Tạm biệt Luân đôn - Nhìn lại một hành trình

 Tạm biệt Luân đôn - Nhìn lại một hành trình

Chị em chúng tôi đã kết thúc chuyến du ngoạn nước Anh sau 48 ngày lưu trú. Trước khi đi, con cháu nhắn nhủ, các bà nhớ ghi chép và đăng Facebook cho động não, tránh bệnh lú lẫn của tuổi già. Mặt khác, nhờ ông phây lưu lại và nhắc đến các kỷ niệm này. Thế là 2 chị em chia nhau viết. Ấy vậy mà cũng không kịp vì mỗi khi định đi đâu lại phải tra bản đồ, gõ google tìm các thông tin quan tâm...Chúng tôi đã có thời gian thú vị khám phá lịch sử, địa danh, văn hóa, con người...Chúng tôi không đi theo tour nào mà đi theo sự sắp xếp của con cháu. Phần lớn là các cháu dẫn đi vì khi đó đang được nghỉ hè. Sang tháng 9 đã bắt đầu tự đi. Cụ thể, chúng tôi đã đến các địa danh sau:
- Thăm Scotland (3 ngày 2 đêm)
- Thăm Cardiff - thủ phủ xứ Wales
- Dạo các thành phố Cambridge, Glasgow, Bath, làng cổ Bebury, làng cổ Dean.
Xem các bảo tàng Anh, bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng khoa học, bảo tàng thiết kế, bảo tàng Victoria & Albert, bảo tàng hàng hải, bộ sưu tập tư nhân Wallace, phòng tranh Quốc gia (tất cả đều miễn phí)
- Đi tàu river bus trên sông Thame đến hạt Greenwich cách trung tâm khoảng 10 km để xem đường kinh tuyến số 0.
-Thăm quan các cung điện Bukingham, Kensington, Windsor, Hampton
- Dạo trung tâm London gồm dạo chụp ảnh bên ngoài tòa nhà quốc hội Westminster và nhà thờ, nhà nguyện cùng tên, cột đồng hồ 4 mặt Big Ben, phố Whitehall nơi có nhà của gia đình thủ tướng và bộ trưởng tài chính ở (số10, 11 phố Downing), quảng trường Frafalgar nơi là km số 0 của London.
- Dạo quanh tháp Luân đôn và cầu tháp Luân đôn, nơi được chọn bắn pháo hoa lúc giao thừa
- Xem 1 buổi nhạc kịch, nghe 1 buổi hòa nhạc và dự Lễ kỷ niệm nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao VN - UK do ĐSQ VN và Hội hữu nghị Anh - Việt đồng tổ chức
- Dạo các công viên Holland, Kensington, Hyde Park, các chợ cuối tuần do người dân địa phương tổ chức, xem triển lãm hội chợ nông sản thương mại quốc tế (mỗi năm tổ chức 1 lần trong 2 ngày)
Thăm mộ Các Mác, tòa nhà ĐSQ New Zealand, nơi xưa vốn là khách sạn mà Bác đã từng làm việc.
Chị em chúng tôi rất vui sướng và mãn nguyện vì vừa được đi chơi vừa được gần gũi con cháu, gặp gỡ họ hàng, bạn bè ở phương trời xa, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, con người, phong cảnh...ở Vương quốc Anh.
Qua chuyến đi này, chúng tôi cũng rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Kể cả đi vào mùa hè thì vẫn phải mang đủ đồ ấm vì vẫn có những hôm lạnh.
- Đến nơi nên mua ngay sim điện thoại có kết nối internet của nước sở tại để dễ tìm đường đi và liên hệ (giá hiện tại 30 bảng/tháng)
- Chuẩn bị thẻ visa quốc tế để thanh toán mọi nơi mọi lúc. Bên Anh rất ít dùng tiền mặt thanh toán. Đi phương tiện công cộng phải quẹt thẻ từ, không dùng tiền mặt được. Thậm chí mua que kem cũng phải quẹt thẻ.
