Mọc Quan Nhân, Nhân Chính quê tôi.

Mọc Quan Nhân một trong số năm làng Mọc cổ xưa của Hà Nội (Quan Nhân, Cự Lộc, Phùng Khoang, Giáp Nhất và Chính Kinh), nay thuộc phường Nhân Chính quận Thanh Xuân. Làng nay đã đô thị hóa, nhưng nhiều đường phố vẫn mang tên xưa Quan Nhân, Chính Kinh, Khương Đình, Khương Trung v.v...

Làng Mọc Quan Nhân có ngôi Đình, Chùa Quan Nhân ngày còn bé mỗi lần được theo bà nội về quê trên chiếc tầu điện “leng keng tiếng còi sớm khuya” là một lần háo hức không kể siết.

Nhân Chính quê tôi quận Thanh Xuân.

Quan Nhân thôn, vốn làngvăn hoá.

Những ngày theo bà nội về làng.

Trường sơ tán tránh máy bay Nhật (1944)

Cùng cô Thảo, chị Phạm Chu Sa.

Gần họ hàng, cầu ao, giếng nước.

Tôi yêu quê, không những quê đẹp.

Vì tuổi thơ tôi quyện hồn quê.

Yêu mến làng quê nhất là Đình, Chùa Quan Nhân nơi tôi có nhiều kỉ niệm thời thơ ấu, xin ghi lại một ít điều tham khảo.

-Năm 1986 đã tìm thấy Bia đồng, sách đồng ở Đình Quan Nhân trên đó khắc 2.700 chữ Nho vào năm thứ 6 Quí Sửu (1853). Văn bia do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) thời vua Lê Anh Tông phong cho vị thần là Hùng Lãng Công Trung nghĩa Vương Hồ Quốc an dân (dòng dõi vua Hùng là huyền truởng Vũ Tiên dẹp giặc Nam Chiêu), vợ là Dục Đức Tề My Quan Nhân nương công chúa. Ông bà đuợc phong là Thánh Hoàng làng.

-Chùa Quan Nhân, tên hiệu là “Sùng Phúc Tự” năm 2002 được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn nghệ thuật chạm khắc thế kỉ XIX. Toạ lạc trên khuôn viên rộng 1300 mét vuông, vừa qua sau 13 tháng trùng tu nhiều hạng mục tôn tạo thêm vẻ đẹp của ngôi chùa và đã được gắn biển Công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.

-Người Nhân Chính có nhiều nhân vật nổi tiếng, chỉ riêng về văn chương có nhà thơ Đặng Trần Côn, tác giả kiệt tác văn chương bằng chữ Hán “Chinh phụ ngâm” Nhà văn Vũ Trọng Phụng,nổi danh với nhiều tác phẩm trào phúng những năm 40 thế kỉ trước.

Chi họ Cụ Quang cũng như các chi khác thuộc nhánh họ Cụ Lê Thị Cả (Cụ bà Phạm Chí Lễ) xuất thân Làng Mọc Quan Nhân, Chính Kinh nay cũng có nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực chính trị, văn hoá, khoa học, kinh tế và xã hội…kế tục truyền thống làng văn hoá Quan nhân xưa.

Hiện nay mộ chí Cụ Phạm Chí Lễ-Lê Thị Cả được an táng tại nghĩa trang Quán Dền, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân Hà nội ( Trong khu mộ của dòng họ cụ Tuần Nguyễn Hữu Đắc - Mộ đã di chuyển 3 lần thời chống máy bay giặc Mỹ; sau năm 1975, xã Nhân Chính huyện Từ Liêm đã quy hoạch lại khu dân cư, khu nghĩa trang. Gần đây khi xã trở thành phường và mở rộng các khu đô thị, dòng họ Cụ Nguyễn Đắc đã quy tập các mộ của dòng họ vào 1 khu , hiện nay Nghĩa Trang này nằm ngay tại trục đường lớn – Lê văn Lương kéo dài - ).

Chùa Quan Nhân là nơi trước đây vẫn tổ chức ngày hội Làng Mọc hằng năm vào ngày 11 tháng hai âm lịch có rước kiệu, múa rồng, sư tử, chọi gà, đánh cờ người…thu hút rất nhiều du khách tới tham dự. Bắt đầu từ năm 2000, lễ hội làng Mọc cứ 5 năm một lần và do 5 làng luân phiên nhau tổ chức.


Kim Anh

(Có tham khảo tư liệu và ảnh trên mạng. Các ảnh từ trên xuống Chùa Mọc Quan Nhân, Múa kiệu và người dân dự hội làng Mọc)

Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Tôi cũng vẫn còn nhớ những lần được về làng Mọc Quan Nhân. Từ trên tầu điện qua phố hàng Bột, ngay đầu phố chẳng biết là cửa hiệu gì, chỉ biết trên đó có hình đầu môt con bò to tướng gắn vào mặt tường trước cửa hiệu. Rồi ao bầu dục, giếng nước cạnh đình làng, ngôi nhà 5 gian có vườn cây. Hồi đó cô Bé còn trồng một ụ khoai lang to tướng.
Thú ưa thích của tôi lúc đó là ra cầu ao thả chân xuống nước, rồi uống nước vối om có mùi "thum thủm", nhưng lại rât thích vì "rất thơm".
Và còn nhiều kỉ niệm nữa về Làng Mọc Quan Nhân mhữmg năm 50, đầu 60 khi tôi còn nhỏ tuổi trước khi đi bọ đội.

Balas