Tự sự ngày thêm một tuổi:

“Về hưu ta có chủ quan”?.
Hôm nay tôi thêm một tuổi. Thế là chỉ còn hai năm nữa sẽ vinh dự được đứng trong hàng ngũ các Cụ lớp "Xưa nay hiếm".  
Hai hôm trước ông bạn cùng học hồi Đại học gửi cho bài thơ dài “Tuổi già”, kể nhiều nét “đáng yêu” của người già như hay quên vừa uống thuốc xong lại lăn tăn uống chưa nhỉ, nghe mãi không rõ, đãng trí lại hay nói chuyện xưa răn dạy con cháu…Tôi hiểu ông ấy ngầm bảo "Ông cũng như thế, chẳng kém đâu".
Tôi cũng định đưa lên blog chi họ nhưng thấy dài quá, những 60 câu lại đúng ngày 12/3 của tôi nên viết vài câu tự sự gọi là bổ xung thêm gửi ông ấy. Tôi nghĩ những điều trong bài thơ đã nghe đến nhiều lần ở đâu đó, chứ không phải lần đầu tiên. Nhưng vì tuổi già hay quên biết rồi đấy, lúc nhớ lúc quên hóa ra mới là vậy.
Quả thực từ ngày về hưu (2006) đến nay, đôi lúc cứ tự vấn mình “Về hưu ta có chủ quan”?. Nói đôi lúc bởi chỉ khi thanh thản nhất, minh mẫn nhất ấy là lúc ít chủ quan nhất mới đủ bình tâm để tự hỏi mình như thế. Đúng là có nhiều lí do để chủ quan. Ví dụ Nhà nước có hẳn ngày dành cho người cao tuổi, xã hội dành những lời có cánh tôn vinh người đã có hàng mấy chục năm cống hiến cho đến khi về già, rồi thì người về hưu năm nào cũng được cơ quan cho ăn Tết trước lại tặng  quà…Tôi đang ở giữa tuổi già đương nhiên cũng được thơm lây, mặc dù nghĩ lại mấy chục năm công chức mới chỉ tròn vai, chẳng có gì gọi là chiến tích để mà tự hào.
Lại nhớ từ ngày về hưu cứ mỗi lần tôi lái chiếc xe KIA MORNING bé tý xíu đến cơ quan, cánh đồng nghiệp chưa hưu lại vồn vã “Bác phong độ quá. Về hưu chúng em chỉ mong được như bác”. (Ảnh bên một lần qua phà sang Khoái Châu, Hưng Yên).
Các cháu trẻ thi nhau tiếp chuyện “Bước nhảy hoàn vũ, Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent, Sao mai điểm hẹn rồi scandan giới tính phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, độn mông, Công Vinh bị loại khỏi đội tuyển…”. 
Vì ở nhà cả ngày xem TV,, lên mạng cũng biết ít nhiều, tôi hào hứng luận bàn sôi nổi. Nghe xong chúng thi nhau khen “bác giỏi thật, nhiều thông tin quá”. Hỏi như thế làm gì mà chẳng “sướng”?.
Về nhà tôi kể lại cho bà xã nghe, mà lòng chưa dứt cơn sướng. Thế rồi bà ấy hỏi "Thế có lời chê nào không?”. Tôi bảo “Làm gì có, chỉ từ khen đến trên khen”. Bà ấy tiếp “Liệu anh có chủ quan không đấy?”.
Thế rồi chưa kịp hết cơn sướng ấy, lại đến cơn sướng mới. Số là mới hôm gần đây bỗng dưng nhận được điện thoại của bà vợ ông anh đồng nghiệp hơn tôi đến trên 10 tuổi, bà ấy  báo tin chồng mình vừa cấp cứu nằm viện kèm theo câu: “Tôi chỉ báo cho chú thôi, nhờ chú giúp báo cơ quan và hội hưu”.
Tin dĩ nhiên chẳng lành, nhưng tôi lại “sướng” lần nũa. Sướng là ở chỗ ông ấy bậc đàn anh, ấy vậy mà khi còn làm việc gây cho tôi bao phiền phức khó khăn. Tám năm có lẻ về hưu chẳng có liện hệ gì, nay tự nhiên người ta nhớ đến mình, tin mình mà nhờ cậy. Vậy làm gì mà chẳng “sướng”.
Thế rồi ngay tối hôm ấy tôi cũng hoàn thành việc gọi điện đi khắp nơi, liên hệ thủ trưởng cơ quan hiện tại. Hôm sau đến Viện Lão khoa thăm ông ấy, mà lòng hả hê đã “hoàn thành” một việc nghĩa. Vừa tới nơi cũng là lúc một tốp ông bạn hưu cũng đến (mà lại toàn là người tôi chưa kịp báo tin). Ông nào cũng bảo nhận được tin báo của chị, tôi đã gọi điện ngay cho cơ quan, cho người nọ người kia. Té ra mình đâu có phải là người đầu tiên để mà sướng?.
Rồi thì cơn sướng cũng qua đi, cũng là lúc nhớ lại “Liêụ anh có chủ quan?”. Ừ nhỉ bà ấy nói có vẻ đúng, nhớ ngày còn đi làm mỗi lần các cụ hưu đến chơi, chuyện trò nghe lời bình có lúc chưa trúng, chưa sát cánh trẻ chúng tôi lại đưa mắt ngầm bảo nhau “Cứ để Cụ nói”.
À mà ngẫm ra đúng là người già ai cũng có tí chút chủ quan, ngộ nhận chứ nào  riêng mình tôi. Thậm chí, tôi nghĩ nếu không có tí chút ấy thì đã là người trẻ đâu là già. Cũng nhờ tí chút ấy có lẽ tuổi già sôi động, tự tin hơn, dường như ta vẫn còn trẻ (khi ta đang già), vẫn còn có ich cho đời đấy chứ. Vì thế “sống vui, sống khỏe” cũng nên.
Tôi đem chuyện này bàn luận với mấy ông bạn cùng lứa. Ông thứ nhất bảo “Ừ nhỉ kể ra mình cũng có tí chủ quan thật”. Ông thứ hai có vẻ thành khẩn “Đúng quá còn gì”. Ông thứ ba dài dòng hơn “ Về già ai mà chẳng thích khen, hay chê người chê đời. Nhưng ít người để tâm xem người khác nghĩ gì, nói gì về mình”. Ông thứ tư triết lý hơn “May mà chỉ tí chút, chứ đậm đặc thì thành dở hơi mất”.
Theo đà suy ngẫm ấy, tôi lại nghĩ cái tí chủ quan này mang mầu sắc riêng tư chẳng ai giống ai. Ví như cứ mỗi lần chơi với cô cháu nội mới hơn 2 tuổi, hết đứng lên ngồi xuống, lại giang chân, giang tay tập thể dục với cháu hoa cả mắt mệt lử cả người. Nhưng tôi lại thấy vui quên hết cả bệnh tật, tuổi già hiện hữu. Lúc ấy tôi mới chợt nhận ra đấy là thời khắc “sướng” nhất trần đời.
Lời khẳng định này nghe ra có phần chủ quan, đại chủ quan là khác nhưng có lẽ được chấp nhận. Vì đa phần ai cũng có thời điểm chủ quan như thế. Giống tôi khi đã được lên chức ông bà.

Vĩnh Thắng
Previous
Next Post »