rất kỷ cương đến mức máy móc.  Tôi đã về nước từ năm 1982 mà đến nay vẫn nhận được đều đặn các Tạp chí của Trường cũ. Vì nó đã vào dữ liệu của máy tính rồi mà ! Người Đức làm những việc thiên về đầu óc hơn là chân tay. Dạo tôi ở Đức không thấy dân Đức làm các việc như làm đường, dọn vệ sinh và những việc đại loại như vậy mặc dầu họ đang hưởng lương thất nghiệp. Làm những việc này ở bên Đức tinh do công nhân Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận.

     Còn một điểm nữa người Đức rất thích bia. Họ có Hội bia München hàng năm nổi tiếng thế giới. Uống bia Đức phải uống bia đựng trong thùng gỗ thì mới ngon. Dân Đức đã ngồi bia bọt với nhau là bàn đầy cốc (cả không lẫn có). Tôi chỉ sống ở Đức gần 2 năm mà nhiễm luôn tính xấu là ghiền bia. Khổ thế đấy !
     Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có những đặc tính khác  nhau. Nên chăng chúng ta cần tôn trọng đến đặc thù này ? Cần phải phát triển trong đa dạng, hòa nhập chứ không hòa tan và không nên bài xích, loại trừ nhau, phải không các vị !?
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Chúc mừng anh có thêm bạn mới - người Đức.

Balas