Phật giáo - một triết lý sống (tiếp theo)

Kỳ 2: Thuyết Tam nghiệp
Có thể nó thuyết tam nghiệp là tinh hoa của Phật giáo, thể hiện nhân sinh quan nhân bản mà nếu như mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thực hiện được thì xã hội loài người đã có bước tiến dài, thế giới đại đồng thanh bình, không còn chiến tranh, người với người và cùng muôn loài sống để yêu thương nhau. 
Trước hết nói về nghiệp. Nghiệp là hành động tạo tác của con người, là con đường đi từ Nhân tới Quả. Theo Phật giáo, nếu mình làm điều lành thì tạo được nghiệp lành (thiện nghiệp). Nghiệp lành hình thành nên đời sống nhiều may mắn, được an vui, hạnh phúc và ngược lại nếu mình làm điều xấu ác thì tạo nghiệp dữ  gọi là ác nghiệp hay bất thiện nghiệp. Nghiệp dữ hình thành nên đời sống nhiều thất bại, hoạn nạn và bất hạnh.  
Tam nghiệp bao gồm Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp:
1. Thân nghiệp: Là hành động tạo tác của Thân.  Về phần Thân nghiệp, Phật giáo khuyên con người thực hiện các điều sau:
- Thứ nhất là không nên (hạn chế) sát sinh và phá hủy môi trường sống:
Sát sinh nặng nhất là giết người, sau đó là các động vật khác. Nếu như chúng ta quý mạng sống của mình như thế nào thì tất cả các động vật khác cũng vậy. Vì sự ích kỷ “khoái khẩu” của mình mà loài người đã sát sinh không biết bao nhiêu sinh mệnh, làm tuyệt chủng nhiều loài động vật quý hiếm. Khi bị giết, các sinh vật vì uất hận mà sản sinh ra các độc tố trong cơ thể. Vì thế chúng ta ăn thịt cũng đồng thời ăn phải các độc tố đó. Trong trường hợp có thể, hãy ra tay cứu vớt hoặc phóng sinh các sinh mạng.
Ngoài ra, thải chất độc hại làm ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến cái chết hàng loạt của nhiều động vật khác cũng là một hành động tương tự như sát sinh, thậm chí còn sát sinh hàng loạt và gây hậu quả về lâu dài.
- Thứ hai là không được trộm cắp; phải tôn trọng tài sản của công và của người khác. Người đệ tử Phật hiểu sâu sắc rằng tài sản, của cải hưởng được, đều là kết quả của phước báo đã tu tạo trong quá khứ, hoặc việc làm trong hiện tại một cách
chính đáng. Những vật sở hữu của mọi người ở trên cuộc đời này cũng không có gì là vững chắc; vì nó có thể bị năm thứ tai họa làm tiêu tan: nước cuốn trôi, lửa đốt cháy, giặc đánh cướp, bị tịch thu và con cái hư hỏng phá hủy.
Như vậy, của cải tạo được một cách hợp pháp còn không giữ được, huống gì là của phi pháp. Trong dân gian thường nói rằng của phi nghĩa vào cửa trước ra cửa sau. Người trộm cắp tất nhiên chẳng ai dám tin dùng, gần gũi. Làm thế nào họ có được đời sống yên ổn, an vui.
Cao hơn người đệ tử Phật cần ra tay giúp đỡ tiền của cho những người kém may mắn hơn mình, trước hết là cho những người thân trong gia đình, họ hàng, sau nữa là bạn bè, hàng xóm …trong khả năng cho phép.
-         Thứ ba là không tà dâm, sống chung thủy.  Vợ chồng là duyên trời, không phải ngẫu nhiên mà trong số bao nhiêu bạn bè quen biết, mỗi người chỉ chọn được cho mình một người làm vợ (chồng). Vì vậy, hãy sống hết lòng với bạn đời của mình. Sống chung thủy cũng có nghĩa là tôn trọng hạnh phúc gia đình của mọi người. Làm được điều này cuộc sống gia đình của chính bạn cũng sẽ  được hòa thuận, an vui, hạnh phúc.
- Thứ tư là không nghiện bia rượu và các chất kích thích khác như ma túy…. Việc nghiện bia rượu và các chất kích thích không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, gây ra nhiều bệnh tật mà còn làm cho con người trở nên si mê, ngu muội, không còn sáng suốt, làm cho con người trở nên liều lĩnh, nóng giận, gây ra nhiều điều bất hòa thậm chí phạm tội ác ảnh hưởng đến người thân và xã hội.
2. Khẩu nghiệp: Là hành động tạo tác của Miệng. Về phần Khẩu nghiệp, đạo Phật khuyên mọi người tuân thủ các điều sau:
Thứ nhất là là không được nói dối, có nghĩa là không nói sai sự thật, thấy nghe biết như thế nào thì nói như thế ấy; phải biết tôn trọng sự thật; chỉ khi nào gặp trường hợp đặc biệt, vì muốn đem đến an vui cho chúng sanh thì chúng ta có thể tạm thời nói sai sự thật. Thực tế cho thấy người có mưu mô xảo trá đến đâu, với thời gian cũng không thể nào che giấu được sự thật. Người nói dối, lời nói không đi đôi với việc làm, chẳng còn giá trị. Không ai dám tin tưởng họ, vì thế mọi sinh hoạt và phát triển của chính họ cũng đã bị bít lối.
Thứ hai là không nói lời hung ác có nghĩa là không được dùng lời ác độc, thâm hiểm chửi rủa mọi người. Khi nói ra điều gì, chúng ta luôn nói những lời dịu dàng, từ ái hợp với chân lí, được như thế tình cảm con người ngày càng trở nên sâu đậm, dắt dìu nhau tu theo thiện pháp để cùng nhau sống an vui, hạnh phúc.
Thứ ba là không nói lời thêu dệt có nghĩa là không thêm bớt trong lời nói để làm cho câu chuyện sai với sự thật. Hoặc dùng lời nói hoa mỹ, bóng bẩy, vòng vo để mê hoặc nhằm hãm hại người… Là người đạo đức, khi nói ra bất cứ điều gì đều là lời nói chân thật, đạo đức nhằm đem lại an vui cho bản thân và tha nhân.  
Thứ tư là không nói lưỡi hai chiều có nghĩa là không được đến người A nói xấu người B; đến người B nói xấu người A… với mục đích gây chia rẽ họ, làm cho hai bên thù địch nhau, ẩu đả nhau để rồi gây thương tổn cho nhau. Là người đạo đức, chân tu, chúng ta cần phải dùng những lời nói đạo đức để hóa giải mọi sự oán thù của con người, giúp họ sáng suốt dứt bỏ hành động tạo đau khổ cho nhau, để không vướng vào nghiệp oan khổ chất chồng qua nhiều kiếp, mà cần phải biết nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau, để cuộc sống luôn được bình an qua mỗi kiếp.
3. Ý nghiệp: Là hành động tạo tác của Ý tưởng như suy nghĩ, toan tín làm điều gì đó...Về phần Ý nghiệp, Phật giáo khuyên:

