Dinh dưỡng cho ngừoi cao tuổi


A.Người cao tuổi nên ăn thế nào ?



Vào những lúc chuyển mùa, người già rất dễ mắc bệnh nên cần thường xuyên đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cao để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cách tốt nhất là áp dụng theo tháp dinh dưỡng đặc biệt sau đây. Tháp này hẹp hơn tháp cho người bình thường do càng lớn tuổi, nhu cầu dinh dưỡng càng giảm, cả về calo cũng các dưỡng chất. Trên đỉnh tháp có cắm một lá cờ vitamin vì với lượng thức ăn ống tiêu hóa người cao tuổi nạp được, các bữa ăn có thể không cung cấp đủ.Đáy thap được xây trên nước với biểu tượng 8 ly nước để nhắc các cụ cần uống đủ nước mới duy trì được sức khỏe. Nước ở đây là nước lọc, không phải cà phê, trà đặc, hay đồ uống có cồn. Về già, người ta ít có cản giác khát nước nên nếu để tự nhiên, các cụ sẽ uống rất ít nước, không đủ cung ứng cho tuần hòan não 24/24/ giờ.



Hơn nữa, người cao tuổi còn phải dùng nhiều thuốc theo toa, cần uống nước để thận có thêm nước mới thực hiện được chức năng bài tiết, khử độc. Thiếu nước cũng dễ gây táo bón ở người già.Các cụ nên nạp vào cơ thể từ 1.600 đến 2.000 calo mỗi ngày tùy theo mức hoạt động chân tay còn duy trì được.

Lưu ý: Cần lựa chọn những thức ăn tươi để cung cấp được tối đa vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) với năng lượng vừa đủ, khuyến khích dùng nhiều ngũ cốc nguyên cám, rau, trái cây tươi; dùng vừa đủ thức ăn giàu đạm và điều độ ba thứ: đường, muối, rượu. Cụ thể:





1. Ngọn cờ vitamin: Để bảo đảm có đủ chất dinh dưỡng cho người cao tuổi lúc chuyển mùa, nên dùng ngũ cốc nguyên cám hay được bổ sung tăng cường axit folic, có tác dụng hạ lượng homocystein trong máu, giúp người già tránh nguy cơ mắc bệnh mạch vành tim, lên cơn đau tim, rối loạn tuần hoàn. Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần uống thêm thuốc bổ chứa vitamin B12. Nếu ống tiêu hóa kém hấp thu vitamin B12, cần chích bắp.

2. Tầng 1: Bao gồm những lương thực cơ bản, vừa là nguồn chất bột, vừa là nguồn chất xơ nhằm phòng tránh táo bón, các bệnh túi thừa (diverticulosis), đồng thời có tác dụng “quét” bớt cholesterol trong máu, giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, ung thư. Vì vậy, người cao tuổi nên ăn cơm gạo lức, gạo “đỏ”, bánh mì (làm bằng bột lúa mì nguyên cám). Khuyến khích các cụ “ăn chay” một tuần vài lần với tàu hũ, hạt họ đậu làm nguồn đạm thay thịt, cá. Ký hiệu f rải rác trong tầng ngũ cốc và rau - trái cây là biểu tượng có hiện diện chất xơ.

3. Tầng 2: Rau hay trái cây. Nên chọn loại có màu xanh đậm (rau lá), vàng, đỏ để bảo đảm nhiều muối khoáng, caroten, sinh tố. Ví dụ: nếu chọn khoai nên chọn khoai lang vàng hơn là khoai tây hoặc khoai lang trắng; trái cây như: đu đủ, cam, quít và đào, mơ có màu vàng tươi. Thay vì uống nước ép trái cây nên ăn cam, quít, bưởi cả bã (nhiều chất xơ), mới bảo đảm đủ sinh tố C và caroten - tiền sinh tố A.

