Phía sau một bài viết.

Ngày 2.11.2007 vừa rồi nhân ngày giỗ cụ Phạm Thị Yến, tôi đã đưa lên Blog bài ’Cụ Phạm Thị Yến một tấm gương” ghi lại những điều lúc đó tôi mới chỉ là một cậu bé 7 tuổi còn nhớ được về mẹ mình.
Sau bài viết ấy tôi nhận được mấy cú "phôn" của quí vị nhà mình. Đầu tiên là chú Tiến nhẹ nhàng trách “anh viết chưa đủ, lẽ ra phải ghi rõ là khi về HN vào năm 1952 ấy, cụ bà đã phải đi vay tiền những ai để nuôi 10 miệng ăn”. Rồi chú kể ra tên từng người, nào bạn bè, nào họ ngoại những ai đã cho vay tiền. Tôi rất bất ngờ vì khi ấy chú mới chỉ có 4 tuổi, tôi đoán chắc là vì có thời gian sống với các cụ Quang Yến lâu nhất, nghe các cụ kể lại nên chú mới biết được tường tận như thế.
Những điều chú Tiến góp ý lại rất trùng khớp với lời bác Nhu gọi đến tiếp theo. Bác Nhu cũng chỉ ra tên từng người mà cụ bà đã đi vay tiền, giống như chú Tiến đã nói và kể thêm sau này cụ còn
phải xoay sở trả nợ người ta ra sao. Đến đây thì tôi cũng kịp nhớ ra, tôi đã từng được theo cụ bà đến nhà một bà ở phố Lý Quốc Sư, rồi một bà nữa ở hàng Than cũng liên quan tới chuyện nợ nần tiền nong, nay lâu quá tôi quên cả tên và nội dung công việc. Rồi bác kể tiếp cùng bác Ngọc thay nhau chạy đi mua các vị thuốc, giúp cụ bà trông cửa hàng, cân thuốc, còn bác Di thì ghi sổ sách. Bác Nhu còn cung cấp tên ông lang mà cụ bà đã thuê cho cửa hàng của mình, rồi bác mô tả thêm cách thức cụ cần mẫn học tên thuốc bằng chữ Hán, học các vị thuốc như thế nào.
Bác Anh thì chấn chỉnh “Thương hiệu Phú Đức” là do các cụ tổ nhà 53 sáng lập, bà nội và cụ Yến chỉ là những người kế tục và phát triển, chứ không phải như tôi đã viết ông bà nội là ngừời đã sáng lập ra thượng hiệu ấy.
Chưa hết bà xã tôi góp ý còn “nặng đô” hơn, bà ấy bảo thẳng thừng anh viết không đạt, lẽ ra phải làm rõ hơn gánh nặng âu lo đè lên vai một người đàn bà nhỏ bé khi cùng một lúc phải lo cho 10 miệng ăn, 8 người con đi học, lo cho bà mẹ chồng đã 72 tuổi, lại còn khi đau ốm, lo cho chồng ở vùng kháng chiến, lo sự rình rập của mật thám Pháp mà vẫn cặm cụi chong đèn ngồi học, như thế mới nổi rõ tấm gương hiếu học.
Khi đưa bài “Cụ Phạm Thị Yến một tấm gương” lên Blog tôi đã cố gắng để sao cho thật khách quan, đúng với những gì tôi biết về mẹ mình. Tôi hiểu loại bài như bài ấy là thuộc vào lĩnh vực lịch sử gia đình, rất nhạy cảm. Bởi đó là vấn đề của tâm linh ở thời xa xưa đúng, sai không có bằng chứng hiện vật cụ thể. Vào thời gian đó lại có tới 7 vị trong gia đình ta chứng kiến (đúng ra là 8, nay bác Vĩnh Hải đã mất nên chỉ còn 7) với những cảm nhận lúc đó và bây giờ theo thời gian cũng rất khác nhau và đương nhiên sự săm soi, góp ý là rất kĩ lưỡng, rất cần đến sự phê phán bình luận của đông đảo quí vị.
Vì thế tôi rất cám ơn quí vị đã quan tâm, tin tưởng góp ý cho bài viết của tôi, bởi tôi cứ nghĩ rằng mình viết như thế đã là đầy đủ, nào ngờ có tới những 4 ý kiến góp ý, bổ xung thêm. Nhưng cũng nhờ thế mà bài viết đựoc rõ ràng hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn.

Phạm Lê

Previous
Next Post »