"TIẾNG NGHỆ" CỦA NGUYỄN BÙI VỢI - Cảm nhận

Tôi là trai Xứ Nghệ đã xa quê từ năm 1968  và như vậy là tôi đã xa mảnh đất "khô cằn sỏi đá" đến nay đã 45 năm rồi thế mà đi đâu ở Hà Nội nói riêng và Đất Bắc nói chung người ta vẫn nhận ra tôi ngay là "dân bọ", không dấu đi đâu được vì cái giọng trọ trẹ và ngọng dấu của mình. Về dấu để nói đúng dấu ngã và dấu nặng thì phải nói chậm và cố gắng uốn lưỡi mệt lắm ! Nói nhanh là trượt liền!
   Tôi còn nhớ một lần buổi sáng đưa con gái của mình đi ăn trứng vịt lộn nhưng vì để kịp cho con gái đi đúng giờ học nên nói nhanh với cô bán hàng để có trứng ăn ngay. Hậu quả là cô bán hàng trứng thì đỏ mặt còn con gái tôi thì chỉ ôm miệng mà cười ! Từ đó đến nay mỗi lần đi mua trứng vịt lộn để ăn (món ăn tôi hơi thích) bao giò tôi cũng nói thay chữ LỘN bằng NGƯỢC để cho người bán hàng không suy nghĩ sai về mình ! Đối với người bán hàng là phụ nữ để người ta không đỏ mặt, còn đối với người bán hàng là đàn ông để người ta không bảo là tôi không có thứ ấy để bán !
Tôi cùng còn nhớ là những ngày đầu mới làm làm rể Hà Nội, lúc nấu ăn có hỏi mẹ vợ mình là mỡ rán Mẹ để đâu nhưng do giọng Nghệ "quá chuẩn" nên Bà lại trả lời: cửa trước mặt mày đó muốn mở thì mở chứ tao có dấu làm gì đâu!  Vậy đó ! Nhưng mà :
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Đến với xứ NGHỆ không những thấy được phong cảnh sơn thủy hữu tình,mảnh đất của địa linh nhân kiệt,của những tấm lòng mến khách.Mà còn thưởng thức cả giọng nói"trọ trẹ"dễ thương.Từ giọng nói, tiếng nói mà suy tưởng đến một nét thuộc tính cách của người Nghệ là tình thương yêu,chung thủy trong quan hệ giữa người với người.Bài thơ "Tiếng Nghệ" của Nguyễn Bùi Vợi tự cất cánh bay lên một tầm cao thẩm mỹ.
Tôi xin được chép lại để tặng phu nhân của tôi và những người thân của cô ấy để hiểu hơn và...đồng thời cũng theo học một khóa đào tạo về Tiếng Nghệ luôn ! Nếu thời gian tới Bộ giáo dục lập khoa tiếng Nghệ trong trường ngữ văn chắc tôi sẽ có thêm thu nhập. Biết đâu được (nếu Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo là dân quê choa!)
Nhân tiện đây tôi cũng xin tặng phu nhân của tôi và những chị em Hà Nội nói riêng và đất Bắc nói chung đã dám chấp nhận làm dâu xứ Nghệ cũng như những người Hà Nội đã thông cảm và hiểu dân "trọ trẹ" như tôi một Playlisst nhạc về Xứ Nghệ !


