HỌ PHẠM KHÔNG CÓ AI LÀM VUA

 


HỌ PHẠM KHÔNG CÓ AI LÀM VUA

Họ Phạm của lão, tính từ nam ra bắc, từ bắc vào nam, từ đông sang tây và ngược lại, chưa có một triều đại nào mà người đứng đầu một quốc gia, một triều đại lại là người mang họ Phạm.
Theo một minh văn khắc trên một cái chuông đồng được đúc vào năm Mậu Dần Trinh Nguyên thứ 14, tức là vào năm 798, thì trong số 32 dòng họ từ Trung quốc du nhập vào Việt Nam trước đó, đều không thấy có họ Phạm.
Ấy thế nhưng ngay từ năm 542 đã xuất hiện một danh tướng họ Phạm là ngài PHẠM TU, ngày nay, người này được coi là thủy tổ của họ Phạm nước Việt. Chẳng là năm 542 nhà Lương ở phương Bắc sai Tôn Quỳnh và Lư Tử Hùng đem quân sang đánh nước Vạn Xuân của vua Lý Bí. Đến tháng Tư năm 543 thì vua sai tướng Phạm Tu đi đánh tan quân Lương ở Cửu Đức.
Qua các triều đại về sau, chắc cũng có thêm các vị tướng xuất thân từ họ Phạm, song thôi, lão điểm thêm một vị tướng khác là Phạm Ngũ Lão - là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.
Nói thêm một chút, lớp người xưa của họ Phạm làng lão, thuộc thế hệ Nho giáo, cũng có nghĩa theo cách đào tạo của Khổng Tử - không làm quan được thì làm thầy đồ. Điều đó có thể giải thích, tại sao bốn người anh em ruột của ông nội lão, đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân thời phong kiến thì chỉ có một người làm quan còn lại là làm thầy đồ hay thầy lang.
Đến lịch sử cận đại, thì có cụ Phạm Văn Đồng, tuy có công lớn cùng với Nguyễn Ái Quốc làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng cũng chỉ đảm nhận chức tể tướng (Thủ tướng). Và, thật là vinh dự, người bay vào vũ trụ năm xưa là một sĩ quan mang họ Phạm – Phạm Tuân.
Đây là thời đại của chúng ta, vì thế chúng ta có thể kể tên hàng loạt những người mang họ Phạm giúp sức cho chính quyền cách mạng. Song có lẽ chức vụ cao nhất cũng chưa thể vượt qua chức tể tướng, mà chỉ là thượng thư hoặc thấp hơn nữa. Nhưng, có một điều, rằng hầu hết những người thuộc họ Phạm đều là những người hết mực trung thành với chế độ mà mình phục vụ trong đó. Thời còn các triều đại phong kiến thì phò vua; chuyển sang chế độ dân chủ cộng hòa thì phò đảng lãnh đạo.
Những người thuộc họ Phạm sống trong làng của lão vừa mới hoàn thành việc trùng tu nâng cấp nhà thờ họ. Người cao tuổi nhất còn lại trong họ là ông anh ruột của lão, được Hội đồng gia tộc triệu về để cắt băng khánh thành. Ông anh của lão vừa cao niên lại vừa cao chức nhất trong họ, nhưng cũng chỉ tương đương chức thượng thư ngày xưa, không hơn.
Đến lượt lão, có lẽ không có gì để có thể tự hào mình là người họ Phạm, vì khi còn là công chức nhà nước, lão cũng chỉ ngang chức “thư lại” ngày xưa. Để lão nói cho các bạn trẻ biết “thư lại” là gì nhé, đó là “viên chức thấp nhất trong một cơ quan bộ, tự, viện, ty hoặc tỉnh, phủ, v.v tại các triều đình xưa”.
Cứ chiếu theo lịch sử từ thời lập quốc đến nay, nước Việt ta chưa có triều đại vua nào xuất thân từ họ Phạm, cái số phận của chúng ta nó thế, nên anh em họ Phạm mình cứ yên tâm mà đem sức ra mà đóng góp tốt nhất cho triều đại mới ngày nay, chả việc gì phải bon chen, nhỉ!
Để kết thúc bài viết, lão xin cụ Nguyễn Du cho phép lão trích hai câu trong “Kiều” của cụ:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh./.
Hình trong bài: Biểu trưng của họ Phạm.
Ngày 21/03/2024
Ngã Thị Dã
Previous
Next Post »