Chẳng phải huyên thuyên, mà là có thật!

Bác Di vừa có loạt bài “chuyện huyên thuyên” trên blog, được Hồng Phương hưởng ứng bổ xung thêm một bài huyên thuyên nữa. Ở một trong các bài huyên thuyên ấy có một chi tiết tôi ghi nhớ, nôm na ấy là có những việc phải làm tức thì, nếu không sẽ là rất tiếc. Theo chủ đề ấy tôi xin góp câu chuyện “Chẳng phải huyên thuyên, mà là có thật”.
Số là gần hai tháng trước khi nghe tin bác Hoàng Hà qua đời, bà mẹ vợ tôi nay đã gần 90 cứ bần thần tiếc quá vì Cụ đã mấy lần định đến chơi chưa thực hiện thì bác đã đi xa.
Đấy là chuyện bà mẹ vợ, còn tôi có ông bạn chơi với nhau từ thời niên thiếu nhiều kỉ niệm nhất là những năm học cấp 2, 3. Ông ấy nhà ở Phố Thuốc Bắc chúng tôi hay qua lại nhà nhau, có khi còn ngủ lại học bài, ôn thi. Đôi lần hì hụi đèo nhau trên chiếc xe đạp thồ Phượng hoàng Trung Quốc của ông ấy, đi xem phim ở bãi chiếu ngoài trời Gia Lâm. Rồi những buổi chiều sau giờ học, sau cuộc đá bóng cùng nhau lê đôi guốc gỗ mộc cuốc bộ từ trường Chu Văn An về nhà. Dọc đường Phan Đình Phùng vừa đi vừa thích thú ê a hát các bài hành khúc quen thuộc “Cùng nhau đi hùng binh”, “Khúc quân hành”, “Dưới lá quân kì”,  “Hành quân xa”…
Năm 1963 tôi nhập ngũ, bẵng đi tới tận năm 1993 chúng tôi mới gặp lại nhau trong một lần họp mặt lớp 10 cũ sau 30 năm mất liên lạc. Rồi đến năm 2006 khi tôi nghỉ hưu, ông ấy đạp xe đến tận nhà tặng tôi một bức tranh tự tay vẽ vì theo lời ông nói “Tôi và ông có nhiều kỉ niệm lắm” (Bức tranh này tôi vẫn treo bên bàn thờ các Cụ).
Đúng vậy chúng tôi có nhiều kỉ niệm thời niên thiếu vừa là bạn học, lại vừa là bạn đường phố nhưng do hoàn cảnh chiến tranh và cuộc mưu sinh nên mấy chục năm không có sự liên lạc tuy rằng vẫn nhớ đến nhau. Thế rồi Tết năm 2011, sáng mồng 3 tôi vừa nói với bà xã Tết ra đến thăm ông ấy. Nào ngờ ngay tối hôm đó đang ngồi xem TV, tôi nhận được điện thoại của cậu con trai ông báo tin ông ấy đã qua đời.
Nhận tin dữ tôi thẫn thờ mất một thời gian, thế là bao nhiêu kỉ niệm thời niên thiếu chúng tôi chưa một lần ôn lại nay đã theo ông ấy đi xa. Ngày tiễn ông về với tổ tiên, tôi ghi vào sổ tang chỉ vài chữ ngắn gọn “Vĩnh biệt ông bạn thời niên thiếu”. 
Câu chuyện của tôi đúng là chỉ có như thế, chẳng phải huyên thuyên mà là có thật!.                                                                                                            
                                                                                                                                  Vĩnh Thắng
Ảnh dưới: Học sinh CVA ngày lễ bế giảng lớp 12.
Previous
Next Post »