Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi

 

Hậu duệ đời thứ 5 cựu hoàng Hàm Nghi - TS. Amandine Dabat (quốc tịch Pháp) trở về Cố đô Huế dịp Tết Nguyên đán Quý Mão như sự gắn kết ý nghĩa, trong không khí của đoàn tụ, hội ngộ.

Ngày về ý nghĩa của người hậu duệ 5 đời

Bước chân Amandine Dabat chậm rãi trong không gian cổ kính của Thế Miếu - bên trong Hoàng cung Huế. Cô đến từng gian thờ những vị vua để dâng hương, khấn nguyện.

Mọi người ai cũng xúc động khi chứng kiến một hậu duệ nhiều đời, dù màu da, giọng nói đã khác nhưng luôn hướng về cội nguồn, tổ tiên nơi đất Việt.

Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi - 1

TS. Amandine Dabat (áo dài đỏ) ngày về Huế, dự ra mắt không gian triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (Ảnh: An Thường).

Lần trở về này là lần thứ 5 của Amandine Dabat. Cô kể, lần đầu tiên cô đặt chân về Việt Nam vào năm 2011, khi đó cô bị sốc văn hóa bởi mọi thứ rất khác ở Pháp.

"Tuy nhiên dần dần sau 2 năm ở lại Việt Nam để nghiên cứu tôi cảm thấy một tình cảm rất gắn bó. Do vậy sau đó mỗi khi đến rồi lại rời Việt Nam để trở về Pháp, tôi cảm thấy buồn. Những tháng ngày ở Việt Nam, tôi thấy mình như một người ở đây", Amandine Dabat trải lòng.

Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi - 2

Sự trở về của Amandine Dabat như sợi dây gắn kết với cội nguồn, tổ tiên. Trong ảnh, Amandine Dabat (áo xanh) đến thăm lăng Hoàng đế Gia Long vào ngày đầu năm 2023 (Ảnh: An Thường).

Phần nhiều thời gian Amandine Dabat về Việt Nam trước đó để điền dã, tìm hiểu tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi và sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2015 tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia (Paris) với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: "Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger" (Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger).

Lịch trình trong chuyến trở về Cố đô Huế này của Amandine Dabat kín mít. Cô chia sẻ với mọi người quan tâm việc nghiên cứu của mình về vua Hàm Nghi, tặng kỷ vật, dự triển lãm về vua Hàm Nghi, trò chuyện với sinh viên.

Tất nhiên, cô dành phần thời gian nhất định để dâng hương, thăm nơi thờ phụng các vị vua triều Nguyễn và ra tận Thành Tân Sở (Quảng Trị) - nơi vua Hàm Nghi từng ban chiếu Cần Vương.

Đặc biệt hơn khi thời điểm cô trở về Huế trùng với ngày giỗ hai vị vua Gia Long và Hàm Nghi.

Điểm nhấn của lần trở về ý nghĩa này, Amandine Dabat làm "cầu nối" hồi hương tác phẩm hội họa gốc của vị vua nghệ sĩ Hàm Nghi. Đó là tác phẩm "Hồ trên dãy núi Alpes", được vua Hàm Nghi vẽ vào khoảng vào năm 1900-1903 bằng chất liệu sơn dầu trên vải với kích thước 40,5x27,5cm.

Tác phẩm được một nhà sưu tập ở Pháp đề nghị giấu tên tặng lại cho Trung tâm Bảo tàng di tích Cố đô Huế. Bức tranh vẽ khung cảnh bình yên, thơ mộng với bãi cỏ mềm mại, cạnh đó có hồ nước và xa xa là ngọn núi nhỏ đã hớp hồn người xem.

Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi - 3

Một góc không gian trưng bày tác phẩm hội họa gốc của vua Hàm Nghi được một người giấu tên ở Pháp tặng cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Ảnh: An Thường).

Ngoài ra, nhiều tác phẩm bản sao khác của vua Hàm Nghi bao gồm tranh, tượng được vua sáng tác khi bị lưu đày ở Algers được Amandine Dabat đưa về giới thiệu trong đợt này. Cũng giống như tác phẩm gốc, những tác phẩm bản sao hầu hết vẽ về đề tài phong cảnh, chất chứa một điều gì đó như cô đơn, gần như không có sự xuất hiện của con người.

Cá nhân cô cũng tặng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chiếc ống điếu của vua Hàm Nghi. Chiếc điếu là vật dụng được vua Hàm Nghi đem theo từ Việt Nam sang Algers và được ông sử dụng thường ngày. Trên chiếc ống điếu còn có bài thơ bằng chữ Hán tinh xảo được khảm ốc xà cừ.

Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi - 4

Chiếc ống điếu của vua Hàm Nghi thuộc sở hữu của Amandine Dabat đã được cô tặng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Ảnh: An Thường).

Amandine Dabat cho biết chiếc ống điếu này được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Về sau, trong quá trình cô làm tiến sĩ về vị tiền nhân của mình, gia đình đã tặng lại cô. "Tôi rất vui khi tặng lại chiếc ống điều này cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế", Amandine Dabat chia sẻ.

Để mọi người có cái nhìn trọn vẹn hơn về vua Hàm Nghi

Trước khi có chuyến trở về này, Amandine Dabat cũng đã tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của vị tiên đế ngay trên đất Pháp.

Triển lãm có tên gọi  "Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, ông hoàng An Nam (1871-1944)" diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (TP. Nice, Pháp) với khoảng 150 tranh, ảnh, hiện vật của vua Hàm Nghi. Đó là triển lãm đầu tiên được tổ chức kể từ ngày vua Hàm Nghi qua đời.

