Gần một thế kỷ trước, với máy ảnh trên tay và đam mê khám phá trong tim, Sofia Yablonska - nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia kiêm quay phim chuyên về du lịch khắp thế giới người Ukraine đã đến sống tại Việt Nam và ghi lại những tư liệu quý trong suốt 10 năm.
55 tư liệu, phim và hình ảnh về Việt Nam trong di sản của nữ "blogger du lịch" quốc tế đặc biệt này đang được trưng bày tại triển lãm ảnh Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ.
Triển lãm trưng bày đến ngày 11-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, do Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ukraine - Việt Nam.
Ngược về quá khứ cùng nữ "blogger du lịch" Ukraine can đảm
Đến với triển lãm, công chúng sẽ được ngược dòng tìm về quá khứ, khám phá những phong cảnh, nếp sống và con người Việt Nam giai đoạn 1930 - 1940 qua lăng kính và những dòng văn đầy cảm xúc của Sofia Yablonska.
Người xem có dịp theo chân nữ tác giả đi khắp Việt Nam, từ vùng núi cao phía Bắc đến Vịnh Hạ Long, từ đời sống các dân tộc miền núi đến ngư dân miền biển, từ "Hà Nội bâng khuâng" đến những cung điện Huế huy hoàng và vẻ đẹp bao la của dòng Mekong…
Sự đa dạng văn hóa các dân tộc cũng được Sofia ghi lại qua vẻ đẹp của phụ nữ Thái, Mông, Dao Tiền... và người Hà Nội xưa.
Ống kính của bà ghi lại cả những danh lam thắng cảnh lẫn đời sống giản dị thường ngày của người dân Việt Nam, nơi chiếm vị trí đặc biệt trong hành trình khám phá thế giới của bà.
Sofia Yablonska (1907-1971) là nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim chuyên về du lịch người Ukraine. Bà sinh tại làng Hermaniv vùng Lviv. Năm 1927, bà khám phá Paris khi mới 20 tuổi.
Chuyến đi thành công, Sofia ký hợp đồng với một hãng phim Pháp và bắt đầu phiêu lưu quay phim tài liệu về các dân tộc khắp những vùng đất mới, từ Morocco, Ai Cập, Djibouti, Sri Lanka, Tahiti, Úc, New Zealand, Trung Quốc… và Việt Nam.
Bà cùng chồng người Pháp Jean Oudin đã chọn Việt Nam làm nơi thường trú suốt 10 năm, tự thiết kế hai dinh thự ở Bà Nà và Đà Lạt. Tại đây, Yablonska đã sinh con trai thứ hai của mình.
Bà thích dành thời gian ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, hòa mình vào văn hóa và phong tục địa phương, nơi gợi bà nhớ về dãy núi Carpathian thân yêu ở quê nhà.
Với sự cởi mở, chân tình, Sofia đã chụp được nhiều khoảnh khắc trước đây chưa ai từng chụp về cuộc sống người bản địa.
Bên cạnh tư liệu phim và ảnh đen trắng, chiều sâu cảm xúc của tác giả với đất và người Việt Nam cũng được chia sẻ qua những dòng trích từ cuốn nhật ký Phương trời xa xôi.
Dưới ngòi bút của Sofia, Việt Nam hiện ra đầy lôi cuốn như một xử sở diệu kỳ.
Bà viết: "Một vùng đất lạ! Có quá nhiều vẻ đẹp không thể tiếp cận! Những khu rừng vĩnh cửu, huyền diệu, bí mật ở đây, chúng được bảo vệ bởi những con thú hoang... Và vùng biển trong xanh, tuyệt vời đó cũng bị cấm đối với con người...".
Hay một đoạn trích khác bà viết về Hà Nội: "Quay lại Hà Nội (từ Vân Nam), tôi bắt gặp "mùa đông trọn vẹn", tức là mùa mưa. Bột mịn rơi xuống từ bầu trời xám xịt treo lơ lửng trên đầu.
Mưa rơi trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng. Trên những con đường trong thành phố, giữa làn sương mù dày đặc, người ta lướt qua nhau như những linh hồn...
Trên cánh đồng, những người bản địa đội nón và gieo hạt trong nước ngập đến đầu gối (họ không bao giờ bỏ nón vì nón che mưa, che nắng, thậm chí cả mặt trăng)".
Một dịp để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam - Ukraine
Theo ông Gaman Oleksandr - đại sứ Ukraine tại Việt Nam, Sofia Yablonska không chỉ là một du khách đam mê khám phá những vùng đất mới, mà còn truyền cảm hứng về tinh thần dám dấn thân đi khắp thế giới khi còn rất trẻ.
"Tôi phải thừa nhận, làm một blogger du lịch thời đó khá là thử thách. Những bức ảnh của Sofia giống như những cánh cửa sổ nhìn vào quá khứ, mang đến cái nhìn thoáng về lịch sử, văn hóa và truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh việc là nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà báo, người mẫu và đạo diễn phim tài liệu tài năng, Sofia còn đặc biệt quan tâm đến tiếng nói của nữ giới.
Bà là người tiên phong xây dựng mô hình hành vi mới cho phái nữ, khuyến khích họ dám ước mơ và hành động.
Tôi vô cùng xúc động khi được giới thiệu hành trình đáng chú ý của một phụ nữ Ukraine can đảm và nổi tiếng với công chúng tại TP.HCM" - ông Gaman Oleksandr chia sẻ.
Còn theo họa sĩ Trần Thanh Bình - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, qua trái tim người thám hiểm và đôi mắt người nghệ sĩ, Sofia gợi lên hình ảnh Việt Nam bình dị mà sâu lắng.
Ảnh của bà là tư liệu lịch sử quý, cũng là tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn thời gian.
Triển lãm không chỉ mang đến cơ hội tiếp cận quá khứ qua góc nhìn của một nghệ sĩ phương Tây tinh tế, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử văn hóa của Việt Nam và Ukraine.
0 Komentar