Phòng chống cúm A/H1N1 ( tiếp )



Rửa tay - Biện pháp chống cúm hữu hiệu nhất

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người nhấn mạnh khuyến cáo: biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh sự lây lan của dịch cúm là tăng cường rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thông thường.
Biện pháp này đã góp phần làm giảm trên 40% tần suất bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là cúm A(H1N1). Người dân nên tăng cường rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn ở mọi lúc, mọi nơi khi có tiếp xúc với bề mặt nguy cơ, chăm sóc người bệnh tại gia đình và sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi...

Bản chất của cúm A(H1N1) về cơ bản giống như cúm mùa thông thường. Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về thời gian tồn tại của vi rút trong tự nhiên, nhưng chắc chắn virus cúm A(H1N1) tồn tại bền vững trong môi trường không khí lạnh, các phòng có sử dụng điều hòa nhiệt độ... Bên cạnh đó, virus này tồn tại trên bề mặt của các sàn nhà, bàn ghế, giường tủ và lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với các chung cư cao tầng và công sở, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên mở cửa sổ để không khí được thông thoáng, hạn chế dùng máy lạnh, hạn chế tập trung ở những khu vực có thông khí không tốt. Đồng thời, các cán bộ, công nhân viên cần đeo khẩu trang khi giao tiếp, đặc biệt với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Khi mở cửa sổ và cửa chính để thông khí tự nhiên cùng với việc bổ sung thêm một số quạt thổi thích hợp sẽ giúp giảm lượng virus (nếu có) phát tán trong không khí từ người bệnh vào môi trường (sau 30 phút chỉ còn lại là 0,3% và sau 1 giờ còn lại 0%.). Đây vẫn là phương pháp hữu hiệu nhằm làm loãng và giảm nồng độ virus trong không khí tại công sở, chung cư cao tầng ít tốn kém, dễ thực hiện. Các chuyên gia y tế không khuyến khích sử dụng thang máy và điều hòa trong thời gian cúm A (H1N1) lây lan ra cộng đồng nhất tại công sở, chung cư cao tầng đã có người nghi ngờ hoặc đã nhiễm cúm.

Tuy virus cúm A(H1N1) lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, nước bọt, dịch tiết nhưng cũng dễ bị diệt bằng thuốc sát khuẩn Cloramin, nước xà phòng.Vì vậy, đối với các công sở, tòa nhà cao tầng để diệt được virus cúm A(H1N1), nhân viên cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng nước sát khuẩn để lau chùi các đồ vật như nắm cửa, bàn ghế, điện thoại, mặt sàn nhà, nhà vệ sinh... bằng Cloramin B hoặc nước xà phòng. Khi phát hiện đồng nghiệp có biểu hiện sốt, hắt hơi sổ mũi hoặc có yếu tố liên quan đến nguồn dịch như từ các vùng có dịch cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, để khỏi lây sang đồng nghiệp xung quanh, người đó nên đeo khẩu trang (loại khẩu trang y tế có 3 lớp và bán thấm) để ngăn chặn sự phát tán nguồn bệnh tới người khác và hạn chế tối đa tiếp xúc và giữ khoảng cách trên 1 mét với người đối diện.


5 nhóm thực phẩm giúp bạn "đối phó" với cúm A/H1N1


Những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất dưới đây rất hữu hiệu trong việc phòng cúm A/H1N1
Vì sao những thực phẩm này lại giúp phòng ngừa cúm hữu hiệu?
Cúm A/H1N1 là một chủng bệnh mới xuất hiện, chưa ai miễn dịch với cúm này, vì vậy nhân nào cũng có thể nhiễm bệnh đấy, không ngoại trừ cả bạn nữa
Những biểu hiện và triệu chứng của cúm như: đau đầu, sốt (thường trên 38 độ), đau người, có thể kèm theo hắt hơi, sổ mũi, ho, đau họng, đôi khi đi ngoài lỏng... khiến cho cơ thể bạn sẽ bị giảm sức đề kháng rõ rệt
Vì thế, ngay khi còn chưa quá muộn, bạn hãy tích cực măm măm những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất nhé. Những dưỡng chất phong phú và đa dạng có trong các thực phẩm này sẽ giúp các tế bào luôn được miễn dịch, khỏe mạnh. Từ đó bạn sẽ hoàn toàn có thể tự tin đối diện với dịch cúm mà không lo sợ bị các vi rút gây cúm tấn công.
Nên măm những thực phẩm nào để "đối phó" với cúm A/H1N1?

