Một bài báo hay

Trong mắt người nước ngoài

Nỗi buồn mang tên môi trường

Ông Wayne Lewis - Ảnh: C.N.

TT - Tôi rất bất ngờ khi thấy có nhiều bạn trẻ VN tham dự buổi tiệc xanh (Green drinks) vừa được tổ chức tại TP.HCM. Điều này chứng tỏ có một bộ phận thanh niên Việt không hề quay lưng lại với việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trước thực tế ô nhiễm môi trường trầm trọng ở VN hiện nay, tôi thấy công sức của những người tham gia bảo vệ môi trường bỏ ra chẳng khác gì “muối bỏ bể”.

Làm việc trong lĩnh vực môi trường, tôi biết doanh nghiệp ở VN tạo ra 40% lượng khí thải cacbon và con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với tác động của quốc gia đến biến đổi khí hậu. Tôi cũng biết rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở VN đang lãng phí 1/6 nguồn năng lượng quốc gia, bằng hàng triệu tấn thải cacbon hằng năm.

Nếu ứng dụng một số biện pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản, các công ty có thể giảm chi phí tiêu thụ điện xuống 20%. Những thói quen không tốt của khối văn phòng như để đồ dùng điện ở chế độ chờ khi không sử dụng, không tắt đèn hay lãng phí giấy đều ảnh hưởng tới môi trường.

Rồi việc dựng “lô cốt” tràn lan ở TP.HCM như hiện nay đã làm nhiều người mệt mỏi và tuyệt vọng trong việc tìm cách cải thiện môi trường. Vì chẳng thể nào đòi hỏi mọi người giữ gìn đường phố sạch sẽ khi bản thân các con đường là một “bãi chiến trường”. Làm sao kêu gọi mọi người nêu cao ý thức bảo vệ môi trường khi cây xanh ngày càng bị đốn trụi, còn đường phố cứ mãi mịt mù trong khói bụi?

Không chỉ ở TP, môi trường ở các vùng quê tại VN đang ngày càng xuống dốc. Mới đây, trong một chuyến đi về vùng sâu vùng xa để tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, tôi chứng kiến một chuyện khá buồn cười. Hôm ấy, khi tới thăm các căn nhà nhỏ ở vùng ven, chúng tôi đã mang theo kẹo bánh cho các trẻ em trong nhà. Thật bất ngờ khi các em sau khi nhận kẹo, đã bóc ra và... vứt thẳng vỏ xuống sàn nhà!

Chứng kiến chuyện này, chúng tôi bị sốc thật sự. Nhưng ngay sau đó, người mẹ của lũ trẻ vội cúi xuống để lượm những chiếc vỏ kẹo đang bay tả tơi trên sàn nhà. Tôi còn nhớ mình đã vỗ đùi cười một cách sung sướng như thế nào khi nhìn thấy việc làm đầy ý nghĩa của người phụ nữ nói trên, nhưng ngay sau đó chị đã làm chúng tôi bị sốc khi mang tất cả vỏ kẹo ra vứt xuống con sông nhỏ bên nhà!

Qua cơn sốc, tìm hiểu thêm tôi được biết ở nông thôn VN không có hố rác để mọi người có thể đem đổ và xử lý rác, nên mọi người quăng rác xuống sông, đổ rác ra đường là chuyện bình thường!

Một điều nữa cũng đáng suy nghĩ là nhiều thanh niên VN rất khát khao cải thiện môi trường quê hương, nhưng họ lại không có một hướng đi cụ thể và không nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền. Những bạn trẻ này thường hoạt động theo kiểu tự phát và không hiệu quả lắm bởi họ còn phải bận tâm về việc học tập và kiếm kế sinh nhai...

WAY LEWIS

Giám đốc điều hành tạp chí môi trường EM -Người Úc

CÔNG NHẬT ghi ( Tuổi trẻ 13/10/2009)

Previous
Next Post »