Thứ nhất là không tham đắm ngũ dục (tài-sắc-danh-thực-thùy tức tiền tài, danh vọng, tình dục, ham ăn, ham ngủ). Trong khi đắm chìm và theo đuổi ngũ dục, con người thường không từ mọi tội lỗi, gieo tạo nhiều ác nghiệp và cuối cùng chuốc lấy khổ đau thống thiết. Là người đi tìm hạnh phúc, chúng ta luôn làm chủ tâm mình, hạn chế và đi dần đến diệt trừ tất cả mọi sự tham muốn thấp hèn, sống tri túc tiết hạnh, siêng năng hành trì thiện pháp để tâm luôn được an tịnh.
Thứ hai là không sân hận có nghĩa là không hung hăng, nóng giận, oán hận khi đối đầu với những việc trái ý nghịch lòng. Sân hận là một tính khí xấu ác, độc hại, nó như ngọn lửa mạnh, mỗi khi bừng cháy là có thể đốt cháy thân tâm ta và tất cả mọi vật xung quanh, vì thế Đức Phật từng dạy: “Một niệm sân nổi lên là trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở”. Thế nên, lửa tức giận một phen phát ra, liền đốt cháy tất cả rừng công đức đã gieo tạo nhiều năm tháng. Sự tác hại của tâm sân vô cùng khủng khiếp. Để có được hạnh phúc, chúng ta cần chủ động đề phòng tâm sân, luôn từ bi, thương yêu tất cả mọi loài để diệt trừ lòng sân, vì khi tâm hồn ngập tràn yêu thương thì không tồn tại tâm lý sân hận.
Thứ ba là không si mê. Si mê làm tâm tính lẫn lộn không phân định được chính, tà, đúng, sai. Mỗi khi con người bị tâm si chi phối, thường gieo tạo nhiều lầm lỗi, dần dần sa đọa vào đường ác. Vì thế, si mê là nguồn gốc gây nên nhiều tội lỗi, tạo nhiều khổ sầu cho con người. Muốn loại trừ những quan niệm sai lầm, những định kiến tà quấy, chúng ta cần phải siêng năng tu tập thiền quán, niệm Phật, làm nhiều việc thiện, xả bỏ dần cái tôi tầm thường… dần dần tâm chúng ta trở nên sáng suốt, an tịnh, lúc đó mọi suy nghĩ, mọi hành động của chúng ta đều sáng suốt, hợp đạo lí, mang lại hạnh phúc cho bản thân và mọi người.
 Trong tam nghiệp trên, Ý nghiệp là hệ trọng hơn hết, bởi vì việc làm của thân hay lời nói phát khởi từ miệng đều do ý tưởng suy tính, quyết định cả. Do vậy, việc ác hoặc thiện chưa bộc phát ra nơi Thân và miệng, nhưng nó đã có mầm mống  ở ý tưởng rồi. Thế nên, người nào có ý ác là đã phạm tội rồi mặc dù nó chưa bộc  phát ra hành động.
Tam nghiệp thể hiện các lời dạy của Phật về cách sống nhằm giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi mọi đau khổ và thường được tóm tắt lại bằng sống 10 điều an lành:
1 1. Từ bỏ sát sinh (trực tiếp hoặc gián tiếp)
2 2.  Không trộm cắp
3 3.  Không trác táng, cờ bạc, nghiện bia rượu, gian dâm, hút sách…
4 4.  Không nói dối (trừ trường hợp bất đắc dĩ).
5 5.  Không nói lời hung ác
6 6.  Không nói lời thêu dệt
7 7.  Không nói lưỡi hai chiều
8 8.  Không tham lam (tiền, tài, dục, thực, thùy)
9 9.  Không sân hận
1 10. Không si mê.

Trong 10 điều đó, điều 1, 2, 3 thuộc về Thân nghiệp, điều 4, 5, 6, 7 thuộc về Khẩu nghiệp, điều 8, 9, 10 thuộc về Ý nghiệp.
Previous
Next Post »