LNĐ: Ngày 14.10.2007, cũng trên Blog này bác Kim Anh đã đưa ra một khái niệm bất ngờ, nhưng rất hay “Thương hiệu Phú Đức”.
Nhân ngày 20.10, ngày truyền thống phụ nữ Việt Nam hưởng ứng bài viết của bác Kim Anh, tôi xin giới thiệu bài viết có liên quan tới thương hiệu này.
Kì 1. Nghĩ về truyền thống.
Hôm vừa rồi đi họp hưu trí chủ đề về tấm gương đạo đức cụ Hồ, tôi thấy ở lứa tuổi như bọn tôi Cụ luôn là một tấm gương. Trong suốt mấy chục năm công tác luôn luôn ẩn hiện trong tôi những lời dạy, những câu chuyện của Người như là một nguồn động viên, một lời gợi mở hiệu quả nhất.
Đấy là truyền thống xa, còn gần là truyền thống ngay ở nhà mình là tấm gương của những bậc đi trước như bố mẹ, ông bà, các anh, các chị lớn tuổi mang “Thương hiệu Phú Đức”.
Hồi bé khi Thủ đô mới được giải phóng sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhà ta có nhiều người từ vùng kháng chiến trở về, đem theo hào khí của cuộc kháng chiến 9 năm thần thánh chống Pháp như cụ Quang, cụ Bảo, các bác Trúc Hà, Thoa Nông ..v…v…luôn là những tấm gương để chúng tôi noi theo.
Nhớ ngày đó khi còn đeo khăn quàng đỏ, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ và cảm phục bác Phạm Vĩnh Thanh được thuởng huân chương vì thành tích chiến đấu đánh địch. Tuy không được biết tường tận mức độ của chiến tích ấy vĩ đại đến mức nào, nhưng chỉ mới nghe thấy danh hiệu ấy, chẳng kịp dò hỏi đã rất kính phục rồi.
Còn nhiều tấm gương nữa ở ngay nhà ta, những gương cần cù chịu khó học tập thành tài như bác Di, chú Tiến. Vươt qua khó khăn trên đường đời để đươc như ngày nay có bác Anh, Nhu, Ngọc, Lan…Theo thời gian thế hệ con cháu của các bác cũng có nhiều tấm gương tự thân lập nghiệp, có phần còn giỏi giang hơn bố mẹ như các cháu Minh, Tuấn, Cường, Khanh, Hùng, Vinh, Trang (Thắng)…Được như vậy cũng là nhờ noi gương những bài học từ ông, bà, bố, mẹ.
Năm vừa rồi 2006, nhà ta đã có một sự kiện có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đó là chuyến hồi huơng về cội nguồn chiến khu Viêt Bắc thăm căn cứ địa kháng chiến chống Pháp. Khi ghi mấy dòng lưu niệm tại Sổ Vàng tôi đã xưng danh là “Đoàn gia đình cụ Phạm Vĩnh Quang, Phú Đức - 53 Lãn Ông Hà Nội…”. Ông Giám đốc khu bảo tàng Tân Trào cứ tấm tắc nói với tôi ra chiều thán phục “Rất hiếm gặp đoàn cả gia đình, như gia đình Phú Đức nhà mình”.
Tôi nghĩ tiếp nối truyền thống cũng giống như muốn giữ được một thương hiệu nổi tiếng không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải là cả một quá trình, của nhiều thế hệ và phải thường xuyên nỗ lực không mệt mỏi. Tiếp nối cũng không phải là ào ào cho được, mà phải có chọn lựa sao cho có hiệu quả nhất, mà điểm nhấn bao giờ cũng phải được bắt đầu từ những tấm gương của bậc đi trước và chỉ có giá trị khi thế hệ sau hơn hẳn thế hệ trước về nhiều mặt, đúng như các cụ ta đã dạy “con hơn cha là nhà có phúc”.
Phạm Vĩnh Thắng
Ảnh trên:Thăm lán Nà Lừa,Tân Trào.
Ảnh dưới: Bên bia Tiến sĩ chùa Keo,Thái Bình.
0 Komentar