Nhật Bản ghi nhận hơn 151.000 mộ phần bị dỡ bỏ trên toàn quốc, khi việc chăm sóc mộ gặp nhiều khó khăn do dân số già hóa.
Mainichi ngày 24/12 dẫn số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết 151.076 mộ phần gia đình đã bị dỡ bỏ trong năm tài khóa 2022 (từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023), cao nhất kể từ khi thu thập dữ liệu năm 1997.
Các phần mộ này được dỡ bỏ để tro cốt người đã khuất được rải xuống biển hoặc chuyển đến một cơ sở lưu trữ chung. Xu hướng này được cho là do tình trạng dân số Nhật Bản già hóa nhanh chóng, tỷ lệ sinh thấp khiến ngày càng ít người có điều kiện chăm sóc phần mộ tổ tiên.
Hokkaido ở phía bắc ghi nhận 12.200 trường hợp dỡ bỏ mộ phần, cao nhất toàn quốc, Tokyo và Osaka lần lượt xếp sau với 11.000 và 8.000 mộ.
Midori Kotani, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu đời sống, văn hóa người cao tuổi Dai Ichi Life, nhận định đại dịch Covid-19 có thể khiến nhiều người Nhật đặt câu hỏi về tính thiết yếu của mô hình mộ gia đình truyền thống.
Bà lưu ý ngày càng nhiều người chọn cách an táng "cá nhân hóa" hơn, như rải tro cốt xuống biển, vì khó trông đợi thế hệ trẻ chăm sóc chu đáo mộ phần của mình. Trong năm tài khóa 2022, chính quyền các địa phương của Nhật đã phải dỡ bỏ hơn 3.400 mộ phần không còn người chăm sóc.
Tokyo và nhiều địa phương khác đang khuyến khích người dân dỡ bỏ mộ trước khi không còn người chăm sóc, bằng cách trợ cấp một phần chi phí.
Nhật Bản là quốc gia "siêu già", nghĩa là hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 26/7 công bố dữ liệu đăng ký công dân tính đến ngày 1/1, cho thấy số người mang quốc tịch Nhật là 122,42 triệu, giảm 800.000 người so với năm ngoái. Đây là năm thứ 14 liên tiếp dân số Nhật Bản suy giảm.
TheoVNexpress
0 Komentar