Ngày Hội ngộ

Cách đây 44 năm vào ngày 5.7.1963, tôi, Nghiêm Sỹ Nông và Nguyễn Thế Hiệp ba chàng trai Hà Nội vừa tròn 18 tuổi và cũng vừa trải qua hai ngày thi vào đại học (ngày 2 và 3.7.1963) lên đường nhập ngũ.
Ba chúng tôi cùng vào đại đội C.1, trung đoàn pháo cao xa E.210 bảo vệ khu Gang Thép Thái Nguyên. (Ảnh trên tôi và Nghiêm Sỹ Nông, chụp trưa nay ngày 5.7.2007 tại nhà tôi).
Tuy cùng là học sinh trường Chu Văn An III.B, nhưng khi còn đang học chúng tôi chưa quen nhau. Nay vào cùng một đơn vị, lại là dân Hà Nội duy nhất của đại đội, nên ba chúng tôi sớm trở thành những người bạn thân thiết. Cứ sau một ngày tập luyện vất vả, chúng tôi lại ra góc đồi ngồi tán gẫu. Ngày đó mới xa nhà lần đâu, chúng tôi nhớ nhà lắm, vì thế câu chuyện thường xoay quanh chuyện bố mẹ, chuyện đường phố, chuyện trường học và bạn bè cùng trang lứa.
Thế rồi chỉ hơn một tháng sau ngày nhập ngũ, chẳng hiểu làm cách nào mà cậu Nông được điều lên Trung đoàn bộ, vào bộ phận quân bưu, được đi học lái mô tô, một việc mà tôi hằng mơ ước. Mơ ước vì ngày đó mô tô là của hiếm, không nhiều như bây giờ, hơn nữa làm lính pháo thủ nặng nhọc lắm, từ lâu lính ta đã có câu "Làm quan đại đội, không bằng làm lính Trung đoàn bộ".
Đến cuối năm ấy đùng một cái lại đến lượt Nguyến Thế Hiệp được ra quân, vì lý do yếu sức khỏe(?). Nghe tin này tôi "choáng váng", thẫn thờ đến mấy ngày. Thế là chỉ còn mỗi mình tôi ở lại với cuộc đời của một pháo thủ pháo cao xạ hang nặng, vất vả quá.
Sau này cứ mỗi lần nhìn thấy cậu Nông cưỡi xe Sít- đờ -ca (mô tô ba bánh) quân phục tề chỉnh, sạch sẽ phóng ào ào trên đường phố, trước con mắt mê mẩm thán phục của các cô gái Thái Nguyên mà tôi thấy sao số tay này đỏ thế, còn mình hẩm hiu quá.
Rồi từ khi Mỹ mở rông cuộc chiến tranh phá hoại ra khắp miềm Bắc, đơn vị cao xạ của tôi tham chiến ở nhiều nơi như cầu Phủ Lạng Thương, Bắc Giang; sân bay Kép; cầu Đuống, Hà Nội; nhà máy suýp pe phốt phát Lâm Thao, Phú Thọ; Thành phố Vinh, Nghệ An; tuyến đường giao thông chi viện miềm Nam, Sông Lam Nghệ An...nên tôi mất liên lạc với hai ông bạn trên. Nhưng thật tình là sau những giây phút buồn tình lúc chia tay, phần vì cuộc chiến, phần vì thời gian sống với họ quá ít, nên tôi hầu như quên bẵng hai ông bạn này.
Năm 2002, khi còn ở bên Đức tôi được biết tin, anh bạn Nguyễn Thế Hiệp ngày đó vừa ra quân đã được vào trường Đại học Y Hà Nội học ngay. Sau này làm Giám đốc Bệnh viện nhân dân Gia Định TP.Hồ Chí Minh, đại biểu quốc hội nhiều khóa. Nay với hàm Phó giáo sư, Tiến sỹ vẫn làm việc và là Hiệu trưởng một trường đào tạo cán bộ y tế của thành phố này.
Còn anh bạn Nghiêm Sỹ Nông thì mãi đến tháng 5 năm nay, tình cờ qua một người bạn tôi mới bắt được liên lạc lại với anh ta. Hiện nay Nghiêm Sỹ Nông với cái mái tóc dài rất nghệ sỹ (xem ảnh), đang hành nghề thợ chụp ảnh tự do, có hai cửa hàng ảnh ở phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội.
Đúng ngày hôm nay 5.7.2007, tôi và Nghiêm Sỹ Nông sau 44 năm bặt tin nay lần đầu tiên đã có dịp hội ngộ tại nhà tôi để ôn lại những kỉ niệm năm xưa. Còn Nguyễn Thế Hiệp thì cũng sáng nay, nhờ có sự liên lạc của Nghiêm Sỹ Nông chúng tôi đã có cuộc nói chuyện lần đầu tiên sau 44 năm qua điện thoại đến mấy chục phút, hẹn hò ngày hội ngộ.
Thời gian trôi đi đã 44 năm, ngày đó chúng tôi là những chàng trai Hà Nội vừa tròn 18 tuổi, còn bây giờ như các vị thấy đấy, chúng tôi đã là những ông già lứa tuổi U.70. Những kỉ niệm với hai người bạn vào những ngày đầu trong quân ngũ năm 1963 ở một thời điểm hào hùng của đất nước, tuy ngắn ngủi nhưng sẽ còn mãi mãi trong tâm trí của tôi, không bao giờ có thể quên.
Xin được kể ra đây, để quí vị cùng chia sẻ.

Phạm Vĩnh Thắng
Previous
Next Post »