4. Tầng 3: Thức ăn “nguồn đạm”, chia làm hai ngăn:

Ngăn dành riêng cho sữa và các sản phẩm từ sữa, mỗi ngày nên uống tương đương hai ly. Có một số người già không quen dùng sữa (bò) hoặc bị “sôi bụng” mỗi khi uống do bị “bất dung đường Lactose”. Với các trường hợp này, có thể chế biến thành sữa chua hay cho các cụ uống men tươi sống như Probi, Yakult.

Ngăn dành cho thịt, cá, trứng đem lại đạm động vật; còn một lớp cho đạm thực vật gồm các hạt họ đậu, tàu hũ (đậu phụ). Nên cho người già ăn 2 suất/ngày thức ăn loại này; chọn thịt nạc ít mỡ, sữa và sản phẩm từ sữa giàu đạm, canxi, sinh tố B2 và D. Phi-lê cá tốt hơn thịt nhờ dễ tiêu hơn và có axit béo thiết yếu hơn.

Nhu cầu canxi khuyến cáo cho người cao tuổi hiện nay lên tới 1300mg/ngày. Muốn đạt được lượng này cần uống đến ba ly sữa/ngày thay vì hai. Nếu không uống được đủ lượng sữa này, có thể uống thêm viên canxi (phosphate hay carbonate) bổ sung.

5. Ngọn tháp: Thức ăn bổ sung vừa đủ calo là dầu, mỡ, đường nhưng tránh lạm dụng.

BS Nguyễn Lân Đính
(Chuyên viên dinh dưỡng)


B. Mật ong tốt cho người cao tuổi




Đối với người cao tuổi, nếu thích ăn ngọt thì nên ăn mật ong tốt hơn là ăn đường. Nguyên nhân là ăn nhiều đường mía dẫn đến bệnh béo phì, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Trong khi ăn mật ong vừa có thể ăn ngọt, lại có thể bảo vệ sức khỏe.

Các nghiên cứu cho thấy, mật ong ngoài tính thơm ngon, còn có công dụng chữa bệnh rất tốt. Mật ong có thể làm lành các vết thương, vết đau, chữa lở môi, mụn nhọt và các vết thương chảy mủ.

Những người trung niên và cao tuổi mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, viêm niêm mạc dạ dày, nếu thường xuyên uống mật ong sẽ có tác dụng điều tiết a- xít dạ dày. Cách dùng: trước khi ăn cơm khoảng một tiếng rưỡi đến 2 tiếng có thể ăn trực tiếp mật ong, cũng có thể pha với nước sôi để nguội.

Để chữa ho, khản tiếng, viêm thanh quản, có thể dùng mật ong trộn với tỏi. Nếu bị bệnh liên quan đến xương, dùng mật ong với các nguyên tố boron giúp tăng khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể.

Mật ong có tác dụng tiêu viêm, tiêu đờm, mát phổi, trị ho, cách điều trị ho tốt nhất là ăn lê với mật ong bằng cách thái lát quả lê trộn với mật ong, một ngày ăn vài lần. Thường xuyên ăn mật ong còn có tác dụng hạ huyết áp, thông đường tiêu hóa, dễ đại tiện.

Chất glucoza, vitamin, magie, photpho trong mật ong có thể điều tiết chức năng của hệ thống thần kinh, khiến cho thần kinh đỡ căng thẳng, ngủ được ngon giấc. Trước hoặc sau khi uống rượu ăn mật ong đều rất tốt, có tác dụng giải rượu, bổ sung nhu cầu năng lượng cho não.

Lưu ý khi sử dụng mật ong: Không cho trẻ dưới một tuổi ăn vì trẻ có thể bị ngộ độc. Người bị tiểu đường cũng hết sức hạn chế dùng mật ong.

Theo BS. LÊ VĂN CHẤT



C. Dinh dưỡng hợp lý ở người cao tuổi


Dinh dưỡng (DD) hợp lý là một trong các biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa những rối loạn trong cơ thể người cao tuổi (NCT).

