Châu Âu nóng lên nhanh gấp đôi so với toàn cầu

 Nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ ở châu Âu đã tăng 0,5℃ mỗi thập kỷ kể từ năm 1991, nhanh hơn bất kỳ lục địa nào trên Trái Đất.

Dữ liệu trên được công bố vào hôm 2/11 trong một báo cáo chung từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc và Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU).

"Châu Âu thể hiện một bức tranh trực tiếp về một thế giới đang nóng lên và nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những xã hội được chuẩn bị tốt cũng không an toàn trước tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt", người đứng đầu WMO Petteri Taalas nhấn mạnh.

Trong vài năm gần đây, khu vực châu Âu đã trải qua nhiệt độ kỷ lục và trở thành một "điểm nóng" tăng nhiệt. Hệ quả là các sông băng ở dãy Alpine đã mất tới 30 m độ dày, trong khi lớp băng ở Greenland tan chảy nhanh chóng, góp phần đẩy nhanh mực nước biển dâng.

WMO chia thế giới thành 6 khu vực, với khu vực châu Âu không phải là một lục địa theo đúng nghĩa vì bao gồm cả một nửa Bắc Cực. Trong khi đó ở Nam Cực, một lục địa nhưng nằm ngoài 6 khu vực do WMO xác định, chỉ có phần phía tây của bán đảo Nam Cực đang chứng kiến hiện tượng ấm lên nhanh chóng.

Người dân đi qua một biển báo 46℃ tại Bilbao, Tây Ban Nha ngày 17/6/2022. Ảnh: Reuters

Người dân đi qua một biển báo 46℃ tại Bilbao, Tây Ban Nha ngày 17/6/2022. Ảnh: Reuters

Báo cáo cho biết châu Âu đã nóng lên nhanh hơn gấp hai lần so với mức trung bình toàn cầu trong ba thập kỷ qua và cảnh báo nhiệt độ có thể sẽ tiếp tục tăng trên khắp khu vực với tốc độ luôn cao hơn mức thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy vào năm ngoái, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã khiến hàng trăm người chết, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn nửa triệu người và gây thiệt hại kinh tế trên toàn châu Âu vượt quá 50 tỷ USD.

"Năm nay, giống như năm 2021, phần lớn châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng và hạn hán trên diện rộng, gây ra cháy rừng", Taalas nói. Trong tương lai, bất kể kịch bản phát thải khí nhà kính như thế nào, "tần suất và cường độ của các hiện tượng cực đoan được dự báo sẽ tiếp tục tăng".

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu bật một số mặt tích cực, bao gồm thành công của nhiều nước châu Âu trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trên toàn EU, lượng khí thải đã giảm gần 1/3 từ năm 1990 đến năm 2020. Liên minh đặt mục tiêu giảm 55% phát thải ròng vào năm 2030.

"Xã hội châu Âu dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhưng châu Âu cũng đi đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm chống biến đổi khí hậu và phát triển các giải pháp sáng tạo để thích ứng với khí hậu mới", Carlo Buontempo, người đứng đầu Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn (ECMWF) của Copernicus, cho biết.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Previous
Next Post »