Blog Chi họ Cụ Quang, người viết trẻ cứ đợi đấy...!

Có thời gian rỗi rãi đọc lại mấy gợi ý của bác Di gửi các bạn trẻ chi họ nhân blog chi Cụ Quang bước vào năm thứ 5, tôi có mấy ý đàm luận cho rôm rả.

Có thể đã 5 năm rồi nhưng những người viết cho Blg chi họ vẫn chỉ là các cụ hưu, còn người viết trẻ như “cá lặn chim bay” nên bác mới có vài lời tâm sự như thế. Tôi tin là có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nên “nhìn thẳng vào sự thật” chính là cái loại hình “blog tập thể” mà chúng ta đang theo đuổi cho “Blog chi Cụ Quang”. Cho dù đã có kết quả nhất định trong 5 năm qua, nhưng loại hình ấy là “khác người”, xưa nay hiếm rất khó cho người viết ngay cả đối với các Cụ bloger từng trải về nhiều lẽ.

Theo tôi hiểu blog vốn dĩ là một dạng nhật kí cá nhân “mở”, chủ nhân nghĩ gì viết nấy chẳng sợ đụng chạm ai, người nào thích thì đọc, không thích thì thôi. Hiếm nơi có dạng blog tập thể như của ta, ai cũng có cảm giác như mỗi lời, mỗi bài đều có ta trong đó. Không tránh khỏi có việc nhạy cảm, đụng chạm trạnh lòng hình như đang nói về ta, rất giống ta?

Cũng vì là tập thể nên khi điểm một sự kiện chi họ, phải điểm cho đủ mặt anh tài giống như khi giới thiệu khách không thể có vị này mà lại quên vị khác “. Mà phạm vi giới hạn của blog có hạn, làm sao điểm mặt hết được?

Blog chi họ hiển nhiên từ khi khởi đầu cho đến nay, người viết vẫn chỉ là các cụ hưu U.70, U.80. Từ cách viết cho đến nội dung hợp với người “hưu” vào thời “hết việc”, ngồi vét hết cuộc đời để hồi tưởng, suy tư. Cái mới lại biết ít mà có biết cũng không hoàn chỉnh, hoặc dùng tư duy của người hưu để suy diễn, áp đặt. Vì thế blog này dường như dành cho người cao tuổi của chi họ, giống như các ấn phẩm Đàn ông, Đàn bà…dành cho giới ấy.

Hãy khoan nói đến chuyện viết, thử xem ngưòi trẻ chi họ có đọc không?. Có đấy. Nhưng không hẳn là tất cả và thường xuyên. Mà giả sử có đọc họ cũng giả như chưa đọc, không quan tâm lắm. Dại gì thừa nhận có đọc thường xuyên, hoá ra tự nhận đã là già, khi ta còn đang trẻ (như cậu con trai tôi là ví dụ, chẳng bao giờ bắt gặp xem Blog chi mình, nhưng thi thoảng “thở ra” y hệt Blog các cụ đã đưa).

Tôi nghiệm ra viết cho Blog như của chi họ ta khó thật, nhìn thì ngon ăn dễ ợt, nhưng viết dễ hóc xương lắm. Cái khó nhất của Blog tập thể này là nhạy cảm, chính xác ra là đụng chạm. Thực thế chuyện đưa tin hay khen chê cũng phải nhìn trước, ngó sau cho “quần chúng” khỏi mang tiếng “nhóm đi Tây, nhóm trong nước” bè phái gây chia rẽ nội bộ.


Từ tôi mạnh dạn mà nói càng về già càng thích khen, càng ngầm muốn được làm “thần tượng” ít ra là một lần giống như Uyên Linh Idol. Rồi một ngày tôi tự nhận ra càng ngày càng dị ứng với lời chê, càng không quen thảo luận, nghe ý kiến nghịch tai dễ stress. Lại nữa hình như khi về già rất hay bàn chuyện người, chuyện đời nhưng lại không muốn nghe người khác nghĩ về mình, nói về mình vì thế mới khó.

