VÔ CÙNG TIẾC THƯƠNG BÀ NGOẠI PHẠM THỊ KIM THOA

Hôm qua, ngày 30/11/2007, cả Đại Gia đình họ Phạm và họ Lê (bên Ông Ngoại) cùng Cơ quan và Bạn bè gần xa đã đưa tiễn Bà Ngoại đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thay mặt toàn thể gia đình, cháu xin chân thành cảm ơn Cụ Hanh, và các Ông, các Bà, các Bác, các Cô Chú đã nhiệt tình giúp đỡ Ông Ngoại, Mẹ cháu, Cô Phương, và Chú Lương trong giờ phút khó khăn, dự lễ viếng và tiễn đưa Bà cháu xuống nghĩa trang Văn Điển.
Bà Ngoại yêu quí! Thế là Bà đã mãi mãi ra đi để lại trong lòng chúng cháu sự trống vắng và niềm tiếc thương vô hạn. Trong mấy ngày này, tâm trí cháu tràn ngập các kỷ niệm về Bà - người Bà vô cùng yêu quí. Cháu đã mong sao Bà sống thêm được cùng con cháu chắt để có thêm được những giờ phút bên Bà, nắm tay Bà, được nghe Bà kể những câu chuyện từ ngày xưa mà cháu luôn thấy rất xa xưa, huyền bí và thú vị. Những câu chuyện về cuộc sống tại 53 Lãn Ông, những câu chuyện về cụ Phúc Kiến, Cụ Bảo, Cụ Quang, Cụ Hanh, những chuyến đi vòng quanh đất nước cùng gia đình Cụ Bảo, những câu chuyện lãng mạn về kỷ niệm thời thơ ấu và tuổi trẻ của Bà tại phố cổ Hà Nội, và những câu chuyện về sự nghiệp hoạt động của Bà. Cháu còn nhớ Bà kể lần đi rải truyền đơn ở Nhà hát lớn Hà Nội, khi đèn tắt, Bà đi lên tầng thượng và tung các tờ truyền đơn xuống. Bà kể lại là “các tờ truyền đơn rơi xuống như những cánh bướm bay” - cháu cứ tưởng tượng mãi hình ảnh đẹp đẽ đó. Nhà hát lớn là một trong những địa điểm yêu thích nhất của cháu tại Hà Nội, và mỗi lần đi qua đó, hoặc những buổi đi dự hòa nhạc, cháu đều tưởng tượng hình ảnh Bà cùng những người bạn cách đây 63 năm đi dự hòa nhạc và rải truyền đơn.
Rồi đến những câu chuyện trong những ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi các nhà trong khu phố cổ đều được đào thông nhau, những ngày gian khổ trên chiến khu Việt Bắc khi vừa một mình sinh nở và chăm sóc Mẹ cháu vừa bảo vệ hồ sơ của Cách mạng. Cháu nhớ mãi câu chuyện về ngôi nhà sàn nơi Bà và Mẹ cháu ở bị trúng bom Pháp, nhưng rất may là nơi lưu giữ hồ sơ thì lại an toàn, Bà và Mẹ cháu không còn chút quần áo và đồ đạc nào vì tất cả đã bị cháy hết. Sau đó các cô các bác ở chiến khu phải quyên góp quần áo cũ cho Bà và Mẹ. Rồi chuyện Mẹ cháu bị viêm phổi, và phần lớn trẻ em ở chiến khu Việt Bắc đều mất sớm vì thiếu thốn và bệnh tật, nhưng may mắn sao Mẹ cháu là một trong số ít các trẻ em sinh ra ở chiến khu còn sống sót đến ngày trở về Hà Nội. Có lẽ một trong những chuyện cháu nhớ nhất là câu chuyện Bà phải đi bộ liền một mạch 60 km không nghỉ vì một công việc quan trọng, và khi đến địa điểm cần đến thì Bà ngất xỉu và từ đó bệnh tim bẩm sinh của Bà trở nên trầm trọng hơn.