- Bên Anh phổ biến dùng ổ điện 3 chân nên nếu giắc cắm điện thoại, laptop của bạn 2 chân thì cần mang theo giắc chuyển đổi 3 chân sang 2 chân.
- Khi qua đường nên qua đúng nơi quy định, thường là ngã 3, 4 có đèn xanh đỏ và chỉ qua khi có dấu hiệu an toàn (hình người đang bước màu xanh). Vì luật giao thông ở Anh quy định đi theo tay trái nên đi khi qua đường thì chúng ta phải nhìn đường theo hướng ngược lại với thói quen khi ở VN. Tương tự, chọn bến chờ xe cũng phải ngược lại như vậy.
- Bạn định đi đâu xem thì nên tìm hiểu trước qua bạn bè hoặc vào mạng xem. Có những trường hợp thông tin dễ gây hiểu nhầm. Ví dụ gọi là bảo tàng Anh thực chất là bảo tàng về các nền văn mình sớm của trái đất (từ 4000 năm trước công nguyên đến 1000 năm sau công nguyên). Hiện vật của nước Anh chỉ trưng bày có 1 gian cùng với gian châu Âu. Tương tự, bảo tàng Victoria & Albert lấy tên của vợ chồng nữ hoàng Anh nhưng thực chất lại là bảo tàng nghệ thuật của các nước, các châu, khu vực trên thế giới vào thời kỳ cận hiện đại (từ thế kỷ 11 _ 19) Chúng tôi cũng bị lú lẫn khi dạo vườn kỷ niệm công nương Diana trước cung điện Kensington, thấy tượng Diana và các con, thấy bảng ghi chú công nương Diana đã sống ở đây 15 năm. Thế là liên tưởng trong cung điện sẽ có các hiện vật thể hiện cuộc đời Diana nhưng thực tế không hề có. Cung điện hiện không có người ở, đến 2/3 diện tích trưng bày các loại trang phục xưa và nay. Còn 1/3 là các hiện vật về cuộc đời nữ hoàng Victoria từ nhỏ đến lúc trưởng thành.
- Khi bước vào 1 gian bảo tàng, ta thường bị choáng ngợp vì nhiều hiện vật quá và lo đi nhanh xem cho kịp. Lưu ý là hiện vật có ý nghĩa hoặc giá trị đặc biệt nhất trong gian cần xem kỹ thường được đặt giữa ngay lối vào và để trong tủ kính. Phải đi đến lần thứ 2 chúng tôi mới phát hiện ra tảng đá to đặt trong tủ kính ở tầng 1 là phương tiện ghi chép của người cổ Ai cập (như ta dùng giấy ngày nay). Có đến 3 ngôn ngữ được khắc trên đá, chữ nhỏ, đẹp nhìn kỹ mới thấy chứ lúc đầu tưởng hoa văn. Nhờ vào phiến đá này mà các nhà khoa học đã giải mã được chữ Ai cập cổ.
- Trước ngày định đi xem ở đâu đó miễn phí thì cũng nên đăng ký online để khi đến nơi mình được ưu tiên vào trước không phải xếp hàng chờ lâu, thậm chí không được vào vì quá tải.
- Trước khi đi Anh, tôi thường tưởng tượng đó là xứ sở nhiều sương mù với những con người lạnh lùng, chỉ nói chuyện được về đề tài thời tiết. Tuy nhiên, sương mù bên đó không nhiều như bụi mịn ở Hà nội. Theo văn hóa phương tây, họ không tò mò vào việc người khác nhưng khi thấy người đó cần giúp đỡ thì họ nhiệt tình, thậm chỉ chủ động giúp. Vì vậy, nếu có chuyện gì trục trặc xảy ra với bạn thì đừng do dự, cứ yêu cầu họ giúp (như chụp ảnh, chỉ đường...). Có điều e rằng mình hỏi đến lần thứ n mới đúng người bản xứ vì khách thập phương rất nhiều.


TheoFbLeHongPhuong

Previous
Next Post »