Một góc nhỏ chân dung bà nội.

Tối qua bác Nhu gọi điện nhắc, ngày kia thứ sáu 12.10.2007 (2 tháng chín âm lịch) là ngày giỗ bà nội. Sáng nay dạy sớm đọc Blog 53, gặp bài Những người đàn bà 53 Lãn Ông của bác Ngọc đăng trên Blog ngày 9.3.2007 và bài thơ Bà tôi (Cụ Lê Thị Cả) của bác Kim Anh, cũng đăng trên Blog này vào ngày 12.3.2007. Ăn theo cảm hứng của hai bác, tôi vội ghi lại mấy dòng hồi ức của mình đối với bà nội gọi là Một góc nhỏ chân dung của bà.
Từ khi còn nhỏ học cấp 2 Trưng Vương, cho đến khi bà qua đời vào năm 1960 là thời gian tôi được sống gần bà nội nhất. Tôi nhớ không chính xác lắm, ngày đó hình như các anh chị phần lớn đã thoát ly gia đình đi làm xa, chỉ còn anh Di đang học Đại học Bách Khoa, chú Tiến và tôi ở với bố mẹ tại ngôi nhà 53 Lãn Ông.
Nghĩ tới bà nội, thì điều đầu tiên làm tôi nhớ tới là những kỉ niệm liên quan tới cái sân sau nhà 53 Lãn Ông. Cái sân mà ở đó tôi có những trận đấu bóng đá đường phố diễn ra rất gay go, sôi nổi mỗi buổi chiều hằng ngày
Sân nhỏ, mỗi đội chỉ có hai người, còn bóng thì được làm bằng những tờ giấy báo cũ cuộn tròn lại rồi lấy dây gai, hoặc dây thép cuốn chằng chịt xung quanh. Hồi đó nghèo lắm làm gì có được quả bóng bằng da như bây giờ, sang lắm thì có một quả bóng bằng cao su, nhưng đá trên sân gạch chẳng mấy bữa là hỏng ngay. Tôi còn nhớ năm 1958, bác Nhu đi học phun hoa sắt tráng men ở Trung Quốc, tôi gửi thư xin một quả bóng da. Quả thật khi về tôi cũng có được một quả bóng da thật, nhưng không phải là bóng đá mà là bóng chuyền. Tôi mừng lắm, nhưng không toại nguyện.
Mỗi trận đấu ở cái sân vườn cũng li kì lắm, vì bà nội không muốn bọn tôi đùa nghịch, đá bóng àm ĩ làm hỏng sân. Nhiều khi đang đá cụ bất ngờ mở cửa tay cầm cái roi đi vào, vừa đi vừa mắng.
Bị bất ngờ, thế là cả bọn bỏ chạy tán loạn vượt tường sang nhà 51 bên cạnh. Có lần bọn tôi phải chui vào cái chuồng xí bé tí có cái cửa làm bằng vỏ thùng gỗ. Năm đó cũng đã sấp sỉ 80 tuổi rồi, sức yếu lại quát tháo một lúc, mà thấy chẳng ăn thua gì với lũ cháu bất trị cụ bỏ vào nhà. Chúng tôi ùa ra, trận đấu lại tiếp diễn như chưa hề có chuyện gì sảy ra
Nhưng theo tôi, thực ra bà nội lại rất thương con cháu, hào phóng và hay cho quà mọi người. Chỉ riêng một chuyện tôi còn nhớ đó là vào mùa ổi, thỉnh thoảng bà lại mua đến cả thúng ổi, từ ngoài cồng vào vừa đi vừa phân phát các cháu, rồi cho cả cánh HTX đóng sổ sách Liên Minh (thuê cửa hàng nhà mình), dễ đến trên chục người chìa tay xin quà bà ríu rít, rất vui vẻ.
Cứ khoảng một tuần bà lại mặc bộ áo dài mầu nâu bằng vải thô mỏng, giống như chất vải của các sư sãi vẫn mặc, đi xích lô đến nhà bác Phạm Vĩnh Bảo lúc đó đang làm Giám đốc Sở Kiến trúc Hà Nội nhà ở phố Phan Chu Trinh, tôi và chú Tiến thay nhau được đi theo bà.
Ngay từ hồi đó tôi đã biết nấu được một bữa cơm hoàn chỉnh cho cả nhà gồm bố mẹ, bà nội và chú Tiến, thỉnh thoảng có bác Di từ ĐH Bách Khoa về. Nhưng thường chỉ có hai bà cháu ăn trước vì đến trưa tôi phải đi học, còn cụ ông và chú Tiến đến 12h mới về, cụ Yến thì làm cho HTX này, nên không có thời gian nấu cơm trưa cho cả nhà, mọi việc đi chợ, thổi cơm đều do một tay tôi đảm nhiệm. Tôi còn nhớ bà nội hay nói (đại ý) là tôi nấu ăn hợp ý bà. Được bà khen mỗi lần như thế tôi phấn khởi lắm, vì tế cho tới tận ngày hôm nay vẫn còn nhớ tới lời khen của bà.
Tôi cũng nhớ cái ngày bà lâm bệnh rồi qua đời, đó là một buổi sáng bắt đầu có gió mùa Đông Bắc tràn về, trời rét cắt ruột, mưa lất phất bay nhè nhẹ. Số là bà nội có thói quen cứ sáng sớm là đi vệ sinh, mà lúc đó nhà vệ sinh lại ở tận cùng phía sau nhà. Muốn vào đó lại phải đi qua cái sân dài hun hút, cỡ đến trên 20 mét lại rất trống trải như tôi đã kể ở trên.
Lần nào cũng thế đi vệ sinh xong, bà lại ra cái sân có hai bể nước to tuớng ở hai bên lấy nước rửa ráy một hồi lâu. Sáng hôm đó tôi đang rửa mặt bên này sân, thấy bà tự nhiên ngã chúi xuống phía trước, tôi vội kêu ầm lên. May quá hôm đó bác Di có mặt ở nhà, liền chạy đến bế sốc bà lên giường rồi lay gọi, lay mãi chỉ thấy mắt bà chớp chớp động đậy ra chiều biết, nhưng không nói được nữa.
Một tuần sau bà qua đời ở tuổi 82 (hay 86?).
Sắp đến ngày giỗ bà, tôi viết bài này như là một ném hương nhỏ tưởng nhớ tới người quá cố.

Phạm Vĩnh Thắng
(+)Người đứng bên cạnh bà trong bức ảnh này không rõ là tôi hay chú Tiến


Previous
Next Post »