Câu chuyện giữa tuần

“Thương hiệu” và “Cái giỏ, cái quai”
Dịp này trên Blog 53, bác Anh và bác Di có đề cập đến đề tài “Thương hiệu”. Mỗi bác một vẻ, bác Anh thì nói về thương hiệu Phú Đức của các cụ tổ nhà 53 mà bà nội và cụ Yến được thừa hưởng . Bác Di có hẳn hai bài đề cập đến “Thương hiệu” ở phạm vi rộng hơn từ vi mô cho tới vĩ mô, nghĩa là từ trong nước đến thế giới, từ tập đoàn cho đến thương hiệu của từng cá nhân và mặt hàng cụ thể. Dựa theo mạch suy nghĩ của hai bác, nhưng đơn giản hơn tôi chỉ nghĩ đến “Thương hiệu” của một gia đình.
Đối với tôi “Thương hiệu” của một gia đình cũng na ná như câu các cụ vẫn bảo “giỏ nhà ai, quai nhà ấy”, câu nói đó cũng được hiểu theo nghĩa là mỗi gia đình có “một cái giỏ, một cái quai” mang nét riêng để phân biệt với nhà khác. Quí vị chắc hẳn đã từng nghe không ít lần các câu đại loại như ‘bố nào, con nấy” hay “mẹ nào con nấy”, rồi “nhà ấy là thế” v..v…Tôi nghĩ đấy là cách nói ví von ần dụ một “thương hiệu gia đình”.
Để chứng minh cho điều đó tôi loay hoay đi tìm thí dụ mãi chưa ra, thôi đành xin phép các quí vị lấy lại mấy thí dụ hơi “cũ kĩ” dưới đây. Mong quí vị thông cảm.
Cứ mỗi lần mở Blog 53 ra tôi lại ngầm khen Phạm Tuấn Minh thật giỏi về kĩ thuật vi tính, đã cho ra đời cái Blog này. Tôi cũng phải nói ngay rằng, thật sự thì tôi cũng biết còn nhiều người giỏi vi tính hơn Minh. Nhưng đối với tôi chỉ biết sơ đẳng phần W. soạn thảo văn bản, thì việc thiết kế ra cái Blog này rõ ràng thật là hay. Vì cứ theo mỗi trang Blog mà biết bao trạng thái cảm xúc vui, buồn…trào dâng lên xuống mỗi ngày.
Chỉ mới tỏ lời khen Minh giỏi vi tính là đã thấy đâu đó bóng dáng “cái giỏ, cái quai” nhà hai bác Tiến sĩ Di, Chi, vì hai bác từ ngày học phổ thông đã là những học sinh giỏi.
Ví như Vũ Anh Tuấn, các vị nhìn là biết ngay “cái giỏ, cái quai” nhà bác Kim Nhu không lẫn vào đâu được. Tuấn đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn có tính đặc thù, một thân một mình vươn lên thành đạt về nhiều mặt cả về kinh tế, tư duy. Chu đáo trong quan hệ họ hàng và bạn bè, tháo vát mà chắc chắn trong nhiều việc.
Đấy chẳng phải là “Thương hiêu Kim Nhu” đó sao?.
Xin dẫn ra thêm một ví dụ nữa, nhà bác Thoa Nông có 2 cô con gái và 3 cháu gái, đều học rất giỏi từ phổ thông cho đến đại học. Rồi khi trưởng thành ở cương vị công tác của mình, các cháu cũng đều gặt hái được những thành công đáng kể.
Như vậy quí vị xem có đúng là “cái giỏ cái quai” nhà danh tướng Lê Uy Vệ, một “tượng đài trong làng cờ tướng Việt Nam mấy chục năm qua” (lời báo chí).
Vừa dẫn ra 3 ví dụ trên đây tôi mới chợt nhớ ra nhà ta có tới 9 “cái giỏ, cái quai” tương ứng với 9 gia đình. Đang định viết tiếp 6 cái còn lại, bỗng hốt hoảng, giật mình nhớ ra mấy lần bác Kim Anh lấp lửng truyền lời góp ý “cậu hay viết dài dòng, ai xem”. Nể lời bác lớn chỉ xin nêu 3 cái như vậy để làm ví dụ, chứ tuyệt nhiên không phải 3 cái ấy là siêu đẳng, hàng đầu và cũng không phải là thiên vị chỉ dành lời cho 3 cái ấy, mà bỏ quên 6 cái còn lại cũng vĩ đại chẳng kém.
Với ba ví dụ như thế và với một lối so sánh ví von có phần lầm cẩm như thế, không hiểu quí vị có thông cảm khi tôi cho rằng với mỗi gia đình giữ được “cái giỏ, cái quai” nhà mình, chính là giữ được một “Thương hiệu gia đình”. Là để ta nhận ra ngay đó là nhà nào, con cái nhà ai, dạy dỗ thế nào (cũng giống như nhờ có thương hiệu hàng hóa mà quí vị có thể nhận biết ra hàng giả, hàng nhái.)
Làm cho “cái giỏ, cái quai” ấy đẹp hơn lên, chắc chắn hơn lên chính là làm “đậm đà bản sắc truyền thống” gia đình mình, là điều cần làm trước khi ta nghĩ đến điều cao siêu hơn đó là truyền thống dòng họ, dân tộc và đất nước.

Phạm Lê

Previous
Next Post »