*
Nhóm thực phẩm giàu vitamin A

Bạn biết đấy, các loại rau sẫm màu như rau cải xanh, cải bó xôi, rau riếp, rau rền, rau ngót, cà rốt, dây tây, khoai tây, các loại gan động vật...luôn là nguồn cung cấp vitamin A quan trọng cho bạn đấy. Nó rất cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu, tạo ra năng lượng, và giúp hấp thụ vitamin B.



Nếu có thể bạn cũng măm măm 01 quả trứng vịt lộn hằng ngày nữa. Vì trong trứng lộn có chứa nhiều vitamin A. Đây là những thực phẩm giúp xua tan những mệt mỏi, khó chịu của bạn, bảo vệ cơ thể và từ đó nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

* Nhóm thực phẩm giàu Vitamin E

Vitamin E xuất hiện nhiều trong các loại hạt bạn ạ và từ lâu nó được biết đến là chất khả năng chống ôxy hóa mạnh, có thể ngăn cản những tác động có hại của các chất ôxy hóa sinh ra bởi quá trình chuyển hóa trong cơ thể hoặc khi cơ thể bị nhiễm khuẩn.





Ngay từ bây giờ hãy cập nhật thêm một vài thực phẩm thuộc nhóm này nhé: ví như hạt bí ngô, hạt hướng dương, mầm lúa mạch ….sẽ giúp bạn đề phòng dịch cúm cho cơ thể và đẩy lùi nguy cơ bị bệnh thật nhiều.

* Nhóm thực phẩm giàu vitamin C








Luôn dược coi là thần dược trong việc điều trị cúm, vì thế bạn nên đưa ngay vào danh sách những thực phầm giàu vitamin C cho thực đơn hằng ngày của mama nhé. Măm măm những trái cam, bưởi hoặc uống nước chanh mỗi ngày chính là cách bạn bổ sung vitamin C rùi đấy.
Bạn nhất định không nên lơ là nhóm thực phẩm này nhé vì đơn giản nó là cách tốt nhất để giúp cơ thể chống lại vi rút cúm là “giải" độc tố do vi rút sản sinh ra đấy.

* Những thực phẩm giàu chất kẽm

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhóm thực phẩm này trong hải sản, cua, sò, củ cải, cùi dừa già, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng, khoai lang, các loại hạt, mầm lúa mì...





Đây là nhóm thực phẩm rất cần thiết trong việc ngăn ngừa sự sinh sản của các tế bào bất thường. Ngoài đặc tính can thiệp vào cấu trúc và hoạt hóa của tế bào, kẽm là một chất bảo vệ chống oxy hóa hữu hiệu nữa cơ.

* Nhóm thực phẩm giàu vitamin B

Theo Y học cổ truyền thì tỏi tuy là một loại gia vị nhưng có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời nhất vì nó chứa nhiều vitamin B1, B2, E. Vitamin B1 là chất men không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi chất đường, thiếu vitamin B1 sẽ làm giảm sức đề kháng bệnh tật của cơ thể, sinh ra một số bệnh về da.

Ngoài ra, trong tỏi có tác dụng tăng cường sức đàn hồi của huyết quản, chống bệnh hoại huyết, giải độc, ức chế sinh hắc tố và lắng đọng các sắc tố khắc thường. Được biết, có nhiều loại cây lá có tác dụng phòng chống cúm, nhưng thông dụng nhất vẫn là tỏi. Đây là phương thuốc hữu hiệu nhất trong việc phòng trừ bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp do vi rút cúm gây ra.






Với thành phần chủ yếu là chất kháng sinh alixin kháng khuẩn, kháng virut và kháng ký sinh trùng nên bạn hãy tín dùng tỏi trong thực đơn hằng ngày nhé. Bạn có thể ăn tỏi sống, măm măm tỏi kết hợp với các món ăn, măm kèm giấm tỏi , lấy nước ép tỏi pha loãng để nhỏ mũi....

Sử dụng khẩu trang đúng cách phòng dịch cúm

Một trong những biện pháp hiệu quả mà đơn giản để phòng đại dịch cúm A/H1N1 là dùng khẩu trang vừa có tác dụng che bụi vừa có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cúm nhưng không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách.





