Tản mạn cùng Bóng đá Euro 2016

Sớm nay ngày 11/6/20016, vòng chung kết Euro 2016 đã khai mạc tại sân vận động Stade de France ở ngoại ô Paris nước Pháp. Mặc cho mối đe dọa khủng bố hiện hữu, nước Pháp đã bỏ nhiều công sức cho ngày hội thể thao lớn được diễn ra với buổi khai mạc ấn tượng đáp ứng sự ham mê của hàng tỷ người trên thế giới.
Nói về sự ham thích bóng đá thì mỗi người mối cảnh, không thể kể hết. Với tôi có thể nói là từ sau ngày Thủ đô giải phóng 1954, khi được xem trận đấu của đội bóng đá Đoạn toa xe Hà Nội tại sân Eckle (khu tập thể Thủy Lợi bây giờ). Hôm đó bác Phạm Vĩnh Thanh con trai cụ Phạm Vĩnh Bảo là thủ môn. Là bóng đá phong trào, cầu thủ hai đội phần lớn đi chân đất, rất ít người có giày vải. Về kĩ thuật cũng chẳng có gì để kể, vì vừa từ chiến tranh ra trình độ mới chỉ là i tờ. Trận đấu có tình huống đặc biệt, ấy là khi bắt quả phạt đền 11 mét bác Thanh bị gãy gập ngón tay trỏ vì để quả bóng đập thẳng vào đầu ngón tay trần (không găng tay). Lỗi này chủ yếu là do kĩ thuật của thủ môn kém.
Từ sau trận đấu đó tôi mê mẩn xem và chơi bóng đá. Ngày đó các trận đấu chủ yếu là nghe qua tường thuật của đài truyền thanh Hà Nội. Tôi vẫn còn nhớ giọng bình luận lôi cuốn của BLV Hoài Sơn trong những năm 60. Đôi lần tôi có tới sân Hàng Đẫy trực tiếp xem thi đấu. Tôi cũng không nhớ làm thế nào với một cậu bé mới trên mười tuổi như tôi có thể mò đến sân được. Vì  phải mua vé lấy đâu ra riền, rồi cuốc bộ từ Lãn Ông tới sân cũng mất tới gần tiếng đồng hồ. Nhờ vậy tôi được xem các đội thanh niên Hoàng Diệu, Thể Công, Đường Sắt, Trường Huấn luyện TW, Hải Phòng, Công an Hà Nội…thi đấu. Tôi nhớ tên các cầu thủ nổi tiếng thời đó như Tòng cháy có cú ngả bàn đèn nổi tiếng, Trung vệ to đùng Nghẽn cuả đội thành Hoàng Diệu. Đươc xem lão tướng Luyến hói của đội CA Hà Nội và thủ môn Kóong của Hải Phòng. Đặc biệt tôi mê mẩn lứa cầu thủ đầu tiên của quân đội trong màu áo Thể Công như thủ môn Bùi Đức, cặp hậu vệ lừng danh Quýnh, Tương Lai cặp tiền vệ Nàm, Thắng và tiền đạo phải đẹp trai Trương Tấn Nghĩa mỗi lần ra đường biên nhặt bóng là nhận hàng tràng pháo tay của khán giả.
Ở chi họ ta người đá bóng hay nhất là ông Phạm Vĩnh Hải. Nghe nói đã có thời gian ăn tập tại đội Công nhân Cảng Hải Phòng, đội bóng vào hàng mạnh của miền Bắc những năm 60. Trong một lần ông về Hà Nội, tôi được đá cùng ông trong  trận “đá thuê” cho HTX giấy Liên Minh (trụ sở ở phố Lãn Ông) tại giải phong trào HTX tiểu thủ công Hà Nội ở sân Long Biên. Hôm đó ông có quả “đờmivôlê” kĩ thuật tung lưới đối thủ. Nhưng sau đó bị đuổi khỏi sân vì phản ứng trọng tài. Còn ở phố Lãn Ông có đội bóng mang tên Đòan kết, cầu thủ phần lớn là con em trong phố, thỉnh thoảng lại thi đấu với đội ở các phố lân cận trong đó đối thử đáng gờm nhất là đội Sao Mai.
Từ sau khi nước nhà thống nhất 1975 bóng đá mới hồi phục, bước đầu được xem tường thuật qua đài Truyền hình Việt Nam các trận đấu quốc tế. Nhờ đó trình độ am hiểu về ki thuật bóng đá của cầu thủ và cả khán giả cũng tăng lên. Chính vì thế đã đưa nền bóng đá Việt nam phát triển lên một bước mới. Nhưng nhiều năm qua dù chúng ta đã mời các HLV nước ngoài, nhưng tuyển bóng đá Việt Nam mới chỉ một lần đăng cai vô địch ĐNA năm 2008, kém xa so với Thái Lan đã vươn lên tầm Châu lục và mon nem tham dự giải thế giới.
Từ năm 1014, tôi cũng như người hâm mộ Việt Nam bắt đầu hy vọng tương lai bóng đá nước nhà khi xuất hiện lứa cầu thủ U19 tài năng của HAGL với Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng. Tôi luôn mong bóng đá nước ta tiến xa hơn nữa vươn ra tầm châu lục và thế giới. Vì thế xem vòng chung kết EURO vừa là thỏa mãn sự yêu thích bóng đá, vừa là hy vọng sẽ có lúc đội Việt Nam có tên trong các giải lớn của thế giới. 
Phạm Lê
Ảnh trên mạng lễ trận khai mạc và trận đấu Pháp- Rumani.
Previous
Next Post »