Vài lời bộc bạnh sau ngày nhà báo 21/6..

Tôi vẫn luôn nhớ ông Tiến có lần nói (đại ý) "Anh em cũng chỉ biết nhau lúc còn bé, sau này có biết gì về nhau". Vì thế tôi luôn hạn chế tới mức có thể chớ dại kể lể về mình, lỡ đâu có người còn hoành tráng hơn nhưng vẫn im lặng lắng nghe và cười thầm.  
Lần này thì tôi buộc phải bộc bạch vì có lời chúc và thông tin của Hồng Phương trên Blog nêu chức danh TBT tạp chí Quê hương nhân ngày nhà báo Việt Nam (21/6).

Trước hết tôi muốn khẳng định chưa bao giờ là nhà báo, sự thật là tôi không có thẻ nhà báo. Do nhiệm vụ công tác từ năm 1985 cho tới ngày nghỉ hưu 2006, tôi đã được qua nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan tới viết lách như khai thác thông tin, kĩ năng viết bài đưa tin, bố cục trang tin, chụp ảnh...nhờ đó có một ít hiểu biết về những liên quan nghề làm báo. 
Tôi được giao kiêm nhiệm thêm phụ trách bản tin của ta ở CHDC Đức (Quê hương 1985-1990), ở Nga (Đất nước 1994-1998) và LB.Đức (Quê hương 2001-2005). Đó là những ấn phẩm chính thức được coi là tiếng nói của cơ quan đại diện VN tại các nước sở tại. Nhận thức nhiệm vụ ấy chẳng phải là to tát gì, nhưng rất nặng nề so với sự hiểu biết của tôi phần vì kiến thức chuyên ngành của mình còn quá ít, phần lại phải chịu áp lực trước sự đánh giá công khai của đông đảo người đọc (không nương nhẹ "cây nhà lá vườn" như đối với blog chi họ). Tôi đã rất cố gắng học hỏi, lắng nghe góp ý chỉ dẫn của những người hiểu biết hơn để hoàn thành công việc.
Đúng là trong nhiện kì (1994-1998) tôi được giao kiêm nhiệm TBT tờ báo Đất nước, Tạp chí Đất nước phát hành rộng rãi trong cộng đồng người VN trên toàn lãnh thổ LB.Nga. Nhưng thực ra từ khuôn khổ của hai ấn phẩm này chúng tôi chỉ nghĩ mình là người phụ trách đúng hơn là TBT, gọi như vậy hơi quá cao so với năng lực và trình độ chuyên môn báo chí của mình.
Tờ báo Đất nước lấy tên công khai là vậy, nhưng thực chất là bản tin thì đúng hơn phát hành hằng tuần. Nội dung chủ yếu lấy nguồn từ TTXVN, các thông tin của cơ quan ĐSQ, từ các cộng tác viên bao gồm những tin tức trong nước, của nước sở tại người VN cần biết, các họat động cộng đồng...Yêu cầu sao cho người Việt Nam học tập, làm ăn và sinh sống trong khi thực hiện nghĩa vụ công dân Việt Nam phải chấp hành nghiên chỉnh luật pháp phong tục tập quán của nước chủ nhà, có cơ sở nhận biết các luận điệu sai trái đường lối chủ trương của Nhà nước Việt Nam nhằm giữ gìn và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Còn Tạp chí Đất nước là ấn phẩm có uy tín trong cộng đồng người Việt nhiều năm từ ngày còn Liên Xô cũ (tôi không nhớ là từ năm nào), tôi chỉ là người tiếp theo được giao nhiệm vụ TBT những năm đầu của LB Nga. Chúng tôi đánh giá Tạp chí là một ấn phẩm có chất lượng chuyên môn cao, có nhiều truyện ngắn, bài thơ,  truyện cười, biếm họa bài nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, y tế, phong tục tập quán, kinh tế, lịch sử tác giả là những người có chuyên môn, nghiệp vụ am hiểu thời cuộc...Số lượng tới hơn hai ngàn cuốn, phát hành đều kì hàng tháng. Vào ngày Tết, Quốc khánh 2/9 ra số đặc biệt, bài vở nhiều hơn in ấn nhiều màu đẹp hơn. Bình thường mỗi cuốn thường trên năm, sáu chục trang giấy khổ A.4 có cắt chỉnh bớt và được đặt in tại nhà in của bạn. Vào những ngày lễ, tết số lượng thường tăng gấp rưỡi. Riêng tờ bìa được in theo sự tài trợ của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm (có tháng chúng tôi phải đặt in ở trong nước).