Nên sử dụng loại khẩu trang nào?
Khẩu trang dùng 1 lần:
Có 2 loại là khẩu trang giấy, trông rất đẹp mắt, mới nhìn có người tưởng là lụa, có nhiều nếp gấp theo chiều dọc nên ôm khít được miệng và mũi. Nhược điểm: Khi gặp hơi ẩm và nước miếng của người sử dụng, 60 phút sau giấy sẽ bở ra. Khẩu trang mất tác dụng phải thay cái khác. Khẩu trang N95 là loại khẩu trang tốt nhất hiện nay về mặt phòng bệnh. Nó có 3 ưu điểm là: ôm khít vùng miệng và mũi người dùng (do có miếng sắt ép khẩu trang vào sống mũi, có nhiều kích cỡ khác nhau để người dùng chọn lựa cho phù hợp). Lọc được các tác nhân gây bệnh có kích thước từ 1-10 micrômét. Không thấm dịch từ ngoài bắn vào (do bệnh nhân ho, hắt hơi không kịp che miệng). Khẩu trang này chỉ dùng cho những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp (SARS, cúm A/H1N1, H5N1, lao phổi...). Khi loại bỏ phải xử lý theo chế độ rác thải y tế độc hại.
Khẩu trang có thể tái sử dụng :
Khẩu trang vải thông thường có giá từ 2 - 3.000 đồng/chiếc. Phổ biến là hình chữ nhật (10x16cm) có dây đeo vào tai. Khẩu trang bảo hộ lao động cấp cho công nhân chủ yếu là loại này. Nhược điểm của loại khẩu trang này là không ôm kín mũi và miệng người dùng (do đó yêu cầu nhà sản xuất cần cải tiến thiết kế tạo hình phễu và 3 lớp vải, mới có tác dụng phòng bệnh tốt
Khẩu trang chứa than hoạt tính lại chia làm 2 loại: Loại có lớp vải dệt sợi hoạt tính, may liền. Loại có tấm ép than hoạt tính đặt ở giữa 2 lớp vải. Khi giặt thì tháo tấm ép than hoạt ra (như kiểu giặt áo gối). Các loại này đều có cấu tạo hình phễu ôm lấy mũi và miệng. Giá mỗi chiếc từ 22.000 - 40.000 đồng. Có rất nhiều thương hiệu, chủ yếu là hàng ngoại, hàng nội chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Tác dụng của than hoạt tính là hấp phụ các khí, hơi trong không khí (các loại khí độc như: khói xe, khói thuốc lá, khói than tổ ong, khói hương; các loại hơi độc như: các dung môi hữu cơ, xăng dầu, acid, kiềm bay hơi, chất thải bay hơi H2S, NH3...). Do đó nó không thể lọc sạch không khí như đăng trên tờ quảng cáo.
Sợi hoạt tính (là sợi vải tẩm than hoạt) chỉ có tác dụng sau 2 lần giặt. Tấm than hoạt tính sau 10 lần sử dụng trong khẩu trang tham gia giao thông cũng bám đầy bụi, vi khuẩn, virut, vi nấm... không thể sử dụng tới 2-3 tháng như trong quảng cáo được. Sau khi hết tác dụng của than hoạt, thì khẩu trang chứa than hoạt tính chỉ có tác dụng như khẩu trang vải thông thường.
Cách tẩy độc khẩu trang bẩn
Khi có dịch hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh: luộc khẩu trang trong nước muối 1% đun sôi trong 15 phút (sẽ đạt nhiệt độ trên 100oC); hoặc vò với xà phòng diệt khuẩn rồi ngâm 15 phút. Sau đó: nếu là khẩu trang dùng một lần thì vứt vào sọt rác. Nếu là khẩu trang tái sử dụng được thì vò kỹ rồi xả nước cho sạch, phơi ở chỗ có ánh nắng mặt trời. Ngoài ra chỉ cần vò khẩu trang (loại tái sử dụng được) với xà phòng giặt, ngâm 15 phút, xả nước cho sạch rồi phơi khô chỗ nắng.
Sử dụng khẩu trang đúng cách
Khẩu trang đang sử dụng phải luôn luôn sạch, muốn đạt yêu cầu này cần có sẵn vài chiếc khẩu trang sạch đựng trong túi PE kín sạch mang theo bên mình (trong cặp hoặc túi xách) để có thể thay khẩu trang ngay sau khi ra khỏi môi trường ô nhiễm hoặc khi khẩu trang đã dính đầy bụi (đồng thời phải có sẵn túi PE kín sạch để chứa khẩu trang bẩn).
Sử dụng khẩu trang đúng yêu cầu phòng bệnh: Ví dụ, khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, SARS, cúm, dùng khẩu trang N95; với bệnh khác có thể dùng khẩu trang giấy. Khi ở môi trường nhiều bụi vô cơ (người tham gia giao thông, công nhân vệ sinh đường phố, công nhân làm đường, sản xuất gạch ngói, khai thác đá, đóng bao xi măng...) dùng khẩu trang vải (loại hình phễu ôm kín miệng, mũi; có 3 lớp vải là tốt). Khi ở môi trường nhiều hơi độc (khói thuốc lá, khói hương, hóa chất bay hơi...) dùng khẩu trang than hoạt tính. Tẩy độc khẩu trang bẩn đúng cách (như đã nói trên).

( Tham khảo trên mạng )


Previous
Next Post »