Lão nông miền Tây nuôi "thủy quái", dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày

 Dân trí) - Bè cá "thủy quái" của ông Bảy Bon hay ao cá lóc bay, cá trê vượt cạn của anh Tâm tại Cồn Sơn (Cần Thơ) thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày.

Đảo Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu là điểm du lịch sinh thái hút khách bậc nhất ở Cần Thơ nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung. Tại đây có hàng chục hộ gia đình cùng nhau làm du lịch cộng đồng và mỗi hộ sáng tạo một sản phẩm riêng biệt. Nhiều nông dân đổi đời kể từ khi phát triển du lịch.

Lão nông Cần Thơ nuôi "thủy quái" 

Từ trung tâm hành chính quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, du khách di chuyển một chuyến đò ngang hay thuyền máy chừng 5-10 phút là tới nhà lồng bè nuôi cá của ông Lý Văn Bon (Bảy Bon).

Ông Bon có trên 30 bè cá lớn nhỏ (khoảng 5.000m2), nuôi đủ loại khác nhau, trong đó có các loại quý hiếm của sông Mê Kông như cá hồng vỹ, cá heo đuôi đỏ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc (cá mú nước ngọt), cá tra dầu, cá tra cờ,... hay các giống cá có ngoại hình bắt mắt, đặc tính độc lạ, phù hợp cho khai thác du lịch như cá mang rỗ (mang rổ, cá pháo cao xạ), cá koi, cá phụng…

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 1

Cá hồng vỹ còn gọi là trê đuôi đỏ vô cùng quý hiếm, được phân bổ nhiều nhất ở lưu vực sông Amazon thuộc Nam Mỹ. Loài này được mệnh danh là "thủy quái" vùng Amazon. Tại bè nhà ông Bon, nhiều con có kích cỡ hơn chục kg. 

Ông Bon sở hữu đàn cá mang rỗ với kỹ năng săn mồi độc lạ. Trong môi trường tự nhiên, khi phát hiện con mồi như dế, nhện, ruồi, muỗi… cá sẽ bắn nước lên, làm con mồi rớt xuống nước để ăn thịt. Khi trưởng thành, cá có thể bắn chính xác trong khoảng cách xa đến 2m, vì vậy nó còn được gọi là cá cung thủ. Du khách tới bè đều thích thú cầm thức ăn để trực tiếp xem cá mang rỗ săn mồi.

Du khách thích thú xem cá mang rỗ săn mồi

Theo ông Bảy Bon, mỗi loại cá có chế độ nuôi và thiết kế lồng bè khác nhau. Ví dụ cá hô nuôi bè hở nhưng phải thiết kế mái che, còn cá leo và cá trà sóc phải nuôi bè kín, che chắn kỹ vì cá rất dễ phóng ra ngoài… 

Một số loài quý hiếm được ông Lý Văn Bon "thuần dưỡng" thành công với số lượng vài ngàn con /chủng loại. Tuy nhiên ông chưa sản xuất thương phẩm mà chỉ phục vụ cho khách tham quan hoặc thưởng thức với số lượng ít.


Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 2

Trước năm 2016, ông Bon sở hữu hàng chục lồng bè cá thát lát đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng xuất bán mỗi năm từ 700 tấn trở lên. Ông còn đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá thát lát như: Ướp muối sả, rút xương, chả cá. 

Từ năm 2016, ông Bon tham gia làm du lịch cộng đồng với các hộ gia đình ở Cồn Sơn. Khách đến tham quan sẽ được ngắm các loài cá quý hiếm, đồng thời trải nghiệm các hoạt động như massage chân bằng cá koi, xem cá mê rỗ bắt mồi,…

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 3

Mức phí tham quan, trải nghiệm bè cá là 30.000 đồng/người. Mỗi ngày, bè cá nhà ông Bon có thể đón hàng trăm lượt khách.

Những năm qua ông Lý Văn Bon đã nhận được nhiều bằng khen từ cấp Trung ương đến địa phương. 

Chủ vườn huấn luyện cá làm xiếc

 Rời bè cá nhà ông Bon, du khách sẽ tiếp tục di chuyển bằng tàu, thuyền tới khu vực sinh sống của bà con Cồn Sơn. Tại đây, du khách đi bộ xuyên qua những vườn trái cây xanh mướt, cánh đồng, ao cá, "vượt" cầu khỉ cheo leo bắc ngang qua con ngạch để tới nhà vườn Thành Tâm.

Anh Nguyễn Thành Tâm (45 tuổi), chủ nhà vườn này đã sáng tạo những hoạt động xiếc cá độc đáo, hút khách như cá lóc bay, cá lóc bú bình hay cá trê vượt cạn. Hiện, vườn nuôi khoảng 60.000 con cá lóc to, nhỏ để luyện xiếc bay, hơn 20.000 cá trê vượt cạn.

