Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, lời tâm sự chỉ riêng với các cháu nhà mình

Có nên tin lời khen?
Các cháu nhà mình là con các bác Thoa, Anh, Di, Nhu, Ngọc, Lan…nay lớp trưởng thành tuổi cao nhất là U.60, mà trung bình thì cũng nằm trong khoảng U.40 đến U.50. Đến nay mỗi người mỗi vẻ đều giỏi giang, “giang sơn một cõi đi về”, đều đã là ông nọ bà kia cả.
Nhưng trong gia đình đã là bậc cháu thì vẫn là cháu, vì thế nhân ngày Thiếu nhi Quốc tế 1.6 năm nay, tôi xin có một lời tâm sự chỉ riêng với các cháu như sau: “Có nên tin lời khen?”.
Thú thật tôi thuộc tuýp người thích được khen, lời khen ngọt ngào lại càng thích hơn, lưu giữ trong bộ nhớ lâu hơn. Đến ngày hôm nay, tính ra cũng đã nhận được có đến cả trăm ngàn lời khen (kể cả những lời khen mà nội dung lần nào cũng giống lần nào).
Hôm nay, xin kể lại mấy lời khen, đại để như sau:
1-Năm 1963, khi vừa mới 18 tuổi vào bộ đội tôi được khen ghê lắm, trẻ trung (đương nhiên rồi), người Hà Nội gốc, biết đánh Ghi ta từng tưng, hát được i ỉ vài bài, cũng làm được một vài bài thơ, viết kịch, văn nghệ quần chúng ….
Lời khen ấy cũng đeo đuổi tôi nhiều năm, hãnh diện lắm cứ như mình là bậc tài hoa ít ai sánh bằng.
Cho tới ngày về hưu mới giật mình nhận ra mấy chục năm qua mình toàn hát theo, chưa bao giờ môt mình hát được trọn đủ một bài, giọng hát thì cứ lên đến quãng tám, nốt cao là tắc tị. Còn đàn ghi ta bác Ngọc chọn mua cho hàng hiệu hẳn hoi, trên 1 triệu lại kèm theo cái bao đàn giả da đâu như 80.000đ. Cánh cơ quan cũ đến thăm nhìn thấy đàn để ở góc phòng, lại thấy tôi cầm đàn đánh vài nốt một bài tủ tửng tưng. Mới chỉ điểm vài nốt thôi, mà chúng đã khiếp quá buông lời khen “bác toàn diện quá”, lại biết chơi cả đàn Ghi ta nữa.
Nhưng nào họ có biết thầy Việt Hùng nhà mình đến hướng dẫn được đúng hai tiết, mỗi tiết 45 phút, chán quá thầy bỏ luôn, vì thấy trò không có triển vọng tương lai. Còn đàn thì lại nguyên chỗ cũ cho bụi phủ rêu phong, lâu lắm rồi chưa "có dịp" sờ đến.
2-Nhớ ngày về hưu sau lời phát biểu cảm tưởng chất chứa đầy nỗi niềm cảm súc của tôi trước giờ nhận sổ hưu, anh em bạn hữu nâng cốc rượu chúc mừng với lời tấm tắc khen mát ruột, mát gan “Trông bác phong độ quá, chỉ mong sao đến lượt bọn em cũng được như bác”.
Mang lời khen ấy ngay ngày hôm đó, hứng trí điểm mặt những người đã chót có lời khen, tôi chiêu đãi hết tới trên triệu đồng tiền quà tặng tại nhà hàng bánh tôm Hồ Tây.
Rồi cũng với lời khen ấy sướng đến cả năm, có cảm giác như mình vẫn còn “Xuân” chán, phóng xe máy ào ào, mắt đảo điên ngang dọc…
Nhưng rồi ít lâu sau phát hiện lâm bệnh, người gầy nhom phải thực hiện chế độ ăn kiêng triệt để.
3-Về hưu được gần năm, trong một ngày trời mưa gió bão bùng anh bạn có trình độ đại học hẳn hoi, làm việc cùng cơ quan đến hơn 10 năm, lại vừa đi nhiệm kì 4 năm ở Nga về, lặn lội đến tận nhà tôi thì thầm “Em được giao làm một dự thảo qui định…khó quá. Anh em bảo chỉ có bác là đủ tầm, vì bác có trình độ lại có kinh nghiệm viết lách…. Hôm nay em khăn gói trước là đến thăm bác, sau là nhờ bác giúp cho em cái “sườn”, chỉ “sườn” thôi bác ạ, em phát triển thêm rồi xin bác duyệt lại cho”.
