Phố Lãn Ông - Hà Nội





Trong các con phố cổ của Hà Nội, có lẽ không có con phố nào không bắt đầu bằng chữ Hàng và có mùi hương ấn tượng như Phố Lãn Ông (thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm). Chỉ cần đến đầu phố đã ngửi thấy ngay mùi thơm quyến rũ, đặc trưng của các loại hương liệu, các loại thảo mộc khô dùng làm thuốc đông y mà dân gian vẫn quen gọi là thuốc bắc…được bào chế, bày bán ngay trên phố. Đây cũng là một trong những phố nghề ít ỏi của Thăng Long còn lưu lại đến ngày nay.

Tên phố bắt nguồn từ tên gọi của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một vị danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, người kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Sau khi mất đi, ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải thượng y tông tâm lĩnh gồm 22 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học suất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam.

Tuy nhiên, tên gọi phố Lãn Ông chỉ mới xuất hiện từ thời Pháp tạm chiếm, trước đó vào đầu thế kỷ XX, phố có tên gọi Phúc Kiến (Rue des Phuc Kien) bởi phần đông dân cư là người Hoa kiều, gốc tỉnh Phúc Kiến đến ngụ cư tại đây. Cùng với hội quán Quảng Đông trên phố Hàng Buồm, hội quán Phúc Kiến trên phố Lãn Ông là chốn hội tụ của bà con Hoa Kiều xa xứ.

Theo “Đại Nam nhất thống chí”, thời xưa, đây là nơi tập trung buôn bán mặt hàng thiếc và đồng, khai thác từ mỏ Tụ Long. Đầu thế kỷ XX, con phố này mới trở thành phố chuyên kinh doanh thuốc bắc.

Phố Phúc Kiến dài khoảng180o m, có 60 nhà bên phía bắc dãy số chẵn, 71 nhà bên phía nam dãy số lẻ. Những năm 20 đầu thế kỷ, nhà trong phố Phúc Kiến hầu hết là một tầng; dần dần lác đác có nhà hai tầng. Nhà làm theo kiến trúc cổ: nhà ngoài dài sáu, bảy mét, rồi đến sân giữa chung quanh che mái. Khung nhà hình ống, dài sâu hun hút. Tôi còn nhớ nhà 53 Lãn Ông - xưa là hiệu thuốc Phú Đức có cửa hàng mặt tiền bán thuốc bắc rộng trên 6 m, và có 1 gác gỗ, đối diện với Đình Phúc Kiến, diện tích khuôn viên chừng 360m2, các dãy nhà ngang 1 tầng và 2 tầng được liên thông với nhau qua 3 sân, rồi sau nhà bếp là một vườn rộng.





Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc có từ sớm. những thúng mẹt đựng các vị thuốc sống được bày ngay xuống mặt đất từ trong nhà ra đến ngưỡng cửa, người ta đi qua quãng phố này được ngửi thấy mùi các vị thuốc bốc ra thơm lừng. Những thứ quí thì đựng trong túi vải cất trong ngăn tủ gỗ kê sát tường, dưới nền nhà là dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Cửa hiệu có bán lẻ thuốc Bắc kèm theo thuốc Nam. Thuốc Nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ.


Trải qua thời gian, các cửa hàng trên phố Lãn Ông ngày nay vẫn buôn bán thuốc tấp nập, không bị phai nhạt như các phố nghề khác trong khu phố cổ. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân phường Hàng Bồ, phố Lãn Ông có trên 70 cơ sở kinh doanh Đông Nam dược, chiếm khoảng 90% tổng số nhà mặt phố tại đây. Đây cũng là phố có mật độ dân đông nhất của phường Hàng Bồ.





