Thăm nghĩa trang Trường Sơn

Chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào một ngày hè tháng 7, trời nắng nóng. Nơi đây quy tập hài cốt 10.333 anh hùng liệt sĩ trong 10.263 phần mộ các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt, đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước.

Nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975, hoàn thành ngày 10/4/1977, là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam (140.000 met vuông), có kiến trúc, bố cục độc đáo, không giống đa phần nghĩa trang liệt sĩ khác ở Việt Nam. Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Bốn khu đặt mộ liệt sĩ được xếp theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước và một khu dành cho 68 liệt sĩ khuyết danh.

Tôi theo bà xã nhập đoàn cựu học sinh Tổng hợp Minscơ (Liên Xô cũ) những năm (1966-1973). Hầu hết thời gian chiến tranh họ không có mặt ở Việt Nam nay đã là những ông, bà lão trên tuổi 60 lại cùng nhau tới đây kính cẩn tưởng niệm trước anh linh các anh hùng liệt sĩ quên mình để họ được học tập nên người như ngày nay.

Tôi biết ở nước ta hầu như mỗi gia đình đều có những dấu ấn ghi lại thời chiến tranh gian khó ác liệt, không ít các gia đình có con em là liệt sĩ. Chi Cụ Phạm Vĩnh Bảo có ông con trai thứ sáu Phạm Vĩnh Tường, liệt sĩ hy sinh ở chíến trường miền Nam khi ngày hoà bình (1954) chẳng còn bao xa. Hay như gia đình Cụ thông gia Phạm Quang Chúc mà chúng tôi tới thăm hôm nay, cũng là một gia đình liệt sĩ.

Những ngày này đất nước đang sôi sục khi bành trướng Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải biển Đông của Việt Nam. Tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ, là môt dịp để ôn lại những chiến tích vẻ vang mà họ đã cống hiến cho sự tồn tại của đất nước này. Cũng là để nhắc nhở thế hệ con cháu, nói gương cha anh giữ gìn sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ mà cha ông đã để lại.

Phạm Lê

Previous
Next Post »