Nỗi khổ học của 9X



Trong chi họ nhà ta nếu cháu nào đang ở độ tuổi 9X thì cũng như Phạm Lê D sẽ thấm "khổ " của việc học tập trong những năm cuối của Trường Trung Học Phổ Thông. Chả thế mà trên mạng đã có nhiều bài viết xung quanh chuyện học hành và ứng xử của 9X như : 9X học vì cha mẹ hay cho tương lai ; 9X balô ,kính cận, vẹo cột sống; Những trò nghịch tinh quái của 9X,Học nhiều vẫn 'thiếu hiểu biết'/Nỗi buồn của một học sinh thế hệ 9X.. Trong bài Góp Ý nhỏ viết trên Blog ngày 11/2/2009 tôi đã đề cập đến sự cấp thiết phải cải cách giáo trình giảng dạy ở Đại Học và nhất là Trung Học Phổ Thông. Trong khi chờ có sự cải cách trên, chúng ta thử tìm hiểu xem ý kiến của 9X về thực trạng học tập hiện nay của các em qua 2 bài điển hình sau đăng trên mạng vnexpress :


'Nền Giáo dục nước nhà làm em thật sự... bối rối'


Cũng không biết vì sao và từ bao giờ, những ước mơ học trò đã bay đâu mất. Giờ đây, nền giáo dục nước nhà làm em thật sự... bối rối khi không biết bạn nào học thật sự giỏi và dở nếu chỉ thông qua điểm số.

Người gửi: Nam


Em là học sinh bình thường và đang học tại một trường THPT dân lập ở TP HCM. Em không biết những điều em chính mắt thấy có làm các thầy cô tin không, nhưng nó thật sự đã xảy ra. Nếu có một cái máy có thể làm cho mọi học sinh chân thành nói ra hết những tiêu cực thì dường như quan điểm cũng sẽ chẳng khác em là bao.

Học sinh Việt Nam đang tự đào thải mình. Em cảm thấy như vậy vì dường như các bạn xung quanh em đánh mất khả năng tự học độc lập, tự suy nghĩ. Mọi thứ gần như được thầy cô "dọn cỗ" hoặc sách "chỉ đường" đến nỗi chỉ cần chăm học thuộc lòng là có thể làm ngon.

Việc học nhóm vì thế cũng trở nên bất công, khi những bạn như trên chỉ đùn đẩy cho người nào siêng và gánh hết phần việc của nhóm. Dĩ nhiên, thầy cô nhắc bạn nào không làm sẽ bị điểm 0 nhưng "nạn nhân" đó ít khi can đảm để nói điều đó, vì cùng là "bạn bè cả mà".

Và điều đó dẫn tới những bài văn mẫu copy y chang và được những điểm 9 tròn trịa khi em học lớp 9, và cả trong kỳ thi tốt nghiệp THCS. Từ đó, môn Văn trở nên mất sự cảm nhận mà đầy rẫy sự đối phó khi dọc hành lang trước khi thi môn Văn, những học trò đi tới đi lui lẩm nhẩm... văn mẫu.Việc copy bài nhau trong lớp cũng được thầy cô coi là chuyện bình thường và chấp nhận điều này bằng vài lời nhắc nhở qua loa. Do đó, điểm cao không còn là chuyện hiểu bài mà là chuyện "nhờ" và "thuộc".

Cũng không biết vì sao và từ bao giờ, những ước mơ của học trò đã bay đâu mất. Những định hướng trong tương lai sao mờ nhạt quá. Phần lớn bạn em đều chỉ mong làm "business man" vì thấy làm nghề đó đâu cần học Toán, Lý, Hóa.

Môn Công nghệ gắn chặt trong đời sống hằng ngày qua những vật dụng; Giáo dục Công dân gắn bó với sự phát triển con người và đất nước; Thể dục cần cho sự phát triển thể chất, sức khỏe... Nhưng những môn phụ cực kỳ quan trọng này lại đang bị lãng quên hay được dạy và học cho có giờ.

Học sinh nước ngoài phần lớn có khả năng nói lên ý kiến của mình, còn tụi em thì "gió chiều nào theo chiều ấy", chỉ dám theo những ý kiến số đông... Trong khi những thiên tài đều xuất thân từ việc lật lại những định kiến, chống lại ý kiến số đông. Những thiên tài như Newton, Galilee đều bày tỏ ý kiến dựa trên cái đúng, và làm việc đó cho cả thế giới.