TS-BS Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng phòng DD cộng đồng (Trung tâm DD TP.HCM) có những lời khuyên sau:

Theo khuyến nghị của Viện DD quốc gia, nhu cầu năng lượng mỗi ngày ở người trên 60 tuổi là 1.900 kcal (nam) và 1.800 kcal (nữ). Tăng cường vận động sẽ làm tăng sự ngon miệng, giúp NCT nhận đủ năng lượng và DD cần thiết.


Protein

Nhu cầu chất đạm ở NCT không khác so với lúc trẻ (khoảng 55 – 60g protein/ngày). Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa và hấp thu đạm ở NCT kém, khả năng tổng hợp protein của cơ thể cũng giảm nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm.

Quá trình phân hủy đạm tại ruột già tạo ra các chất thải thối rữa trở thành những độc tố (nếu táo bón lâu ngày), ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, NCT nên hạn chế ăn các loại thịt, nhất là thịt mỡ, nên ăn cá (ít nhất ba bữa/tuần), vì cá chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa và có thêm một số acid béo cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, cũng nên thay đạm động vật bằng một số đạm thực vật, như: đậu nành, đậu đũa, đậu hà lan, đậu cô ve,...

Carbohydrate (CH)

Ở NCT, sự dung nạp CH bị giảm, do đó, cần giảm lượng CH trong bữa ăn, nhất là các loại CH hấp thu nhanh (đường mía, bánh kẹo, nước ngọt...), nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, khoai, bắp, mì, nui...

Lipid

Lipid là hỗn hợp của cholesterol và acid béo. Omega-3 (acid linolenic) và omega-6 (acid linoleic) là các acid béo thiết yếu cho cơ thể có nhiều trong đậu nành, dầu hạt cải, cá, tảo, rong biển, dầu mè, đậu nành, đậu phộng, hạt hướng dương, bắp... Thừa cholesterol dễ gây xơ vữa động mạch và tách mạch não, nhưng thiếu cholesterol cũng sẽ làm màng tế bào yếu, dễ gây xuất huyết não. Cholesterol có nhiều trong mỡ động vật, lòng đỏ trứng và phủ tạng. Nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật. Lượng cholesterol trong khẩu phần khuyến nghị là nhỏ hơn 300mg/ngày.

Nước, vitamine, muối và khoáng chất

Cần chú ý uống nước thường xuyên dù không khát, nhất là vào mùa hè (sáu – tám ly/ngày).

Hoạt động tiêu hóa và hấp thu ở NCT kém hiệu quả hơn lúc trẻ, do đó, dễ bị thiếu các vitamine, kali, magné nội bào. Thiếu canxi sẽ gây loãng xương; thiếu máu, sắt gây mệt mỏi, chóng mặt, giảm trí nhớ; thiếu kẽm gây biếng ăn, giảm trí nhớ, kém tập trung, khô da, sạm da...

Nguồn thực phẩm giàu canxi là sữa và các sản phẩm từ sữa, tôm tép ăn cả vỏ, cá nhỏ ăn cả xương, đậu nành và sản phẩm từ đậu nành, rau xanh. NCT nên uống từ một – hai ly sữa/ngày, nên chọn loại sữa chứa ít hoặc không có chất béo và đường.

Chất xơ

Chất xơ (có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây) giúp thải độc qua đường tiêu hóa, hạn chế táo bón, giảm hấp thu cholesterol. Để nhận đủ vitamine và chất xơ, NCT nên ăn khoảng 200g – 300g rau và hai – ba phần trái cây mỗi ngày (một phần trái cây tương đương một trái chuối hoặc một trái cam hay một trái lê). Nên ăn trái cây thay vì uống nước ép, vì sẽ nhận được nhiều chất xơ hơn.

Chất chống oxy hóa

Uống trà xanh; ăn nhiều rau, đặc biệt rau lá xanh, trái cây chín sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều vitamine, muối khoáng và các chất chống
oxy hóa.

NGUYỄN CẨM ghi


Previous
Next Post »