Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Phủ Chủ tịch theo những nghi thức trang trọng nhất.
Lễ đón cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức lúc 16h ngày 12/12 tại Phủ Chủ tịch với các nghi thức trang trọng nhất, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Lễ đón diễn ra khoảng 4 giờ sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tới Hà Nội.
Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch ngày 12/12. Video: Nhóm phóng viên
Sau khi xe Hồng Kỳ cùng đoàn hộ tống đến Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân bắt tay, trò chuyện với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân.
Hai lãnh đạo cùng giới thiệu quan chức trong đoàn, trước khi bước lên bục làm lễ chào cờ. 21 phát đại bác chào mừng vang lên tại Hoàng thành Thăng Long khi đội quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Đây là nghi thức chào đón nguyên thủ quốc gia trang trọng nhất.
Kết thúc lễ chào cờ, đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng thanh hô to "Chúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khỏe!", trước khi diễu duyệt đội hình qua lễ đài.
Hai lãnh đạo tiếp tục nán lại trò chuyện trên bục. Bình luận viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho rằng cuộc trao đổi thân mật tại lễ đón này cho thấy mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa hai lãnh đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sau đó cùng hai phu nhân chụp ảnh chung tại bậc thềm Phủ Chủ tịch. Sau lễ đón, hai lãnh đạo di chuyển đến trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng để bắt đầu hội đàm, dự kiến trao đổi các định hướng chiến lược cho quan hệ song phương.
Hai bên dự kiến ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương liên quan, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay các văn kiện dự kiến được ký sẽ tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông cũng kỳ vọng quan hệ Việt - Trung sẽ đạt "tầm mức mới", với nhiều kết quả thực chất từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng điều này thể hiện sự trọng thị đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình với Việt Nam và quan hệ song phương.
Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam lần này có ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương; ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ðối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng, cùng các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, còn nhập khẩu 117,87 tỷ USD.
Lũy kế đến 20/10, Trung Quốc giữ vị trí thứ 6 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD.
"Trung Quốc và Việt Nam là nền kinh tế mới nổi và quốc gia đang phát triển nổi bật. Hai nước chúng ta đoàn kết và hợp tác có thể tạo thêm tính ổn định cho sự phát triển của khu vực và thế giới, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới", Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh.
0 Komentar