Nền giáo dục của đất nước như thế nào thì sẽ cho ra học sinh thế ấy mà học sinh thế nào thì nguồn nhân lực của đất nước sẽ như vậy. Nếu lấy đích là thành công thì phải từ mỗi nỗ lực của học sinh. Nhưng mỗi nỗ lực của học sinh sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ yếu tố giáo dục, học tập, phải không ạ?

Em chỉ mong Bộ GD&ĐT sẽ mở một hội đồng quy mô gồm tất cả giáo viên để bàn luận lại vấn đề "dạy thế nào?" và một hội đồng quy mô học sinh từng trường sẽ đề cập tới vấn đề "học thế nào?".

Theo em nghĩ, nếu các giáo viên thay đổi, học sinh sẽ thay đổi theo. Và học sinh thay đổi sẽ là nguồn động lực cho giáo viên phấn đấu, có hứng dạy hơn.


Các thầy cô có phải học chương trình phổ thông nặng như chúng cháu?


Các cô các thầy cũng từng là những người đi học đi thi, nhưng thử hỏi xem có ai trong số các thầy các cô phải học chương trình nặng như chúng cháu? Xã hội lúc nào cũng đòi hỏi phải nghiêm túc, công bằng và tỷ lệ thuận theo sự đòi hỏi ấy là số sách vở ngày càng tăng, chương trình ngày càng nhiều..

Người gửi: Lê Nguyên Dũng


Đọc xong bức thư và những lời phản hồi của mọi người cháu tự dưng thấy chạnh lòng bởi năm nay cháu cũng là học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Giữa bộn bề 12 môn tương ứng với 24 quyển sách giáo khoa và sách bài tập (nếu cháu đếm không nhầm), bọn cháu đang từng ngày từng giờ, hồi hộp và nín thở (và có thể là cả xã hội đang nín thở) để xem năm nay chúng cháu thi tốt nghiệp môn gì.

Không biết tỷ lệ đỗ và trượt kia sẽ rơi vào đầu ai? Thật hạnh phúc biết bao nếu phần đỗ rơi vào mình, còn đau khổ biết mấy nếu bị sao quả tạ trượt chiếu mệnh. Từng ngày một cả xã hội đang nín thở...

Bên cạnh nỗi lo vô định ấy là nỗi lòng của những học sinh thi đại học. Các cô các thầy cũng từng là những người đi học đi thi, nhưng thử hỏi xem có ai trong số các thầy các cô phải học chương trình nặng như chúng cháu? Xã hội lúc nào cũng đòi hỏi phải nghiêm túc, công bằng và tỷ lệ thuận theo sự đòi hỏi ấy là số sách vở ngày càng tăng, chương trình ngày càng nhiều...

Vậy mà mỗi ngày cũng chỉ có 24 tiếng. Chúng cháu đâu phải người máy để có thể làm hết công suất 24h? Đã bao giờ các thầy cô tự hỏi chính mình xem nếu là chúng cháu thì các thầy cô có học được như thế không? Làm ơn hãy cho chúng cháu con đường vào tương lai.

Với 12 môn học là 12 giáo trình nặng hơn bất kỳ chương trình nào ngày xưa thầy cô đã học, các thầy cô suy nghĩ thêm cho chúng con có được không? Chúng cháu chỉ luôn mong được bước vào cách cổng trường đại học, được là những sinh viên, nhưng có ai hiểu cho là nỗi lo khủng khiếp trước mặt giờ đây là thi tốt nghiệp.

Cháu nghĩ nếu những bạn đã không có khả năng thi đại học thì cũng chỉ cần có cái bằng tốt nghiệp để bước vào đời còn thi đại học là kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ và kỷ luật vô cùng, nào ai thoát được. 12 môn học, 12 nỗi lo để được trên 5 mỗi môn... kèm theo là 3 nỗi lo về môn thi đại học.

Làm ơn đừng gây thêm sức ép cho chúng cháu.


( Nguồn : vnexpress, trong ảnh có David )


Previous
Next Post »