Cụ Phạm Thị Yến, một tấm gương.

Thế là đã 5 năm kể từ ngày cụ bà Phạm Thị Yến qua đời, ngày mai 25 tháng 9 Đinh Hợị là ngày giỗ.
Những gì tôi còn nhớ là vào năm 1952, cụ Yến từ vùng tự do trở về nhà 53 Lãn Ông với hai bàn tay trắng cùng bà mẹ chồng đã 72 tuổi và 8 ngừời con (nhiều tuổi nhất là bác Kim Anh 15 tuổi, ít tuổi nhất là chú Tiến mới 4 tuổi, còn tôi lên 7). Một mình tần tảo lo cho 10 miệng ăn và 8 người con đi học, đủ thấy nỗi vất vả lớn đến nhường nào. Để sống được giữa đô thành Hà Nội thời ấy, cụ Yến đã phải vay tiền họ hàng, bạn bè mở lại cửa hàng thuốc của bố mẹ chồng ở chính ngôi nhà 53 Lãn Ông.
Cho tới ngày hôm nay vẫn còn in đậm trong tôi hình ảnh người mẹ cặm cụi chong đèn lần học từng từ tiếng Hán, từng vị thuốc. Những điều thu được trước đây khi phụ giúp mẹ chồng trông nom cửa hàng, chưa đủ để cụ có thể đảm đương vai trò người chủ cửa hàng mới. Cũng vì thế cụ đã phải thuê một ông thày lang đến giúp phần bắt mạch, kê đơn bốc thuốc và học nghề qua ông này.
Do chăm chỉ học mà dần dần cụ thuộc được nhiều tên các vị thuốc, các bài cao đơn hoàn tán. Lúc này các bác Di, nhu, Ngọc cũng đã phụ giúp được một số việc cho cụ bà trông mon cửa hàng. Hiệu thuốc dần đông khách hẳn lên, thương hiệu Phú Đức càng trở nên quen thuộc với khách hàng xa gần.
Năm 1963, trong một lần hành quân dã ngoại tại Pa Háng, Lai Châu giữa cảnh rừng núi bạt ngàn, heo hút tôi đã có dịp nói chuyện với ông chủ nhà nơi đơn vị dừng lại vài ngày. Ông ta kể trước đây đã có đôi lần về Lãn Ông mua thuốc chữa bệnh. Tôi hỏi mua ở hiệu nào, ông ấy bảo hiệu Phú Đức. Rồi năm 1968, lần này thì tôi còn nhớ ông chủ nhà tên Thư lúc đó đã ngoài 60 tuổi ở Đô Luơng, Nghệ An kể cũng thường mua thuốc ở hiệu Phú Đức. Xem ra thương hiệu Phú Đức cũng được nhiều người biết đến. Có lẽ như bác Kim Anh viết là nhờ ở cái tên biển hiệu, nói lên cái tâm và lòng mếm khách của người chủ khởi xướng là ông bà nội và người kế tục được phần nào là cụ Yến.
Lại nói về những ngày sống trong vùng địch thời đó, không chỉ có khó khăn về kinh tế, mà cụ còn phải chịu nhiều thử thách khác nữa. Ví như phải lo đối phó với sự rình rập, theo rõi của mật thám Pháp, vì bà nội nhà ta có tới gần một tá con cháu theo Việt Minh chống Pháp.
Những năm sau này khi Thủ đô đã được giải phóng 1954, không chỉ lo công việc gia đình mà nhiều năm cụ còn tham gia công tác phụ nữ, tư pháp phường rồi tổ trưởng dân phố và trở thành địa chỉ tin cậy được chính quyền và dân phố kính trọng, tin tưởng. Cho tới ngày cụ qua đời vào cuối năm 2002, rất nhiều bà con khối phố Lãn Ông đã bày tỏ nỗi thương tiếc tới tiễn đưa mặc dầu lúc này cụ đã rời về sinh sống tại nhà bác Anh, rồi nhà bác Ngọc trước đó đến hơn 15 năm.
Với tấm lòng biết ơn người mẹ đã quá cố nhân ngày giỗ tôi xin đựoc vinh danh một người phụ nữ tuy chẳng có một tấm huân chương, môt danh hiệu nào nhưng với cháu con mãi mãi là một tấm gương cao quí hết lòng vì gia đình và là một tấm gương hiếu học.

Phạm Lê
Ảnh trên: Tưởng niệm, ảnh chup 27.10.2007.

Previous
Next Post »