Lắm điều khó như trên mà cánh trẻ chi họ ta ngày nay lại khác trước, tiến bộ hơn, tiếp xúc nhiều điều mới mẻ khoa học hơn, năng động hơn, đúng sai rõ ràng không dựa hơi người lớn, ít ý tứ dò hỏi. Chả thế mà họ ngại viết, dại gì nhảy vào ấn phẩm của các Cụ về hưu, chui vào ma trận thiên la địa võng đầy nhạy cảm, mất thời gian làm ăn. Lại còn phải giữ mình, phải nhìn trước nhìn sau dễ phạm thượng như chơi, lại không được thoải mái như chơi Geam hoặc là nghĩ gì viết nấy trên blog cá nhân của mình (nếu có).

Vậy thì bao giờ ngưòi trẻ viết?.

Theo những điều đã nói ở trên tôi nghĩ nhanh nhất là khi Blog tập thể chi Cụ Quang trở thành Blog cá nhân, hoặc giả các Cụ trẻ lại như họ bây giờ. Khi đó chẳng cần vận động cánh trẻ sẽ nhiệt tình đọc, say sưa viết. Nhưng để được như thế không thể một sớm, một chiều nếu như không muốn nói là không thể.

Đương nhiên tôi vẫn tin là vào một ngày nào đó “bỗng dưng” chi họ sẽ có môt bạn trẻ nào đó, viết một hai bài gì đó cho Blog chi Cụ Quang như Tô Minh Hương vừa rồi "bỗng dưng" có bài viết về Cụ Nông. Nhưng cũng chỉ là của hiếm nhất thời, còn đại trà chắc là còn ở thì tương lai (xa).

Vậy thế tôi tự nhủ coi blog chi họ như là một sân chơi cho tuổi già, cứ an tâm viết cái mà mình có cảm hứng, chợt nghĩ ra (thực tình đã mấy lần tôi định gác bút không viết nữa, nhưng rồi ngẫm ra không viết thì chẳng có sân nào để chơi nên lại viết tiếp cho đỡ buồn). Hơn nữa với người già suy nghĩ, viêt lách cũng là một cách vận động trí não cho khỏi trì trệ, kéo dài thời kì minh mẫn, bớt đi những ưu phiền ám ảnh tuổi già. Còn cánh trẻ viết ư?, cứ đợi đấy chẳng có gì mà vội vã!

Vĩnh Thắng

Previous
Next Post »
3 Komentar
avatar

Chắt Liên con gái của Tô Minh Hương nói cũng thỉnh thoảng lướt blog 53.Như vậy giới trẻ phải tính từ 18 tuổi trở xuống cho đến học tiểu học.Số này chi họ nhà ta khá đông và ngày càng phát triển. Nếu rút về blog riêng dành cho lớp trẻ mang tính chất chung của chi họ thì quả khó, nếu tách riêng rẽ thì chả mấy người đọc.Thôi thì anh, chị nào hay cháu nào tham gia viết bài cho blog 53 đều đáng hoan nghênh

Balas
avatar

Sẽ đến lúc lớp trẻ phải thừa nhận tính hữu ích của blog Gia đình Cụ Quang về với tính cập nhật, các kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa xã hội tâm lý...Đề nghị các "cụ hưu" của dòng họ cứ phát huy khả năng. Lớp trẻ nếu như chưa hăng say lắm ngoài lý do thời gian thì còn có thể chưa đủ kiến thức, chưa đủ tầm để viết ra bài có chất lượng.

Balas
avatar

Bài viết của chú Thắng rất hay. Cháu đọc mà cười hoài. Có phải tụi trẻ không muốn viết đâu, bận quá chú ạ.Cháu thấy cứ như cách này tụi trẻ đang.. già đi, còn blogger mà chú gọi là già của chi họ ta thì lại.. trẻ ra. Cháu rất khâm phục các chú các bác nhà ta đấy ạ!
Cháu có gửi 2 bài viết trên VHPG cho chú rồi ạ.

Balas