Lại nói chuyện “bữa cơm gia đình” (tiếp)

Ngày 29/6 nhân ngày Gia đình Việt Nam tôi đã có bài viết trên blog “Cụ Quang, net” về "bữa cơm gia đình", nay xin nói tiếp về chủ đề này.
Càng ngẫm nghĩ “bữa cơm gia đình”, càng thấy giá trị duy trì sợi dây liên hệ tình cảm giữa con cái với bố mẹ và giữa chúng với nhau. Xưa nay nói đến “bữa cơm gia đình”, chúng ta thường chỉ nói  đến vai trò của các bà vợ, nữ tướng bếp núc. Nhưng thực sự ở chi họ ta có nhiều ông đứng bếp, góp phần đáng kể cho việc duy trì các “bữa cơm gia đình”. Đầu tiên phải kể tới Cụ Quang là người sành ăn đương nhiên, nhưng cũng là người thường tham gia nấu các “bữa cơm gia đình”. Cụ biết nấu nhiều món ăn cho “bữa cơm gia đình”, trong đó tôi còn nhớ món đậu phụ rán của cụ. Những miếng đậu rán ngậy mỡ còn nóng hổi, được vớt ra đĩa đặt trên những lát hành hoa nhỏ quyện với mùi hành lá thơm phức, chấm với nước nắm chanh ớt quyến rũ ăn rất ngon miệng. 
Chỉ với những món ăn “bữa cơm gia đình” như thế, mà những năm tháng đi xa tôi không khỏi không nhớ tới gia đình, ngôi nhà 53 Lãn Ông.
Hàng ngũ các tay đầu bếp nam của chi họ cũng tăng dần, không chỉ thường xuyên nấu “bữa cơm gia đình”, mà còn nổi tiếng với các món ăn phức tạp nhiều chi tiết kiểu cỗ bàn “4 bát, 6 đĩa” phải kể tới ông Vĩnh Ngọc. Thứ đến người nhiều năm nay (ít nhất mà tôi được biết là từ ngày bắt đầu nghỉ hưu 1998) luôn đảm nhận vai trò đầu bếp là ông Vĩnh Di ở Sài Gòn, người duy trì “bữa cơm gia đình” hằng ngày.
Kế đó còn phải kể tới lớp con, cháu rất giỏi việc bếp núc. Có thể kể ra vài nhân vật như Phạm Ngọc Cường, tay đầu bếp kín tiếng "bữa cơm gia đình" nhà mình, chủ nhà hàng Hà Nội ở vùng du lịch sinh thái Gunzenhausen, thành phố Muchen CHLB Đức. Có lần tôi chứng kiến vào buổi tối trời giá lạnh, tuyết rơi trắng xóa khoảng gần chục thực khách người Đức trật tự xếp hàng trước cửa nhà hàng chờ tới lượt.
Rổi đến ba anh em Chiến Dũng, Ngọc Khanh, Đình Hiệp những tay đầu bếp cấp gia đình của bà Kim Anh. Và còn nhiều tên tuổi khác trong chi họ, giỏi bếp núc khi thực hiện “bữa cơm gia đình”, nhưng vì khuôn khổ bài viết tôi không kể hết được.  
Việc các ông vào bếp tham gia trực tiếp cho “bữa cơm gia đình”, chắc chắn không chỉ được các bà xã hài lòng, mà con cái cũng sẽ nhớ mãi cho dù có đi đâu xa, có ăn ở đâu chúng cũng sẽ nhớ tới “bữa cơm gia đình” mà tìm đường về nhà với bố mẹ.

Phạm Lê
A1.Bữa cơm gia đình nhà Ông Di. A2. Ông Ngọc đứng bếp. A3. Bữa cơm gia đình toàn chi họ.
Previous
Next Post »