Khánh thành Cầu Cân Thơ


Sáng nay, 24-4, tại ĐBSCL diễn ra một sự kiện quan trọng: Cầu Cần Thơ chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là cây cầu lớn cuối cùng nối xuyên suốt hệ thống cầu đường trên tuyến QL 1 - trục giao thông quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Vượt qua biến cố, thử thách, đội ngũ hàng ngàn người gồm chuyên gia, kỹ sư, công nhân Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc đã hoàn thành công trình trong niềm vui tột cùng của người dân miền sông nước Cửu Long.

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và Tp Cần Thơ cách bến phà Cần Thơ hiện hữu khoảng 3,2 km về phía hạ lưu. Tổng chiều dài toàn tuyến là 5,85 km, trong đó phần cầu chính vượt qua sông Hậu dài 2,75km, rộng 23,1 m; tốc độ thiết kê 80km/giờ với 4 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1 km với 9 cầu, trong đó 4 cầu nằm trên địa phận Vĩnh Long và 5 cầu trên địa phận Tp Cần Thơ. Dự án cầu Cần Thơ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đại diện là BQLDA Mỹ Thuận, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật và vốn đối ứng của VN với tổng vốn đầu tư khoảng 4.832 tỷ VND



Ý nghĩa của trụ cầu Cần Thơ

Ngày 1.8.2007, đó là ngày chủ đầu tư dự án cùng các nhà thầu Nhật tổ chức lễ khởi đầu căng cáp dây văng cầu Cần Thơ. Nghi lễ tổ chức khá trang trọng, chủ đầu tư giới thiệu dự án và tiến độ thi công, đến phần nhà thầu Nhật thông báo về giai đoạn bắt đầu căng cáp dây văng cầu Cần Thơ.

Trong nghi thức và nội dung buổi lễ, tôi ấn tượng nhất là việc nhà thầu Nhật phụ trách về căng dây văng cho biết: “Trụ tháp cầu Cần Thơ được thiết kế theo chữ A. Chữ A này có ý nghĩa rất đặc biệt: A - di. Ở Á Đông, đạo Phật rất phổ biến, khi người ta chấp tay niệm A - di - đà - phật là người ta mong mong ước sự an lành, bình an. Cầu Cần Thơ thiết kế theo ý nghĩa A - di cũng mong muốn an lành, bình an và mang màu sắc văn hóa phương Đông”.

Để minh họa cho biểu tượng trụ cầu Cần Thơ, nhà thầu Nhật Bản đã đứng thẳng người, chắp hai tay và đưa quá đỉnh đầu, hai chân khép lại. Tư thế của nhà thầu này làm tôi thấy rõ biểu tượng trụ cầu Cần Thơ: Chân khép lại, phần giữa bụng hơi to ra và phần tay chắp đưa cao quá đầu là phần văng dây cáp treo. Theo ước tính từ mặt nước trung bình lên đến độ tiếp giáp trụ cầu và mặt cầu khoảng 40m; từ mặt cầu đến phần chữ A tiếp giáp ở đỉnh khoảng hơn 80m, đoạn còn lại từ đỉnh chữ A lên đến đỉnh cao nhất khoảng gần 40m. Tổng số chiều cao của trụ cầu tính từ mực nước trung bình hơn 160m.

Ngày 26.9.2007, xảy ra sự cố sập nhịp dẫn làm 55 người thi công tử nạn, hơn 80 người bị thương tại công trình này. Hai năm sau, khi cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Văn Đấu đã chấp thuận đề nghị của giám đốc dự án liên doanh nhà thầu Nhật Bản TKN là xây dựng nhà tưởng niệm những người lao động xây dựng cầu Cần Thơ tử nạn. Địa điểm xây dựng nằm trong khuôn viên Bồ Đề Cổ tự, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Sư Phước Tấn, trụ trì chùa Bồ Đề cho biết: “Đại diện nhà thầu Nhật TKN có đến làm việc với nhà chùa, xin chùa cho đất xây dựng nhà tưởng niệm những người tử nạn vì sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào tháng 9.2007. Nhà chùa nhất trí cho phép nhà thầu xây dựng một nhà tưởng niệm trong khuôn viên nhà chùa, diện tích gần 80m2. Nhà tưởng niệm này do nhà thầu TKN tài trợ. Đây cũng là nơi thờ tự tập trung những người quá cố khi tham gia xây dựng cầu Cần Thơ".

Theo sư trụ chùa Bồ Đề, khi cầu Cần Thơ hoàn thành, nhà tưởng niệm những người tử nạn cầu Cần Thơ xây dựng xong. Gia đình của những người đã hy sinh cuộc sống hẳn cũng yên lòng, vì con em của họ đã hy sinh cho biểu tượng cuộc sống an lành, bình an. Vào những ngày rằm lớn, khách viếng chùa và viếng nơi tưởng niệm của những người hy sinh để có cây cầu vĩnh cửu trên mảnh đất bên bờ sông Hậu.

Trụ cầu Cần Thơ có biểu tượng A - di Nhà tưởng niệm những người tử nạn trong sự cố sập cầu Cần Thơ, 26.9.2007.

( Nguồn :Internet )

Previous
Next Post »