Nhớ ông Phạm Vĩnh Hải, mấy điều ghi lại.

Thật ra, đối với bác Vĩnh Hải tôi cũng không có nhiều kỉ niệm lắm, đúng ra chỉ có một ít kỉ niệm tuổi thơ và vào những năm sau này khi tôi và ông tuổi cũng đã nhiều hơn.
Cũng như tôi, từ năm 18 tuổi ông đã thoát ly gia đình đi kiếm sống. Tiểu sử của ông như những gì mà tôi biết, có thể tóm tắt như thế này: còn nhỏ đi học cho tới năm 18 tuổi làm công nhân đội xây dựng tháp nước nhà ga Nghĩa Trang, Thanh Hóa. Sau đó đi nghĩa vụ quân sự ở binh chủng hóa học 2 năm, đóng quân ở Sơn Tây. Năm 1962 giải ngũ về Hải Phòng làm công nhân, qua một đợt hội diễn văn nghệ quần chúng của thành phố, đoạt giải thưởng giọng hát nghiệp dư. Từ đó cho tới nay tôi vẫn nghĩ là khi đó ông được giải cao nhất, nhưng cũng chẳng hỏi lại có đúng vậy không. Mà thực ra tôi cũng không có ý định xác minh, vì cứ để thế mỗi khi nói chuyện với những người lạ về anh em nhà mình cho oai. Năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc, ông được tuyển vào đội ca đoàn văn công quân khu Tả Ngạn. Đây chính là cái mốc quan trọng xoay chuyển cuộc đời của ông. Một cuộc đời có đủ cả hương vị vui buồn, đắng cay và ngọt bùi.
Tôi còn nhớ cái ngày ông lần đầu tiên rời nhà đi làm xa, mẹ tôi vừa tiễn con xong, quay vào đổ vật xuống cái võng đay khóc vật vã, kêu trời, than đất tự trách mình không nuôi nổi con. Năm đó ông Vĩnh Hải là người thứ 6 trong số 8 người con mà cụ rứt ruột đẻ ra, nhưng cứ đến tuổi trưởng thành lại lần lượt thoát ly gia đình đi kiếm sống. Nhà đang đông đủ 8 người con, mỗi năm cứ vắng dần vì nghèo quá, bố mẹ không đủ tiền nuôi các con. Thử hỏi tình cảnh ấy người mẹ nào mà chẳng buồn, chẳng thấy xót xa.
Trong số anh em chúng tôi ông là người có nhiều tài lẻ, nổi nhất là đàn hát và đá bóng. Hồi còn bé vào những ngày đầu Thủ đô mới được giải phóng năm 1954, tôi và ông có chân trong đội trống ếch nhi đồng của phố Lãn Ông. Đội có 4 trống con, một trống cái và một cái chũm chọe. Ông giữ vai trống cái và là “một tay trống có nghề”. Ngày đó mới giải phóng nên đội trống hoạt động sôi nổi lắm nào là mít tinh, diễu hành, biểu diễn văn nghệ quần chúng đường phố... đội đều có mặt. Thường vào những ngày ấy, đội chúng tôi đứng dọc hai bên lối vào đình Lãn Ông gõ theo nhịp hành khúc “chình, chatchát, chình chátchát, chátchát chình, chátchát…” hoành tráng lắm.
Tôi nhớ rất rõ ông còn có một biệt tài thổi kèn Acmonica rất điêu luyện có nhịp, có hồn. Hồi đó lấy đâu tiền mà mua nổi kèn Acmonica, ông hay lấy một cái lược con kẹp một tờ Pơluya rồi thổi. Chỉ có thế thôi mà thổi được nhiều bài hát, bản nhạc, trong đó có bản nhạc giữ nhịp cho một điệu múa tủ của đội múa thiếu nhi phố Lãn Ông mà tôi sắm vai múa solo “sòn đôđô mi son lá son phà, phà la đố la son lá son phà ...”. Tôi rất nể phục ông ở cái tài lẻ này, vì như đã biết thổi Acmonica khó nhất là điều khiển hơi và dập “ton”, nôm na là hơi phải sâu và phải dập được nhịp cho bài hát. Sau này kể cả khi kiếm đươc chiếc Acmonica xịn, tôi đã thử nhiều lần mà không tài nào đánh “ton” được.
Ngay từ hồi trẻ mấy anh em trai (trừ bác Di và chú Tiến) đều ham đá bóng, nhất là tôi và ông. Lúc nhỏ tuổi khi chưa được ra sân bóng thi đấu tôi đã là một fan tích cực của đội bóng đá Đoàn kết phố tôi, trong đó có ông. Tôi hay đi xem những trận đá bóng của đội nhà ở sân Long Biên, hoặc sân Bắc Qua, thường là ở sân Bắc Qua, bây giờ là chợ Bắc Qua. Ngày đó sân Bắc Qua chỉ là một sân đất nện không cỏ nằm ngay giữa khu phố cổ và chỉ cách Lãn Ông có hai ba phố, thế mà sao tôi cảm thấy nó xa thế.
Tôi nhớ mãi một lần anh em chúng tôi chơi bóng ở sân Bắc Qua vào một buổi chiều xâm xẩm tối, không biết đá thế nào mà quả bóng bay sang bên đường trúng vào ngực một bà đang bán mía, bà ấy ngã ngửa người ra phía sau lặng đi, chắc là đau lắm. Thấy vậy cả lũ sợ quá ôm quần áo chạy thục mạng về nhà, mãi đến 8, 9 giờ tối mới dám ló mặt ra cửa hỏi dò nhau có ai đến bắt không.
Cũng vì ham đá bóng mà đôi lần ông Vĩnh Hải và tôi bị bố mắng, có lần còn bị mấy cái bạt tai nữa vì lơ là việc nhà. Số là hồi đó ngoài việc đi học, chúng tôi phải làm bột lọc gia công cho mậu dịch, buổi tối phải đem gạo tới cơ sở xay sát, sáng ra phải dậy sớm lấy về lọc, ép rồi cắt thành miếng để còn kịp nắng phơi khô, lấy muộn để lâu bột sẽ chua, không được nắng bị mốc phải đổ đi tốn công, lại phải đền cho mậu dịch...

P.V.Thắng
(còn tiếp)



Previous
Next Post »