Khảo sát 'chọn Trung Quốc hay Mỹ': Câu trả lời từ các nước ASEAN

 

Báo Nikkei Asia ngày 2-4 dẫn một khảo sát cho biết hơn một nửa số người Đông Nam Á được hỏi muốn hợp tác với Trung Quốc hơn là với Mỹ.

Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á, trong khi ngày càng cạnh tranh với Mỹ - Ảnh: NIKKEI ASIA

Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á, trong khi ngày càng cạnh tranh với Mỹ - Ảnh: NIKKEI ASIA

Xu hướng mới chọn Trung Quốc

Theo khảo sát Nhà nước Đông Nam Á 2024 do Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) thực hiện và được công bố ngày 2-4, có đến 50,5% số người được hỏi đã chọn hợp tác với Trung Quốc, trong khi 49,5% chọn Mỹ khi trả lời câu hỏi: "ASEAN chọn bên nào?".

Trong số 10 quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), người Malaysia thể hiện rõ nhất khả năng liên kết với Trung Quốc, với tỉ lệ 75,1% người chọn Bắc Kinh. Tiếp sau là người Indonesia với 73,2% và người Lào với 70,6%.

Khảo sát trên, được thực hiện từ ngày 3-1 đến 23-2-2024, thu thập câu trả lời từ 1.994 người.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh vượt qua Washington kể từ khi cuộc khảo sát thường niên bắt đầu vào năm 2020.

Vào năm 2023, khảo sát cho thấy 38,9% số người được hỏi thích Trung Quốc, và 61,1% chọn Mỹ.

Khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak thăm dò ý kiến của các cá nhân thuộc khu vực công và tư nhân, cũng như nhiều học giả và nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á.

Vì vậy, theo báo Nikkei, khảo sát này phản ánh thái độ đang thịnh hành của những cá nhân có thể có tác động đến chính sách và các vấn đề khu vực.

"Có vẻ như đây là sự khởi đầu của một xu hướng... Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự vượt qua Mỹ", Hiệu trưởng Danny Quah của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Theo Nikkei, tất cả các quốc gia trên đều được hưởng lợi từ sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, cũng như có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc.

Năm 2023, Indonesia cũng đã khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trong khu vực, với hợp tác xây dựng từ Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều công ty nhà nước Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Lào. Lào cũng xem Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu ở nước này.

Ở chiều ngược lại, khảo sát cho thấy Mỹ có sự suy giảm về tín nhiệm với tư cách là một siêu cường được ưa thích.

Mỹ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người Philippines tham gia khảo sát, với tỉ lệ là 83,3.

Tuy nhiên, trong câu hỏi liên quan đến chính sách Đông Nam Á của Washington, 38,2% người được hỏi cảm thấy mức độ can dự của Mỹ với Đông Nam Á đã giảm dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, cao hơn mức 25,2% cho rằng mức độ này đã tăng lên.

Tỉ lệ chọn Mỹ (màu xanh) hay Trung Quốc (màu đỏ) của các nước ASEAN - Nguồn: Viện ISEAS-Yusof Ishak

Tỉ lệ chọn Mỹ (màu xanh) hay Trung Quốc (màu đỏ) của các nước ASEAN - Nguồn: Viện ISEAS-Yusof Ishak

Người Đông Nam Á không muốn chọn phe

Khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak cũng cho thấy người Đông Nam Á không muốn chọn theo phe nào.

Theo đó, khi được hỏi ASEAN nên phản ứng thế nào trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ 8% cho rằng khối phải lựa chọn giữa hai bên, vì giữ thái độ trung lập là không thực tế.

Trong khi đó, 46,8% nói khối nên ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu và đoàn kết để chống lại áp lực từ cả phía Mỹ và Trung Quốc.

Khảo sát cũng tiết lộ 59,5% số người được hỏi coi Trung Quốc là thế lực kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, vượt xa Mỹ với tỉ lệ 14,3%.

Trong khi đó, có 43,9% cho rằng Trung Quốc là thế lực chính trị có ảnh hưởng nhất trong khu vực, so với 25,8% của Mỹ.

TheoTuoiTre
Previous
Next Post »