Chúc Mừng Sinh nhật Cô Nhu

  Tôi là con em của một tỉnh nghèo nhất nước mà lại sống ở nông thôn chứ đâu được sống ở thành phố hay thị trấn gì đâu. Học xong phổ thông và được cử đi nước ngoài học Đại học, tôi mới được mặc cái quần kaki dài đầu tiên của ông anh tôi. Gọi là quần dài  nhưng lúc tôi mặc thì mới đến nửa cẳng chân như quần ngố bây giờ vì ông anh tôi người thấp hơn tôi nhiều. Trông buồn cười lắm nhưng tưởng mình oai chẳng ai bằng ! Được đi học nước ngoài và được làm việc ở Hà Nội tôi mới được "văn minh hóa" lên ít nhiều nhưng tính nhà quê thì chắc chẳng bao giờ mất hẳn được !
Sau khi làm rể Hà Nội và được sống trong Đại Gia đình 53 Lãn Ông, tôi được tiếp xúc với Các Cô, Các Cậu. Lại được thưởng thức món ăn truyền thống của Cụ Quang - Yến và con cháu Cụ là món bún thang. Phải nói lần đâu tiên tôi được thưởng thức món này là ở 53 Lãn Ông khi 2 Cụ Quang -Yến còn sống và tôi mới về làm rể được một hai năm gì đó. Nói đến món bún thang - món ăn truyền thống của gia đình là nói đến Cô Nhu - một người nội trợ rất giỏi của Chi họ. Đám nào có Cô Nhu tham gia làm trưởng bếp thì ngoài ăn no ra còn được ăn ngon và sạch sẽ. Tôi còn nhớ chuyến đi Pắc Bó - Bản Giốc với Cô và Cô Minh, Cậu Thắng; cô đã chuẩn bị khâu hậu cần rất chu đáo và trên xe đoàn của chi họ ta thỉnh thoảng lại có cái gì để ăn...bồi bổ sức khỏe.
      Đi đâu Cô cũng rất lo lắng cho việc ăn uống của các thành viên trong đoàn như Mẹ vợ tôi trong gia đình vậy. Bao giờ Cụ cũng chú ý đến khâu ăn uống để con cháu có sức khỏe, ít ốm đau. 
  Kể từ lần đầu được thưởng thức món do Cô Nhu nấu ở 53 Lãn Ông, bún thang cũng đã trở thành món khoái khẩu của tôi. Tôi nhìn vậy chứ "con nhà lính. tính nhà quan", hơi khảnh ăn. Ăn bao giờ cũng muốn luôn luôn đổi món kể là rau đi chăng nữa. Tuy vậy đối với món bún thang tôi có thể chén sáng, trưa, tối liên tù tì mà vẫn không kêu ca ! Ngoài món bún thang ra tôi cũng rất hạp món rau muống luộc có nước dầm sấu thay canh. Có thể nói đây cũng là một món đặc sản của Hà Nội vì chỉ ở nơi đây mới có. Nước rau muông dầm sấu có vị đặc biệt là chua nhưng mà dịu, thơm thoảng rất dễ chịu. Mùa hè nóng nực bát cơm chan nước sấu dầm và có quả cà muối Nghệ nữa đi kèm thì đôi lúc bát cơm còn ngon hơn cả ăn với thịt ! 
 Tôi đang tự hỏi có phải nước rau muống dầm sấu đã làm cho quả cà Nghệ bớt mặn đi hay cà Nghệ đã làm tăng thêm hương vị đậm đà hơn cho nước rau muống dầm sấu Hà Thành? Thật khó phân biệt rạch ròi ra được! Phải để nó hòa quyện với nhau thì mới thành món đặc sản đó. Còn tách ra, cả hai đều giảm giá trị ! Nước rau muống dầm sấu với cà muối Xứ Nghệ, phải chăng là nét hòa quyện của hai mảnh đất, hai nền văn hóa có nhiều truyền thống, là duyên nợ để tôi - một chàng trai Xứ Nghệ về làm rể chi họ ta và gắn bó với Hà Nội cho đến suốt đời !
  Nhân Sinh nhật lần thứ 73 của Cô, cháu xin có mấy lời tâm sự như vậy. Cảm ơn Cô - người đã giới thiệu và cho cháu thưởng thức một đặc sản của Hà Thành - bún thang  mà có lẽ cháu sẽ cùng với nó gắn bó hết quảng đời còn lại ! Không dứt nhau ra được !

Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Bài viết rất hay, rất chân chất, có hơi hướng của cụ Nguyễn Tuân viết về món ăn HN.Bây giờ có anh Lương viết về món canh rau muống luộc dầm sấu ăn với cà muối Nghệ.

Balas