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 4

Anh Tâm chia sẻ, trước đây anh là nông dân làm vườn, công việc vất vả, thu nhập thấp. Tới năm 2015, gia đình mới mở cửa đón khách du lịch. Để hút khách, anh bắt đầu huấn luyện cá làm xiếc. Tới nay, nhà vườn này đón tới 1.500 lượt khách/tuần.

Hiện chi phí tham quan vườn là 30.000 đồng/người. "Từ ngày làm du lịch, gia đình tôi khấm khá hơn rất nhiều, đời sống cải thiện", anh Tâm thật thà chia sẻ.

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 5

Cá lóc được nuôi trong các ô riêng biệt, quây bằng lưới. Từ khi cá "bằng chiếc đũa", anh Tâm đã huấn luyện. Loại cá này vốn sống dưới đáy, rất nhát.

Anh dùng chiếc đĩa gõ vào xô đựng thức ăn, tạo những tiếng leng keng để cá chú ý, quen với âm thanh này trước khi thả mồi. Khi cá còn nhỏ, anh Tâm tung thấp rồi từ từ tung cao lên để cá bật nhảy xa hơn. Đàn cá được tập trong 3 tới 4 tháng sẽ có thể bật nhảy lên cao đớp thứcăn, tạo hiệu ứng đẹp mắt

 

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 6

Anh Tâm cho biết, khi cá 13-14 tháng tuổi, kích cỡ quá lớn, không thể bay, anh Tâm sẽ thả về môi trường tự nhiên. Nhiều con trong số này không rời đi mà vẫn sống quanh quẩn ở ngạch nước quanh vườn. Tuy nhiên, khi trở về với môi trường tự nhiên, cá lóc sẽ trở nên khá nhát.

Anh Tâm nghĩ cách cho thức ăn vào bình sữa (loại bình dành cho trẻ sơ sinh, được cắt lỗ nhỏ ở đầu núm) rồi hằng ngày đem ra sàn nước trước nhà cho cá lóc "bú". 

"Ban đầu chỉ một vài con về ăn nhưng sau này cứ nghe tiếng lắc bình sữa, hàng đàn kéo về. Chúng quen dần rồi trở nên dạn người. Lúc đó tôi mới nảy sinh ý tưởng là cho nó "bú bình" để mấy em nhỏ thành phố đến trải nghiệm", anh Tâm cho hay.


Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 8

Sau thành công của cá lóc bay, cá lóc bú bình "vua xiếc cá" miền Tây tiếp tục tung ra sản phẩm mới cá trê vượt cạn. Anh Tâm sẽ tung thức ăn trên tấm ván xốp. Đàn cá thấy thức ăn rơi xuống sẽ lao tới, tranh nhau trèo lên tấm xốp đớp mồi, nước trong ao bắn tung tóe, khiến du khách thích thú.

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 9

Việc rèn cá trê vượt cạn vốn không dễ do cá trê có tập tính sống ở tầng đáy, khá nhút nhát. Ban đầu anh Tâm nuôi 700 con cá trê để thử nghiệm.

Anh phải để cá "quen hơi" bằng cách cho ăn gần bờ. Khi thấy cá dạn dĩ anh mới để thức ăn xa hơn. Theo anh Tâm, để cá trê đủ sức "vượt cạn" cần chọn được con giống tốt. Những con cá khỏe, có chiều dài, đuôi và vây phải đẹp mới đủ sức mạnh vượt lên trên. 

Lão nông miền Tây nuôi thủy quái, dạy xiếc cá, đón trăm khách mỗi ngày - 10

Được biết, những con cá được anh Tâm huấn luyện đều sẽ được anh phóng sinh ở sông Hậu, mục đích bảo tồn nguồn lợi thủy sản chứ không đem bán hoặc giết thịt. "Những đàn cá này đã giúp gia đình tôi đổi đời. Tôi xem chúng như thú cưng, tuyệt đối không giết thịt hay bán", anh Tâm cho hay.

Theo ông Võ Minh Trung, đại diện Victoria Cần Thơ (Tập đoàn du lịch Thiên Minh), bè cá Bảy Bon hay nhà vườn Thành Tâm là điểm dừng chân được du khách đặc biệt yêu thích, dù là khách quốc tế hay khách nội địa bởi tính đa dạng, độc đáo, mới lạ. 

Hiện, du khách có thể tham gia du lịch Cồn Sơn tự túc hoặc đi theo tour. Với chi phí tour khoảng 700.000 đồng/người lớn, du khách được bao trọn tiền tàu, vé tham quan 4 điểm, hướng dẫn viên, phục vụ nước uống.

Khách có thể đặt suất ăn trưa tại đây với giá khoảng 250.000 đồng/khách, thưởng thức các món ngon như lẩu mắm, chả cá thác lác, cá tai tượng hấp lá sen, bánh xèo,... 

TheoDantri







7 đã tặng

2

3

2

Previous
Next Post »