Kí ức nhỏ về cụ Phạm Vĩnh Bảo

Cụ Phạm Vính Bảo những gì tôi còn nhớ chỉ là những kí ức trong thời gian ngắn ngủi những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập kỉ 1960 khi cụ còn sống và tôi còn trẻ.
Thực ra đến mãi sau ngày giải phóng Hà Nội tháng 10 năm 1954, khi tôi đã hơn 10 tuổi mới được gặp sau ngày Cụ cùng đoàn quân từ miền Nam tập kết ra Bắc. Ngầy ấy thường thì hằng tuần đôi lần cụ đến Lãn Ông thăm bà nội. Một hai lần tôi được cụ cho đi ăn phở ở ngõ Tạ Hiện. Ngày đó phở rẻ lắm đâu như chỉ vài hào một bát, nhưng cơ quan thương nghiệp còn qui định mỗi bát phở phải có số lượng cụ thể bánh, thịt và phải có nước sôi để khách nhũng bát đũa thìa đảm bảo vệ sinh. Tuy là rẻ như thế, nhưng bây giờ đôi khi nhớ lại tôi không khỏi giật mình giá vài bát phở ấy cũng là đáng kể so với đồng lương Giám đốc sở Kiến trúc Hà Nội của Cụ ngày mới giải phóng. Ngày đó trong sạch lắm không có thu nhập thêm ngoài đồng lương ít ỏi, không có nạn tham nhũng, không có tệ hối lộ và phong bì như bây giờ nên việc chi tiêu phải tính từng đồng đối với cả người có chức vụ như Cụ.
Năm tôi học cấp 2 trường Trưng Vương, cứ đến chiều thứ bảy hằng tuần sau tiết học trưa là tôi đến Sở kiến trúc Hà Nội ở phố Phan Chu Trinh nơi cụ được ở một phòng nhỏ vốn là ga ra ô tô. Buổi chiều từ đấy tôi đến sân bóng đá Tăng Bạt Hổ (nay là bể bơi CLB Lao động Hà Nội) nhập hội, đá bóng với nhiều bạn trẻ không quen biết đến chiều tối mới lê đôi chân nặng nề về Lãn Ông.
Có chủ nhật tôi còn được cụ gọi đến đánh bóng bàn “biểu diễn” với cán bộ của Sở Kiến trúc. Chả là hồi trẻ tôi là một tay vợt có tiềm năng đã từng chơi bóng bàn đường phố với hai cựu vô địch  bóng bàn miền Bắc ở thời điểm họ còn chập chững, chưa thành danh (tay vợt Mai Duy Diễn và tay vợt người Hoa tên là Kỳ tôi không nhớ họ). Tôi còn là thành viên đội bóng bàn CLB thiếu nhi Hà Nội (Ấu trĩ viên HN), đôi lần được thọ giáo tay vợt Nguyến Thị Dung vô địch đơn nữ miền Bắc (cùng thời với VĐV nổi tiếng Nguyễn Thị Mai).
Có lần được nghe ông Chỉnh Huấn con trai cụ Bảo kể lại câu chuyện năm 1963 khi biết tin tôi nhập ngũ, cụ gọi mấy anh em ông góp ý bức thư dự tính gửi cho tôi. Thú thật lâu quá tôi cũng không còn nhớ nội dung bức thư đó, nhưng nghĩa cử của cụ thì tôi không quên.
Ngày cụ nằm Viện 108 từ đơn vị tôi vào thăm, lúc đó cụ đã yếu lắm. Tôi ghé tai nghe cụ thều thào căn dặn vài lời, đại ý là lấy vợ ra sao, làm việc thế nào…Ngày cụ ra đi mãi tới trua chủ nhật hôm đó, tôi từ đơn vị được về nhà nửa ngày mới được biết hai cụ Quang Yến đi tiễn cụ về nghĩa trang Văn Điển.
Thời gian trôi qua không định trước bà xã tôi lại là bạn thân hữu của bà Ánh Hồng từ bé. Vì thế mối quan hệ của chúng tôi với các con của cụ Bảo Bé vẫn được duy trì thân thiết theo thời gian, mặc dầu chúng tôi hiếm khi có cơ hội gặp nhau.
Hôm nay ngày giỗ Cụ Phạm Vĩnh Bảo tôi viết vài dòng ngắn ngủi kể lại kí ức nhỏ của mình, thể hiện lòng kính trọng thương nhớ. Cũng là thay cho nén hương cầu mong Cụ phù hộ cho con cháu thành đạt, hạnh phúc.
Vĩnh Thắng
A1/. Thắp hương bàn thờ hai Cụ. A2/. Bà Ánh Hồng và ông xã.  
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar


Đọc bài này thấy cậu lắm tài ghê. Mẹ cháu cũng hay kể chuyện Ông Bảo lắm vì hồi nhỏ sống gần Ông cũng nhiều.

Balas