Tiễn bạn

Tối qua 28/4/2013, tôi vừa tiễn vợ chồng ông bạn Nghiêm Xuân Tỵ ra sân bay Nội Bài, đáp chuyến bay rời Hà Nội lên đường trở lại nước Đức sau hơn một tháng về nghỉ phép tại Hà Nội.  
Khi ông vừa đặt chân đến Hà Nội vài ngày, tôi đã ngỏ ý mời ông cùng đi chuyến du lịch ngắn ngày của chi họ “Qua miền Tây Bắc” từ 18 đến 22/3/2013 vừa rồi. Ông bà hào hứng nhận lời ngay vì ông có quen biết bác Di Chi từ trước, cả mấy vị ở chi họ ta khi qua Đức đã đến thăm nhà và được ông bà vui vẻ đón tiếp tại gia
Mặc dầu cũng đã 73 tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, còn nguyên đó cốt cách của người cán bộ đoàn xưa kia. Ông nhiệt tình cùng các thành viên trong đoàn tham gia chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" tự phát ngay trên ô tô với các bài hát quen thuộc về Tây Bắc, những câu chuyện tiếu lâm và trao đổi kiến thức về sức khỏe.
Sau này những lần đàm luận với tôi, ông cho rằng chuyến đi "Qua miềm tây Tây Bắc, là một kỉ niệm đẹp và có ý nghĩa đối với vợ chồng ông". Câu ông thường nói với tôi “Thế là tốt rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa”. 
Cũng như tôi ông háo hức lên đường là do Sơn La, Điện Biên Phủ nói riêng hay Tây Bắc nói chung là những địa danh lịch sử gắn với những chiến công của quân dân ta thời chống Pháp mà chúng tôi mới chỉ được biết đến qua trang sách học trò.
Ở ông còn lí do nữa là khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979, ông được lệnh lên đường tăng cường biên chế cho tiền phương ở Lai Châu. Nhưng chưa thực thi, chiến tranh đã chấm dứt. Ít năm sau vào năm 1987, ông trở lại CHDC Đức làm đội trưởng LĐHT (trước đó vào những năm đầu 70 ông đã được cử đi học hệ giáo viên dạy nghề tại nước này). Ông bảo lần này muốn đi lên đó xem địa phương ấy ra sao.
Lần về nước này ông nhận thấy Hà Nội giao thông có vẻ khá hơn, ít ùn tắc hơn mấy năm trước. Đúng dịp cả nước đang kỉ niệm 38 năm ngày 30/4/1975, trên đường đi viếng mộ người thân ở Yên Kỳ về, khi ngang qua nghĩa trang Mai Dịch ông và tôi ghé vào dù rằng ông bà chẳng có thân nhân nào nằm đó. Ông bà thắp nén hương trước đài liệt sĩ, bên mộ các vị lãnh đạo đã quá cố với vẻ thành kính của một người dân Việt bình thường sống xa đất nước đã mấy chục năm.   
Buổi trưa trước ngày ông lên đường chúng tôi họp mặt nhớ ngày 30/4/1975, cũng là để chia tay ông bà trở laị nước Đức.     
 
Trước giờ bay ông nhờ tôi chuyển lời chào tới các vị Anh, Di, Ngọc, Tiến…và gửi tặng đĩa video chuyến đi “Qua miền Tây Bắc” cho các thành viên chi họ tham gia đoàn.
 
Vĩnh Thắng
Previous
Next Post »