Rồi còn biết bao câu chuyện khác nữa, chuyện Bà hồi hộp như thế nào khi xem tập hồ sơ về Cụ Bảo, chuyện Bà làm kế toán cho Trung ương Đảng, chuyện Bà ở lại Hà Nội trong suốt thời gian Mỹ rải bom B52 để bảo quản hồ sơ trong khi cả nhà đều đi sơ tán, đến khi Bà di chuyển được tất cả hồ sơ đến địa điểm an toàn thì cũng là lúc mọi người quay trở về Hà Nội, và rất nhiều những câu chuyện khác nữa. Ngẫm nghĩ lại, tất cả các câu chuyện đều những quãng thời gian vô cùng nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, vậy mà cháu luôn cảm nhận thấy một sự lạc quan, vui vẻ trong câu chuyện của Bà. Cũng có rất nhiều chuyện mà cháu khó lòng biết được nữa vì Bà không còn nữa để kể cho cháu. Chẳng hạn, hôm qua Chú Hà, Cục trưởng Cơ quan cũ của Bà, có kể cho cháu là Bà là Cán bộ lão thành duy nhất của Cục và Tết năm nào Cục cũng mời Bà đến chúc Tết và phát biểu. Những việc như vậy, Bà chưa kể cho cháu.
Kể từ khi còn bé, cháu luôn cảm nhận được sự yêu thương chăm sóc vô bờ bến của Bà. Từ câu chuyện cháu bị tiêu chảy súyt chết lúc 10 tháng tuổi, Bà kể Bà nghe tin vội vàng chạy vào Bệnh viện Bạch Mai và Bà nghe thấy tiếng cháu khóc từ rất xa, đến những lần cháu sốt cao, suốt đêm lúc nào tỉnh dậy cũng thấy Bà đang xoa cho cháu. Từ khi bé, cháu đã biết là Bà rất yêu quý chiều chuộng cháu, cháu vẫn biết là dù mình có làm điều gì “đúng” hay “chưa đúng” cũng đều nhận được sự ủng hộ của Bà. Những lúc cháu không ngoan, bị Bố Mẹ cháu mắng, bà đều là “cứu tinh” của cháu. Những năm tháng đi học và làm việc xa nhà, cứ mỗi khi khó khăn nghĩ đến Bà là cháu cảm nhận được một nguồn sức mạnh vô hình, có lẽ do từ bé cháu luôn nhận được sự chăm sóc, trợ giúp vô điều kiện của Bà. Ngay cả gần đây, khi đã lớn và trưởng thành, mỗi lần gặp khó khăn, cháu đều chạy qua nhà tâm sự với Bà. Cháu luôn nhận được sự cảm thông, động viên và ủng hộ của Bà, và mỗi lần từ nhà Bà về cháu đều cảm thấy thanh thản và yên tâm vô cùng.
Cuộc đời Bà thật giản dị. Bà không thích ồn ào và ngại làm phiền mọi người xung quanh. Ngay cả khi ốm nặng, Bà cũng không muốn thông báo cho cơ quan bạn bè thân thiết biết tin vì ngại mọi người vào thăm vất vả. Những áo, quần, khăn mới chúng cháu mua tặng Bà, Bà cũng ít khi sử dụng vì tính Bà thích sự giản dị. Suốt thời gian Bà ốm, hôm nào từ bệnh viện về cháu Nhung cũng hỏi “Cụ hôm nay thế nào hả Mẹ?”, cháu chỉ biết trả lời là “Cụ vẫn mệt”. Bây giờ đến câu hỏi và câu trả lời đó cũng sẽ không xảy ra nữa.
Bà Ngoại ơi, giờ Bà đã đi xa, cháu không còn được nhìn thấy ánh mắt sáng lên của Bà mỗi lần cháu sang thăm Ông Bà nữa, cháu không còn được nghe Bà rủ rỉ tâm sư, không còn được nắm tay Bà nữa. Trước đây, hàng tuần, cháu rất thích đi công viên hoặc đi ăn ở ngoài (bánh tôm hồ Tây, phở 24 và tiệm ăn Dạ khúc là những nơi yêu thích của Bà và của cả nhà mình) để có dịp đi chơi với Bà, giờ đây cháu cảm thấy trống vắng vô cùng. Cháu vẫn biết thời gian sẽ làm khuây khỏa nỗi thương nhớ nhưng những kỷ niệm thân thương của Bà sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm trí cháu và sự trống vắng vì thiếu Bà chắc sẽ không có gì bù đắp được.Mong Bà yên nghỉ bình yên cùng các Cụ và Bố cháu.

Cháu ngoại Tô Minh Hương

Previous
Next Post »