Chưa khỏi hết nghi ngờ về động cơ chuyến viếng thăm của khách, nghe được lời đường mật bùi tai (hắn nói ý tập thể anh em tin tưởng đấy chứ, đâu phải mình hắn), lại đúng phần mình nắm vững tôi bỏ ra hẳn 3,4 tháng trời miệt mài suy nghĩ.
Rồi cũng hình thành một bản dự thảo hẳn hoi, có đủ cả ba phần mở đầu, nội dung và kết luận chứ không phải chỉ có sườn bài như yêu cầu.
Ngày hoàn thành tôi đưa dự thảo cho cậu ấy một cách vô tư không tính công, trong lòng hớn hở như là hồi mình vẫn còn đi làm nộp bài cho Thủ trưởng để nhận lấy một lời khen ngợi.
Rồi thời gian trôi qua cậu ấy cũng biệt tăm, chẳng có hồi âm. Gần Tết vừa rồi chợt nhớ tới chuyện này, gọi điện hỏi thì được biết bản dự thảo qui định ấy hầu như không phải sửa, được đánh giá cao và đã được cấp trên duyệt ban hành thực hiện từ lâu, cậu ấy nay đã được lên cấp Vụ.
Tất nhiên không phải cậu ấy được như thế chỉ nhờ cái bản qui định ấy, nhưng rõ ràng là vào cái thời điểm nhậy cảm đó, với bản qui định ấy cũng góp phần làm tăng thêm % cho sự đánh giá của cấp trên đối với năng lực của cậu ấy.
4-Hồi còn ở nước ngoài thỉnh thoảng có bậc đàn em tin cậy về trong nước, chỗ tin tưởng tôi hay nhờ ghé qua xem nhà cửa thế nào, có hư hỏng gì không. Nhưng thật lòng cũng có ẩn ý là muốn được nghe lời khen nhà mình cho sướng.
Quả thật lần nào sang cậu ấy cũng một lời nhà bác đẹp đấy, lại ở vào vị trí đắc địa gần hồ, không khí trong lành như khu an dưỡng, bọn em đang phấn đấu.
Nghe thế mà lòng phơi phới, thế mới bõ công tìm kiếm, xứng “đồng tiền bát gạo” bỏ ra.
Năm 2005 về nước hẳn, một hôm rỗi rãi đến thăm nhà bậc đàn em xem sao. Chưa kịp định vị đã tá hỏa, giật mình họ có cả một Vila trên 500 mét vuông sừng sững ga ra ô tô, sân vườn, bể bơi, ao cá, phòng tập thể hình, mát sa, studio…nhà cửa đẹp đẽ, khang trang, hiện đại hơn nhà mình đến “mấy chục chương”.
Còn nhiều lời khen nữa, nhưng thôi chẳng kể ra đây làm gì.
Bây giờ những lúc rỗi rãi lẩn thẩn ngồi nghĩ lại mới hay, chỉ vì tin vào mấy lời khen ấy mà suốt mấy chục năm qua tôi đâm yên vị, ung dung tự tin ở mình mặc cho sự đời xoay vần, trôi chảy. Vì thế đến bây giờ cái gì mình cũng chỉ ở mức thường thường bậc trung. Nghĩ đi, nghĩ lại thì thấy thế cũng phải thôi, tự mình mà ra thế, chẳng có gì oán trách.
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, tôi chỉ có đôi lời tâm sự đơn giản với các cháu nhà mình như thế.
Có nên tin lời khen không nhỉ?.

Phạm Vĩnh Thắng


Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Chu Thang a,
Chau lai thay nhu chu lai la hay, thuong thuong bac trung la muc dich tui chau dang co gang. Chu khong nen buon. Suc khoe va hanh phuc moi la nhung dieu quan trong bay gio chu a. Chu co giu sk nhe. Chuc chu vui va viet nhieu bai vui.
Chau Hoa

Balas