Đầu phố giáp Hàng Đường, Hàng Buồm phần lớn các hộ kinh doanh các mặt hàng khăn mặt, khăn tay, đồ sơ sinh, các cửa hàng bắt mạch kê đơn bán thuốc tập trung đông nhất ở khoảng giữa đến cuối phố, từ ngã tư Hàng Cân, Chả Cá đến giáp phố Hàng Vải. Tại đây, các cửa hàng nằm san sát nhau, bán đủ mọi loại thuốc từ cao cấp như “Đông trùng hạ thảo”, nhân sâm, linh chi tới các loại thảo dược khô, tán bột…Thuốc bầy bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi nilong xếp đầy trước cửa, treo lủng lẳng phía trên đầu. Người bán hàng trên phố đa phần là phụ nữ. Ngày nay, họ không dùng cân tiểu ly, cán gỗ, hoa đồng, đĩa cân đồng để “đong” thuốc như các cụ ngày xưa mà thay thế vào đó những chiếc cân đĩa có thể cân được hàng chục kg thuốc. Máy thái thuốc gắn bằng mô tơ điện cũng được sử dụng khiến cho công việc chế biến thuốc nhẹ nhàng hơn nhiều.

Bên cạnh những cửa hàng bán thuốc luôn tấp nập người vào ra, mùi đương quy, bạch truật, đan bì, ý dĩ thơm lừng khắp phố, những nhà chuyên bắt mạch, kê đơn lại có một vẻ thâm trầm, kín đáo. Trong nhà những người bốc thuốc trên phố, chân dung của Hải Thượng Lãn Ông thường được đặt ở vị trí trang trọng. Sừng sững sát tường là những chiếc tủ gỗ đựng thuốc lên nước nâu bóng, có hàng trăm ngăn kéo quai đồng, mỗi ngăn có đề tên thuốc. Hiếm hoi lắm, tại một số cửa hàng,trên mặt quầy cao ngang ngực còn hiện diện những chiếc dao cầu, chuôi gỗ dùng để thái thuốc, hai ba chiếc cối bằng đồng có nắp dính liền với chày để giã thuốc khỏi bắn. Dưới chân là chiếc thuyền tán bằng sắt, dùng để tán thuốc theo lối thủ công truyền thống. Bên cạnh mặt bàn thăm mạch đã bóng nước thời gian, người thầy thuốc nhiều kinh nghiệm chỉ cần hỏi bệnh, xem sắc diện, rồi khẽ chạm vào cổ tay bệnh nhân bắt mạch là có thể truy bệnh, cắt thuốc, kê đơn. Bàn tay thoăn thoắt mở từng ngăn kéo tủ sát tường, nhúm từng vị thuốc, thứ nào ra thứ ấy, ít khi phải thêm bớt. Tờ giấy báo rải sẵn trên mặt quầy, và thoắt một cái, thang thuốc đã được gói vuông vức ngay ngắn, được buộc chồng lên nhau bằng sợi dây đay dài buộc thành bó gài bên quầy.






Ảnh chụp phố Lãn ông năm 2009


Nghề thuốc ở con phố này đã cha truyền con nối từ bao đời nay. Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông chính là những người Hoa, đến Thăng Long theo những đợt di dân lớn từ các tỉnh duyên hải nam Trung Hoa vào khoảng thế kỷ 15 - 16, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ Phúc Kiến. Tuy nhiên, bên cạnh một số lương y gốc Hoa, từ lâu đã có hàng chục lương y người Việt thành danh với nghề thuốc trên phố này. Họ có xuất xứ từ nhiều làng quê trên đất nước, phần lớn là từ làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu (huyện Văn Giang- Hưng Yên). Người làng Đa Ngưu vốn có nghề buôn bán thuốc sống đi rong, ra lập nghiệp ở Hà Nội, buổi đầu cũng chỉ mới có dăm ba nhà, cửa hàng nhỏ, thuốc buôn lại của các cửa hiệu lớn người Tàu bên phố Hàng Buồm, Hàng Bồ. Sau theo thời gian, các cửa hàng ngày càng tấp nập nên người kinh doanh mặt hàng này cũng đông theo dần. Dưới thời Pháp thuộc, quá nửa số hiệu thuốc Bắc ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) Hà Nội có chủ là người họ Phó hoặc là người làng Đa Ngưu: Phó Gia Tường, Đức Thái, Phó Gia Hội, Đức Hanh, Đức Phong, Ích Phong… Hiện nay con cháu của các cửa hàng thuốc nổi tiếng ngày xưa như Toàn Mỹ, Hành Thiện… vẫn tiếp tục bán hàng thuốc bắc tại phố cổ xưa. Nhưng rất nhiều con cháu của tiền nhân sống tại phố Lãn ông xa xưa đã chuyển đi sinh cơ lập nghiệp ở nhiều vùng của đất nước, và có lẽ đông nhất là ở Tp HCM . Tại TpHCM thỉnh thoảng lại có những cuộc hội ngộ của những đồng hương Hà Nội gốc phố Lãn Ông.




