Chuyện kể ngày Khoa tròn 20 tuổi.

27.8, là ngày Phạm Ngọc Cường tròn 40 tuổi (1969), cũng là ngày Phạm Vĩnh Tuấn Khoa tròn 20 (1989). Nhân ngày này tôi gửi tới Cường lời chúc mừng tốt đẹp nhất trên con đường mưu sinh và có đôi điều về Khoa.

Ở nhà ta chỉ tính riêng hàng cháu gọi bằng chú, bác tôi có tới hơn chục gồm cả nội, ngoại. Đa phần mỗi năm bình quân gặp được một, hai lần đã là quí. Nhưng gặp nhau tới 8 ngày, 7 đêm như dịp tôi và Khoa cùng đi tour Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, Tô châu vào tháng 7 vừa rồi là chuyện xưa nay hiếm.

Ngày đầu tiên thăm một đoạn Vạn Lý Trường Thành tôi và bà xã lấy hơi trèo từng bậc, đến nửa đường dừng lại để còn dành sức cho những ngày sau. Chúng tôi chủ ý dựa lưng vào tường thành chụp vài kiểu ảnh, cốt sao để còn khoe đã từng “kinh qua” Vạn Lý Trường Thành lịch sử cho oai. (Nói “kinh qua” là theo cách chơi chữ của người Việt Nam ta, ẩn ý là “đã từng trải qua”. Mà “đã từng trải qua” có nghĩa phải là người trong cuộc, là phải lâu lâu vài năm, vài tháng chí ít cũng cỡ vài chục ngày, chứ đâu chỉ là khách tham quan hơn một tiếng đồng hồ như thế. Ở đời người ta “ăn nhau” ở mấy chữ “kinh qua, từng trải qua ấy”).

Lại nói về Khoa sau khi chụp với chúng tôi vài kiểu ảnh kỉ niệm trên đoạn trường thành ấy, cậu ta tạm chia tay hai bác. Sẵn sức trẻ băng băng trèo lên tận đỉnh, rồi lại chạy ào xuống bãi đỗ xe ngồi chờ, thản nhiên “Như chưa hề có cuộc chia tay”. Còn cánh già chúng tôi lại lần từng bậc trở xuống, thỉnh thoảng ngó nghiêng chụp vài kiểu ảnh cũng là một cách nghỉ ngơi dưỡng sức.

Có lẽ tour này chúng tôi gặp may ở toàn khách sạn cỡ 4 sao (tôi chấm điểm có khi còn hơn một tí ?). Mõi lần đến khách sạn mới tôi lại phải vời Khoa sang giúp khi là cái điều hòa, lúc là TV vì thiết bị ở đó thế hệ mới lạ lắm, hình hài chẳng giống cái mà tôi đang dùng ở nhà. Cậu ta làm những công việc ấy ra dáng hiểu biết, thành thạo lắm. (Có lẽ cũng là lợi thế sức trẻ vào thời đại KHKT).

Trên đường thỉnh thoảng hai bác cháu cũng trao đổi, chuyện trò. Khoa hay “trắc nghiệm” tôi đại loại như bác có chơi thể thao không, có biết đá bóng không, biết bơi không, có biết...Kongfu?. Tất nhiên tôi chỉ trả lời “Có, Không” theo đúng luật định. Khi tôi nói hồi trẻ bác cũng có đá bóng, cũng bơi, tập cả quyền anh, Judo... Cậu ta liền nắn nắn bắp tay, bắp chân nhão nhoét tuổi 64 của tôi rồi chìa ra bắp chân, bắp tay rắn đanh tuổi 20 của cậu ấy ra chiều so sánh khó tin.

Một lần sau khi đã vượt qua trót lọt phần "trắc nghiệm" của Khoa, chớp thời cơ tôi lên lớp cậu cháu “Có lẽ Khoa nên quen với ý nghĩ thế hệ bác cũng có một thời trai trẻ, cũng làm những gì như cháu đang làm. Chỉ khác ở điều kiện mà thôi. Như thế cháu sẽ khỏi cảm thấy đột ngột khi nghĩ về thế hệ bác hay bố mẹ cháu”. Câu ta cuời cười và nói “Cháu hiểu, cháu hiểu. Đấy là cháu chỉ ngạc nhiên thôi”

Tôi còn nhớ đêm trước ngày về VN Khoa cùng bố thăm lại trường Đại học Thanh Hoa, nơi ông đã học cách nay hơn 40 năm. Chụp với bố mấy kiểu ảnh kỉ niệm, rồi tất tả quay về họp mặt chia tay với nhóm trẻ cùng trang lứa trong đoàn (lại là lợi thế tuổi trẻ dễ quen, dễ thân). Tôi đoán ông Tiến chắc là bồi hồi với kỉ niệm xưa thời trai trẻ lắm. Nhưng sáng ra tôi lại hỏi về Khoa, ông ấy vui vẻ kể cậu ta cũng trân trọng chia sẻ với kỉ niệm của ông.

Mấy ngày tuor ấy hai bác cháu cùng chuyến bay, cùng ô tô, ghế liền kề, ngồi cùng mâm, ăn cùng món, ngủ cùng nhà, tham quan cùng chỗ. Nhờ vậy tôi có dịp nhận ra vào tuổi 20 Khoa có vẻ trưởng thành hơn, có chiều sâu hơn thì phải.


P.V.Thắng



Previous
Next Post »