Về biên chế rất hạn hữu thường trực chỉ có tôi và hai nhân viên hợp đồng lái xe kiêm phát hành, vi tính. Tôi nhớ trong BBT có nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà văn Nguyễn Huy Hoàng, TS.Báo chí Nguyễn Tuấn Phong (nay là Phó Ban Đối ngoại TW Đảng), Cụ Hồ Quốc Vỹ nguyên Ủy viên UBKH Nhà nước Việt Nam đều là những người đang sinh sống, làm việc nghiên cứu tại Nga nhiều năm. Tất cả đều không có trong biên chế, đinh kỳ 3 tháng một lần họp bàn rút kinh nghiệm, định hướng các số tiếp theo. Tuy vậy uy tín, trình độ nghiệp vụ của các vị ấy đã giúp rất nhiều tới chất lượng ấn phẩm. Thỉnh thoảng có thời gian rỗi rãi tôi lại tìm đến trao đổi, lắng nghe góp ý đặc biệt về kĩ thuật viết lách. Tôi không ngại dấu dốt đưa ra các bản thảo do chính tay tôi chuẩn bị, để được nhận sự góp ý chỉnh sửa. 
Ngoài ra chúng tôi còn nhận được sự cộng tác thường xuyên của GSTS. Nguyễn Văn Huy (sau này là Giám đốc bảo tàng dân tộc học Việt Nam), nhà thơ Châu Hồng Thủy, phân xã TTX và nhiều anh chị em CTV là học sinh, sinh viên (đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, truyền thông) và người lao động... Tôi cũng đã có những lần tiếp chuyện nhà báo FGS.TS.Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Thùy Linh và nhiều nhà văn, nhà báo nhận những lời động viên, đánh giá và góp ý bổ ích. 
Nhiều năm hoạt động hai ấn phẩm trên có vị trí nhất định trong điều kiện truyền thông của cả ta, bạn chưa phát triển như bây giờ trở thành tiếng nói chính thống trong cộng đồng. Đặc biệt vào dịp Tết, Quốc khánh 2/9 nhiều trung tâm thương mại của người Việt Nam đã đặt số lượng lớn Tạp chí làm quà cho nhân viên và hàng trăm bạn hàng của họ. Hai ấn phẩm cũng thường xuyên nhận được nhiều lời khen, chê từ các nhà chuyên môn, các cấp quản lý và anh chị em cộng đồng. Về cơ bản được đánh giá tốt về nội dung, mong muốn sẽ có chất lượng tốt hơn và đẹp hơn.
Rất tiếc tới nay tôi chỉ giữ được vài bản tin Quê hương phát hành tại LB Đức những năm 2000 tới 2005. Còn hai ấn phẩm Đất nước phát hành ở Nga tôi cũng đã đôi lần gửi lời đề nghị tới những người bạn bên đó sưu tầm giúp, nhưng chưa thấy hồi âm. 
Thành thật thì tôi xin nhắc lại một lần nữa tôi mới chỉ là mon men tới cạnh nghề báo. Tuy vậy tôi đã có điều kiện nhận thấy và thông cảm với các nhà báo chuyên nghiệp về những áp lực trong, ngoài khi thực thi nhiệm vụ.
Nhân ngày nhà báo Việt Nam trong khi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các nhà báo chuyên nghiệp của đất nước, tôi cũng xin gửi lời chúc mừng các “nhà báo không chuyên chi họ” cùng tôi đang quan tâm, ủng hộ và viết bài cho “Blog Gia đình cụ Quang.net” và đưa tin, bình luận trên giao diện Viber “Chi họ Cụ Quang”.

Phạm Lê
Bài và hình ảnh trong Bản tin Quê hương phát hành tại Đức.
Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar


Bài viết của cậu cho biết chi tiết hơn về công việc và con người liên quan đến các ấn phẩm của quê hương tại xứ người.

Balas
avatar

Hoạt động báo chí rất hệ thống và phong phú như Ông viết ở trên càng chứng tỏ Ông là nhà báo công chức chuyên nghiệp... Và chắc chắn không chỉ có Ông là nhà báo mà chưa được phát Thẻ Nhà Báo vì đơn giản lúc đó chưa có quy trình...

Balas