Họp mặt đồng hương gốc phố Lãn Ông tại Tp Hồ Chí Minh năm 2009


Ngày nay, con cháu của họ vẫn phát huy truyền thống cha ông, bốc thuốc cứu người. Những lương y như: Trần Kim Quang, Nguyễn Kim Bảng, Phó Đức Quang… trong nội tộc đã nhiều đời, nhiều người gắn bó với nghề Đông Nam dược ở phố Lãn Ông. Đa phần không qua trường lớp đào tạo nên nghề bốc thuốc, bắt mạch thường lấy bí kíp gia truyền của gia đình làm cốt yếu.

Phố Lãn Ông, mấy chục năm qua, dân cư cũng có nhiều thay đổi, “đất lành chim đậu” nên ngày càng đông đúc. Nghề kinh doanh thuốc đông y ngày càng thêm mở mang là dấu hiệu tốt đẹp cho sự phục hồi, phát triển của nền y học dân tộc. Nhằm lưu giữ phố nghề truyền thống, thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phối hợp cùng với trường Đại học Kinh tế Quốc dân xây dựng đề án tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông sẽ được xây dựng dưới hình thức thống nhất về biểu tượng, lôgô, màu sắc chủ đạo…(mỗi cửa hàng có biểu tượng riêng của mình: biểu tượng phù điêu của nhân viên bán hàng, biểu tượng in trên bao gói sản phẩm tuỳ theo mỗi nhà, cửa hiệu và ý tưởng mỗi chủ hiệu). Ðặc biệt, tiêu chí văn minh thương mại đối với hàng hóa kinh doanh tại tuyến phố này bảo đảm theo khung giá chung. Mỗi mặt hàng bán theo giá niêm yết. Các đơn vị kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè. Hàng phải có nguồn gốc xuất xứ ghi rõ trên mỗi sản phẩm. Phố chuyên doanh Lãn Ông không chỉ đảm bảo hoạt động kinh doanh mà còn có trách nhiệm quảng bá du lịch, khôi phục phố nghề.

Giá đất phố Lãn Ông nay đã lên cao, vì là phổ cổ trọng điểm chuyên nghề, trên mạng rao bán nhà phố có khuôn viên 3x56m giá 170 triệu/m2, nhà diện tích 170m2 rao bán 28 tỷ

Cùng với toàn thể nhân dân Thủ Đô, phố Lãn Ông cũng đang chỉnh sửa và hoàn thiện để đón Đại Lễ 1000 năm Thăng Long.


( Nguồn ảnh cá nhân,tham khảo thêm Internet )

Previous
Next Post »
3 Komentar
avatar

Theo Internet thì phố LO dài 180m, tôi cho là o đúng, vị nào biết đề nghị bổ xung.

Balas
avatar

Nhà 53 Lãn ông dài 127 m, mặt tiền 5,8m, mặt hậu 3,3m theo hồ sơ địa chính

Balas
avatar

Minh chau noi cụ Hòa chí Tường 71 Lãn Ông

Balas