Chơi cá ngựa, một trò chơi trẻ em ưa thích.

Sáng 1/6 nhân ngày Tết thiếu nhi bà xã tôi tặng quà cho hai cháu bé, em trai chiếc ô tô bé tí xíu còn cô chị bàn cá ngựa mini.
Cậu em chỉ thích được một lát rồi chán ngay vì chẳng biết gì, cô chị thích lắm cứ ôm khư khư. Vì chưa biết chơi thế nào, luôn miệng rủ “ông chơi với con”. Chơi cá ngựa xưa kia nhất là ở thành phố hầu như nhà nào cũng có bàn cá ngựa làm bằng gỗ, trẻ con cũng ham thích lắm. 
Nhớ lại hồi nhỏ nhà đông anh chị em, khi các ông anh bà chị chưa đến tuổi đi làm, tôi cứ phải ngồi rìa chầu chực chán bên các cuộc chơi rồi mới đến lượt mình.
Ngày nay từ khi có điện thoại di động, Ipad, máy tính các trò chơi điện tử phát triển rầm rộ. Các trò chơi xưa vật liệu đơn giản như cá ngựa, ô ăn quan, đánh cù, chơi bi, nhảy dây…dần bị lãng quên.
Nể tình cháu bé tôi chơi với cháu hai ván. Lúc đầu cũng không nhiệt tình lắm, nhưng sau vài đường đi được "hâm lại" thấy hay hay. Bà nội ngồi bên thêm thắt thành ra càng thú vị hơn. Lâu ngày không chơi nên tôi và bà xã thi thoảng vẫn phải bàn nhau về luật chơi khi gặp một vài tình huống cụ thể.. Ví dụ như khi ngựa đến cửa chuồng, có thể nhảy cóc ngay vào các bậc đã đánh số. Nhưng nếu đang đứng ở một bậc thấp, muốn lên bậc cao hơn phải tuần tự qua các số từ thấp đến cao...
Chơi cá ngựa thú nhất là lúc đá ngựa đối phương. Cú đá đau nhất là khi ngựa đã đứng ở cửa chuồng mà bị đá. Đau hơn nữa là là gặp người chơi cố tìm mọi cách đá phăng con ngựa của mình văng đi, kèm theo cái cười khóai chí. Những lúc phải đá ngựa của cháu, tôi phải cố kìm sự sướng của mình và quan sát thần sắc cháu bé. Rồi hai ông bà ra sức giải thích động viên luật chơi như thế, ai chơi cũng có lúc bị đá như thế để cháu khỏi phụng phịu đến độ sắp khóc.
Đã chơi cá ngựa đều biết luật chơi đơn giản, nhưng cũng như nhiều trò chơi khác phải biết tính toán tùy thời cơ. Ví như ở trò chơi này là thời điểm ra quân. Đồng thời phải có chiến thuật điều quân di chuyển trên đường đua, ngăn chặn thậm chí là diệt ngựa đối phương bảo vệ cho ngựa của mình phi về chuồng sớm. Những điều này đối với cháu bé còn mới mẻ. 
Thua cả hai ván cháu hỏi “sao ông giỏi thế, hồi bé ông chơi nhiều rồi à”. Khi dần dà đã biết chơi cháu có vẻ thích, bắt đầu khôn vặt cố tìm cách sắp xếp để xúc xắc ra nhiều "lục" hơn. Nói về cảm tưởng của mình cháu bảo thích lắm, hơn cả chơi tulơkhơ và trưa hôm đó nằm chơi một mình với con thỏ bông cho tới tận giữa chiều khi hai mắt díu lại mới chịu thôi. Bà xã tôi thuật lại cháu còn bảo "Hay lắm bà ạ. Con thích nhất trò chơi này",
Sáng nay báo mạng đưa tin nhóm kiến trúc sư trẻ Thinhk Playgrounds (nghĩ về sân chơi thành phố) đã cùng một số đoàn phường của Hà Nội, xây dựng nhiều sân chơi di dộng miễn phí trong thành phố cho trẻ em chơi trong dịp hè. Các kiến trúc sư tận dụng từ các vật liệu tái chế, vật liệu bằng rơm, tre nứa…những đồ cũ thải ra thành các trò chơi dân gian cho trẻ em.
Sáng kiến này được thành phố tán thưởng và bậc cha mẹ cũng trông mong, vì khôi phục lại các trò chơi đơn giản không tốn kém mà nhiều trẻ cùng chơi được. Không những thế còn là dịp để người lớn được "hâm lại kỉ niệm xưa" - những trò chơi thời còn trẻ con của mình.
Vĩnh Thắng

Previous
Next Post »