Cựu binh Mỹ trả nhật ký: "Tôi như trút được nỗi dằn vặt suốt 50 năm"

 

 


Cựu binh Mỹ trả nhật ký: "Tôi như trút được nỗi dằn vặt suốt 50 năm"

Cựu binh Mỹ khát khao trao trả tận tay cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, khép lại quá khứ và những trăn trở suốt hơn nửa thế kỷ về một giai đoạn biến động của cuộc đời mình. 

Sau nhiều nỗ lực kết nối, nhóm PV Dân trí ngày 8/2 đã liên lạc được với cựu binh Peter Mathews, 77 tuổi, hiện sống tại bang New Jersey (Mỹ) để tìm hiểu về hành trình gần 56 năm lưu giữ cuốn nhật ký chiến tranh của người lính Việt Nam.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Peter nhiều lần xúc động, dành lời cảm ơn tới cơ quan chức năng và người dân Việt Nam trong nỗ lực xác minh nhân thân liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Ông hy vọng cuốn nhật ký sớm tìm về với gia đình người lính, khép lại quá khứ và những trăn trở suốt bao năm qua về một giai đoạn biến động của cuộc đời mình. 

Sáng 8/2, báo Dân trí phỏng vấn cựu binh Mỹ Peter Mathews về hành trình lưu giữ cuốn nhật ký của người lính Việt. (Video: Minh Hoàng).


Vết hằn chiến tranh

Xin ông chia sẻ những ký ức về thời gian tham chiến tại Việt Nam? Sau khi kết thúc nghĩa vụ, ông đã từng trở lại Việt Nam chưa?

- Tôi sinh ra tại Hà Lan và di cư sang Mỹ năm 1963. Tôi nhập ngũ theo diện nghĩa vụ quân sự vào năm 1966, khi còn cách thời hạn nhận thẻ xanh vài tháng và sau đó được triển khai đến chiến trường Việt Nam.

Tôi được huấn luyện làm xạ thủ súng máy, sau khi đến Việt Nam được biên chế vào một đơn vị yểm trợ đường không cơ động thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ.

Tôi đã từng tham chiến ở An Khê và Pleiku (cùng thuộc tỉnh Gia Lai), cũng như thực hiện một số nhiệm vụ tại Lào và Campuchia.

Kết thúc thời hạn nghĩa vụ vào tháng 12/1967, tôi trở về Mỹ, vài tháng sau được nhập tịch. Từ đó đến nay, tôi chưa từng có cơ hội trở lại Việt Nam.



Những bức ảnh ông Peter Mathews đăng tải trên website tìm kiếm chủ nhân cuốn nhật ký. (Ảnh: Peter Mathews).

Sau khi rời Việt Nam, cuộc sống của ông ra sao?

- Về nước sau tham chiến tại Việt Nam, tôi phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý suốt một thời gian dài. Tôi từng uống rượu để cố quên đi những ký ức không mấy tốt đẹp của chiến tranh.

Tôi kết hôn, nhưng những ảnh hưởng của chiến tranh và rượu đã khiến cuộc hôn nhân này tan vỡ sau chỉ sau 5 - 6 năm.

Sau đó, tôi quyết định làm lại cuộc đời và mở một công ty xây dựng nhỏ. Tôi gặp người vợ hiện tại của mình và chúng tôi đã ở bên nhau 45 năm. Bà ấy đã hỗ trợ và giúp tôi xoay chuyển cuộc đời theo hướng tích cực hơn. Chúng tôi đã có 4 người con và 7 người cháu.

Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện về cuốn nhật ký lên mạng xã hội, các con đã rất hạnh phúc vì cuối cùng họ đã biết được về một phần quá khứ mà cha mình từng không muốn chia sẻ.

Ông Peter Mathews trong buổi trò chuyện với Báo điện tử Dân trí sáng 8/2. (Ảnh: Minh Hoàng).

"Tôi choáng ngợp trước cuốn nhật ký"

Ông nhặt được cuốn nhật ký của người lính Việt Nam trong hoàn cảnh nào? Khi lật giở từng trang viết, cảm xúc của ông ra sao?

- Tháng 11/1967, đơn vị của tôi nhận lệnh yểm trợ cho lực lượng Mỹ tham chiến tại Đắk Tô. Tôi đã ở đó trong 5 - 6 ngày. Nhiều trận giao tranh khốc liệt đã diễn ra.

Sau khi tình hình tạm lắng xuống, tôi nhận lệnh ra khu vực cao điểm Đồi 724 để kiểm tra thương vong và tìm kiếm những vũ khí hoặc hiện vật có giá trị quân sự mà người lính Việt Nam bỏ lại.

Cựu binh Mỹ bên cuốn nhật ký của người lính Việt. (Ảnh: Northjersey.com).

Tôi tìm thấy 4 - 5 chiếc ba lô bị bỏ lại. Tuy nhiên, không có thi thể nào được nhìn thấy tại vị trí phát hiện ra những chiếc ba lô này. Vì vậy, tôi không biết được rằng liệu chủ nhân của chúng còn sống hay đã chết.

Sau khi mở chúng ra, tôi đã tìm thấy một cuốn sổ mà bên trong là những ghi chép của một người lính Việt Nam.