Amandine Dabat bày tỏ mong muốn giới thiệu tới công chúng, kể cả người Pháp và Việt Nam, một cái nhìn khá trọn vẹn về cuộc đời vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày, vị vua mang tâm hồn của một nghệ sĩ, một nhà điêu khắc.

Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi - 5

TS. Amandine Dabat mong muốn giới thiệu tới công chúng một cái nhìn khá trọn vẹn về cuộc đời vua Hàm Nghi (Ảnh: An Thường).

Sợi dây kết nối vô hình giữa một hậu duệ với tiên đế của mình dường như đã thôi thúc cô nhiều lần đi về Việt Nam, không chỉ nghiên cứu mà như tìm về cội nguồn của chính mình.

Những thông tin Amandine Dabat công bố với công chúng không chỉ là những thông tin mang giá trị lịch sử quan trọng, đó cũng là cách cô đang đi tìm những góc khuất bí ẩn về vị tiên đế, về một nhân vật lịch sử của Việt Nam.

Amandine Dabat nói rằng đó là cơ duyên và cô xem đó cũng như là sứ mệnh mà bản thân theo đuổi.

Hơn 10 năm dày công nghiên cứu về chính tiền nhân của mình, trong đó tập trung vào khía cạnh sáng tác nghệ thuật của vua Hàm Nghi, Amandine Dabat nhận định, những bức tranh đầu tiên được ông vẽ vào năm 1899, tức sau một năm khi bị lưu đày sang Algeria.

Nhận biết được điều này, chính quyền Pháp cử Marius Reynaud - họa sĩ Pháp sống ở Algeria đến "khai hóa văn minh" Pháp bằng cách dạy vẽ cho ông. Từ năm 1899, trong những chuyến du lịch hai năm một lần đến Pháp, vua Hàm Nghi học điêu khắc với nhà điêu khắc vĩ đại August Rodin (1840-1917).

Đa số những tranh vua Hàm Nghi sáng tác chủ yếu là phong cảnh của Pháp và Algeria. Nếu quan sát kỹ, có thể thấy rõ những bức phong cảnh ấy luôn chất chứa nỗi niềm ưu tư, muộn sầu.

Ngày về Cố đô Huế của hậu duệ vua Hàm Nghi - 6

Tác phẩm "Hồ trên dãy núi Alpes", của họa sĩ - vua Hàm Nghi vẽ vào khoảng vào năm 1900-1903 được hồi hương (Ảnh: An Thường).

Amandine Dabat phỏng đoán, vua Hàm Nghi sáng tác trên dưới 1.000 tác phẩm, thế nhưng vì nhiều lý do nên số tác phẩm còn hiện lại hiện nay chừng 100. Phần nhiều các tác phẩm còn hiện nay từng được vua tặng cho người thân, bạn bè. "Tôi sẽ tiếp tục công việc đi tìm những tác phẩm còn lại để có cái nhìn tổng quan hơn về di sản nghệ thuật mà ông để lại cho hậu thế", Amandine Dabat khẳng định.

KTS. Hoàng Việt Trung - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết việc tác phẩm gốc của vua Hàm Nghi hồi hương, cũng như ống điếu mà cô Amandine Dabat hiến tặng, góp phần giúp công chúng tại Việt Nam hiểu rõ hơn về cuộc đời và nghệ thuật của vị vua yêu nước Hàm Nghi.

Trước đó, vào tháng 8/2022, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã sang Pháp, đến các bảo tàng, làm việc với nhiều cơ quan sở tại để tìm kiếm các tư liệu lịch sử liên quan đến triều Nguyễn nói chung và vua Hàm Nghi nói riêng. Đoàn rất may mắn khi được làm việc với TS. Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

 "Ngoài những hiện vật được đưa về lần này, đơn vị đang tiếp tục có trao đổi hợp tác chặt chẽ với TS. Amandine Dabat để chia sẻ và tiếp nhận lưu trữ nhiều dữ liệu gốc, dữ liệu điện tử quan trọng liên quan đến vua Hàm Nghi và một số nội dung hợp tác có ý nghĩa đặc biệt trong thời gian tới", ông Trung cho hay.

Trước ngày rời Việt Nam trở về Pháp, Amandine Dabat thông tin thêm, công trình nghiên cứu của mình về vua Hàm Nghi đang được một chuyên gia dịch sang tiếng Việt. Dự kiến sẽ công bố đến công chúng Việt Nam một vài tháng tới sẽ giúp độc giả hiểu hơn về chân dung vua Hàm Nghi trong thời kỳ lưu vong.

Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch và là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.

Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì vua Hàm Nghi bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô xứ Algerie). Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884 - 1974), con gái của chánh án tòa thượng phẩm tại Algiers. Hai người có với nhau 3 người con gồm công chúa Như Mai (1905 - 1999), công chúa Như Lý (1908 - 2005) và hoàng tử Minh Đức (1910 - 1990). Vua Hàm Nghi qua đời năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.

Trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã được học vẽ và điêu khắc. Vua để lại rất nhiều tác phẩm chủ yếu vẽ bằng màu nước và sơn dầu, mô tả thiên nhiên, cảnh vật, còn các tác phẩm điêu khắc thường là chân dung các nhân vật, được làm bằng các chất liệu đồng, gỗ và thạch cao. Trong đó có bức tranh nổi tiếng "Chiều tà" được bác sĩ người Pháp gốc Việt là Gérard Chapuis đấu giá thành công với mức phí hơn 8.800 Euro.


TheoDantri

Previous
Next Post »