Câu chuyện “comment-bình luận”

Giờ đây khi mở mạng đặc biệt là Facebook (F.) nhan nhản các tin, clip, bình luận. Ngoài những tin bài có nội dung lành mạnh, hướng thiện còn có cả những tin xấu độc hại với nhiều bình luận về đủ loại đề tài cá nhân, gia đình, xã hội đến chính trị thời cuộc.
Hôm rồi ở Tuần Châu ông Ngọc có nói đại ý chơi F. rất nguy hiểm, nếu không tỉnh táo. Tôi cũng đồng tình như thế, mặc dù thừa nhận cái tốt của F. đem lại thông tin phong phú đa dạng, nhanh và kịp thời...
Còn nói về bình luận (Comment) thì ôi thôi bất kể vấn đề gì cũng có, ít thì một còn nhiều thì vô số. Ngoài những lời bình thể hiện tư duy chính xác nhanh nhậy, còn có những lời bình không căn cứ nói lên sự thiếu hiểu biết của người đọc. 
Còn nhớ khi TT Obarma sang thăm Việt Nam trên báo đăng bức ảnh ông tươi cười tiếp chuyện nhiều bạn nam, nữ ở Trung tâm Hội nghị QG Mỹ Đình. Thế là có ngay lời bình đại để tại sao lại để các bạn nữ ăn mặc hở hang, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.... Thực ra đó là bức ảnh Tổng thống bắt tay các ghệ sĩ múa VN,  khi họ vừa biểu diến chào mừng các vị khách.
Tôi cũng đã từng góp ý với một người họ hàng bên vợ về một lời bình, khi F. đăng bức ảnh tại một nước Châu Âu ngày Tết Nguyên đán của VN các bà, các chị mặc áo dài nhiều màu sắc cùng vui với các vị khách nước chủ nhà. 
Vị ấy "comment" ngay một câu xanh rờn “Rõ đồ Giao chỉ, trời rét thế mà mặc phong phanh người ta cười cho...”. Thực ra vị ấy không hiểu rằng ngày Tết lễ, chị em ta nên mặc như thế cho trang trọng. Vả lại những người đã có thời gian sống ở Châu Âu đều biết, trong nhà có hệ thống sưởi ấm dù cho ngoài trời có rét đến độ âm cũng không sao người khỏe vẫn có thể mặc áo mỏng như thường.
Tôi có một ông thợ nước, điện hay chữa vặt cho gia đình nhiều năm đến độ tin cậy. Chẳng bõ công tìm hiểu học vấn của ông ấy đến đâu, nhưng ở ông có một điều ghét nhất là cái gỉ gì gi, cái gì cũng biết”, biết cả cái chưa từng biết.
Câu cửa miệng của ông ấy mỗi khi đến nhà là gắn với phạm trù triết học “Qui luật”, tựa như “làm gì có chuyện nhà có tới 5 anh em đều là giáo sư, rõ ràng là sai qui luật” v..v...Rồi ông ấy bình luận đủ thứ chuyện từ trong nhà ra xã hội. Chẳng muốn mất thời gian tôi đành chơi bài tìm mọi cách để ông ấy tập trung vào công việc cho nhanh, đỡ mệt óc nghe ông ấy nói.
Cuối cùng tôi xin kể chuyện này, vài lần tôi đưa cô cháu nội 4 tuổi đi học đàn ở một trung tâm có tên tuổi. Lớp học chia làm hai bên, mỗi bên có từ 4 đến 5 chiếc đàn. Trong phòng rộn lên tiếng đàn âm thanh cao thấp của các bài tập, cô giáo từ trên bục giảng đi tới tận bàn chỉnh sửa chỗ sai của học trò. Tôi phục lắm, hóa ra cô ấy có chuyên môm, mà đã có chuyên môn người ta tinh lắm.
Tôi nghĩ bình luận (Comment)  nghe có vẻ dễ, nhưng thực ra không phải thế. Muốn  cho đúng cẩn phải có những kiến thức nhất định, cần thiết, biết tới đâu nói tới đó chưa biết thì hỏi. Đừng ảo tưởng trở thành các ông thánh nói cho sướng, cho oai thể hiện ta hơn người biết nhiều thứ cả những điều chưa hề biết.
Phạm Lê
Ảnh 1,2 trên mạng. A3. cháu gái Bảo Trân.
Previous
Next Post »