-TIẾNG NGHỆ 1- 
Cái gầu thì bảo cái đài 
Ra sân thì bảo: ra ngoài cái gươi 
Chộ,tức là thấy mình ơi 
Trụng, là nhúng đấy đừng cười nghe em 
Thích chi thì bảo là: sèm 
Nghe ai bảo:đọi thì mang bát vào 
Cá quả lại gọi: cá tràu 
Vo troốc là bảo: gội đầu đấy em…  
Nghe em giọng Bắc êm êm 
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà 
Răng chưa sang nhởi nhà choa? 
Bà o đã nhốt con ga trong truồng 
Em cười bối rối mà thương 
Thương em một lại trăm đường thương quê 
Gió Lào thổi rạc bờ tre 
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
 Chắt từ đá sỏi đất cằn 
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em
Nên có lời bình :
Trữ tình mà như tự sự. Chuyện một chàng trai xứ Nghệ lập nghiệp ở xứ Bắc và xe duyên, kết tóc với một cô gái ở đàng ngoài.Lần đầu anh đưa vợ về thăm quê và ra mắt bà con, họ hàng. Anh muốn cho vợ khỏi bỡ ngỡ và hòa nhập được nhanh với gia đình,theo anh, trước hết phải hiểu được tiếng địa phương nơi quê anh.Thế là anh cấp tốc trang bị cho vợ một loạt từ địa phương.Anh chỉ chọn những từ mà anh dự đoán là sẽ gặp trong trò chuyện,trong sinh hoạt.Như một đoạn văn từ điển,anh đọc cho vợ nghe, chẳng khác gì học ngoại ngữ.
Kể ra anh ta đón đầu cũng khá.Vừa để vợ hiểu được người ta nói gì,vừa chủ động nói với người khác:“Thích chi thì bảo là:sèm/Nghe ai bảo:đọi thì mang bát vào”.Các tiếng anh trang bị cũng đủ các loại âm:âm ai(đài),ươi(cươi),ô(chộ), ung(trụng),em (sèm),oi (đọi),au (tràu),đến cả âm oôc(troốc) cũng có.
Thế nhưng khi gặp một tình huống bất ngờ:
Răng chưa sang nhởi nhà choa?
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
thì vợ anh đành “bối rối”.Bối rối là phải.Bởi lúc anh bày thì bày từng tiếng một như kiểu tập đặt câu,mỗi câu một tiếng lạ.Nhưng ở đây lại nghe hai câu liên tiếp, mỗi câu có đến những ba tiếng lạ. Chẳng khác gì nghe tiếng nước ngoài.Hơn nữa,sáu tiếng này lại âm khác, không trùng với một âm nào mà anh đã trang bị: Ăng(răng),ơi(nhởi),o(bà o),a(ga),uông(truồng).
Có thể dụng ý hay từ vô thức xuất thần, nhưng cứ qua câu chữ mà phân tích thì thật là lý thú. Tình huống vừa xảy ra chắc ai cũng cười, ngay vợ anh cũng “cười bối rối”.Từ “bối rối”được đặt cạnh từ “cười”tạo thành cụm từ “cười bối rối” là một sáng tạo.“Bối rối”là lúng túng,mất bình tĩnh,không biết xử trí thế nào.Nhưng ở đây,nó không hàm nghĩa mất bình tĩnh nữa và cười là một cách xử trí vừa thông minh,vừa phúc hậu,dễ thương.
Em cười bối rối mà thương
Thương em một,lại trăm đường thương quê
Thấy em bối rối mà anh thêm thương.Nhưng thương em thì một mà thương quê lại trăm nghìn lần.Mạch thơ tự sự bỗng chuyển sang trữ tình sâu lắng.Đang vui, đang cười bỗng chảy nước mắt.Đang nói về thương em, bỗng chuyển sang thương quê.Thương em vì em bối rối khi nghe người quê anh nói mà không hiểu.Nhưng thương quê vì sao quê anh lại được ông trời ban cho tiếng nói ấy.Một thứ tiếng mà“chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.Câu thơ thật hay,cảm nhận đúng và sâu sắc cái giọng nói của quê mình.Giọng nói của vùng đất nhiều núi non sông nước,nhiều đá sỏi đất cằn,nhiều gió Lào mưa bão… Con người ở đây phải gồng mình lên mới sống nổi. Có lần, nhà thơ đã viết về con người xứ Nghệ:“Đã thẳng,thẳng như ruột ngựa/Đã nói là nói oang oang/Ông trời nói sai cũng cãi/Rứa là dân xứ Nghệ”.
Từ Gió Lào thổi rạc bờ tre đến,chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn là một trường liên tưởng đầy hàm nghĩa.Ngôn từ ở đây mang đầy hồn cốt của dân Nghệ:“Thổi rạc”và“Nghe nhọc”. Cứ tiếp xúc với dân lao động ở vùng này thì bắt gặp ngay những từ như rạc người,gầy rạc,nghe nhọc lắm.Rạc là gầy, khô,hốc hác,phờ phạc,xơ xác…
Nhưng ở đời,cái gì cũng có hai mặt của nó: Thiên nhiên khắc nghiệt nên con người phải yêu thương,đùm bọc nhau mới có thể vượt qua được những cơn bão tố:
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em
Từ giọng nói,tiếng nói mà suy tưởng đến một nét thuộc tính cách của người Nghệ là tình thương yêu, chung thủy trong quan hệ giữa người với người.Bài thơ tự cất cánh bay lên một tầm cao của thẩm mỹ.
TIẾNG NGHỆ 2:
Mỗi lần trai xứ Nghệ
Đưa vợ về thăm quê
Từ lúc bước lên xe
Có thêm nghề phiên dịch.
Từng âm thanh chắc nịch.
Chẳng thêm "ngã" bao giờ
Đã thế, còn lắm từ
Không có trong từ điển
Vị mặn mòi gió biển,
Giọt nắng sém đồi nương!
Cùng bão góp mưa dồn
Lắng sâu vào tiếng nói.
Một miền quê nghèo đói,
Lam lũ từ ngày xưa
Câu ví dặm đò đưa
Dội vào lòng man mác.
Bao ngôn từ mộc mạc
Chắt lọc thành thơ văn.
Dân xứ Nghệ đa phần
Sinh ra là thi sĩ!
Chàng lỡ sai đạo lí
Thiếp phân giải tỏ tường,
Càng giận lại càng thương
Mượn lời thơ răn nhắc...
Người trong Nam, ngoài Bắc
Khẽ thốt ra điều gì
Dân xứ Nghệ vừa nghe
Một lần là hiểu hết.
Đồng hương chưa quen biết
Gặp nhau chuyện râm ran,
Dân vùng khác đứng gần
Cứ như người ngoại quốc!
Cùng sống trong một nước,
Tiếng Việt là của chung,
Dân xứ Nghệ khi dùng
Theo cách riêng mới lạ!
Đừng ngạc nhiên gì cả:
Ngoài ngôn ngữ phổ thông
Còn tiếng nói cha ông
Lưu truyền bao thế hệ.
Trên miền quê xứ Nghệ
Giàu mưa nắng, đói nghèo
Được người dân nâng niu
Giữ gìn như báu vật.
Vẫn đậm đà chân chất
Như vị nhút, màu tương
Thành bản sắc quê hương
Phai mờ đâu phải dễ!
Nếu cô dâu, chú rể
Coi xứ Nghệ là quê,
Sau vài chuyến đi về
Không cần người phiên dịch 

Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar

Bài viết rất hay chứa chan đặc sản quê hương : xứ NGHỆ !

Balas
avatar

Anh trở thành nhà bình luận văn rồi đó.

Balas