Theo quy định, tôi sẽ phải nộp lại tất cả tài liệu chứa dữ liệu quân sự cho cấp trên, nhưng khi mở cuốn sổ, tôi nhận ra rằng nó không chứa đựng những thông tin như vậy. Tôi quyết định giữ cuốn nhật ký và nó đã ở bên tôi hơn nửa thế kỷ. 

Ngày tôi nhặt được cuốn nhật ký là 11/11/1967, 30 ngày trước khi nhiệm vụ của tôi ở Việt Nam hoàn tất. Phần lớn binh sĩ Mỹ tham chiến tại Việt Nam chỉ ở đây trong vòng một năm. Tôi rời Việt Nam vào tháng 12/1967 và tính đến nay, tôi đã giữ cuốn nhật ký được gần 55 năm 3 tháng.

Cảm xúc đầu tiên của tôi khi nhặt được cuốn nhật ký là choáng ngợp. Tôi hiểu được rằng chủ nhân của cuốn nhật ký này là một con người tài năng. Tôi cho rằng đây không hẳn chỉ là một cuốn sổ ghi chép thông thường, mà nó nên được gọi là một "tác phẩm nghệ thuật" với rất nhiều hình vẽ và bài thơ tuyệt đẹp.

Tôi tự nhủ người lính này đã chiến đấu đến cùng vì lý tưởng của mình. Nếu chiến tranh không xảy ra, anh ấy có lẽ đã trở thành một họa sĩ hoặc nhà văn tài năng.

Cảm xúc của ông như thế nào khi giữ một món đồ đặc biệt như vậy hơn nửa thế kỷ? Điều gì đã thôi thúc ông trao trả cuốn nhật ký cho người lính Việt Nam?

- Tôi từng cảm thấy dằn vặt vì đã giữ cuốn nhật ký trong thời gian lâu như vậy. Tôi hiểu điều đó không công bằng với cha mẹ và gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất - những người luôn muốn nhận lại kỷ vật từ người thân của mình.

Tuy nhiên, sau khi trở về từ Việt Nam, tôi đã bỏ tất cả kỷ vật từ đất nước này vào một chiếc hộp và cố quên nó đi. Tôi muốn chôn chặt những ký ức tại đây và không muốn nhớ lại.

Khi tôi mở lại chiếc hộp kỷ niệm, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn: Tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những bức tranh, những dòng chữ chép tay của người lính Việt Nam.

Tôi tự nhủ với bản thân mình rằng: "Chúa ơi, phải có cách nào đó để tìm được chủ nhân của cuốn nhật ký này". Anh ấy đã tạo ra một "tuyệt phẩm" và tôi muốn toàn thế giới được chiêm ngưỡng nó.

Cách đây hơn một năm, tôi gặp một khách hàng - người đã nhận nuôi 2 người con gốc Việt và đã đến thăm đất nước này nhiều lần. Tôi mang cuốn nhật ký đến nhà vị khách, nhờ chuyển ngữ một số trang, từ đó mới biết tên của người lính Việt Nam.

Anh ấy đã khuyến khích tôi đưa câu chuyện này lên mạng xã hội nhằm tìm kiếm chủ nhân của cuốn nhật ký. Tôi đã bắt đầu chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội, đồng thời lập một website mong muốn tìm kiếm các đầu mối liên hệ, thu thập thông tin.



Vậy là sau hơn 50 năm, chuyện gì phải đến cũng đã đến.

Hành trình ông cùng cơ quan chức năng Việt Nam tìm kiếm chủ nhân cuốn nhật ký diễn ra như thế nào?

- Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, đã tìm cách liên lạc với tôi. Qua kết nối từ nữ phóng viên nước ngoài, chúng tôi đã gửi cho nhau hàng chục email trao đổi.

Tối 31/1 (giờ Việt Nam), tôi đã gửi cho ông Tân hình ảnh một số trang trong cuốn nhật ký thể hiện khá chi tiết về họ tên, địa chỉ của một số người.

Đó là: "Cao Xuan Tuat, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hòm thư 21222 GM, phi trường 10". Ở một trang khác là các dòng chữ viết về những người thân của người lính Việt Nam, có ký hiệu "C - Cao Xuân Kế, M - Lê Thị Vỹ, chị - Diếu".

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, cùng đại diện thị xã Kỳ Anh về gặp thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất. (Ảnh: T.H.).

Hôm sau, tôi nhận được email của ông Tân, kèm một số hình ảnh và thông tin kết quả bước đầu của chủ nhân cuốn nhật ký, có thể là liệt sĩ Cao Văn Tuất, quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp nhận thông tin này, tôi đã khóc. Đó là cảm xúc mà tôi không bao giờ quên. Tôi vẫn luôn xúc động mỗi khi nghĩ về cuốn nhật ký và hành trình gia đình anh Cao Văn Tuất tìm kiếm kỷ vật, mộ liệt sĩ.

Tôi và anh Cao Xuân Tuất, từng ở hai đầu chiến tuyến và có những quan điểm, niềm tin khác nhau, nhưng tựu chung lại, chúng tôi có một mối nhân duyên thật đặc biệt, thông qua cuốn nhật ký "vượt thời gian".

Sau cùng, theo tôi, chiến tranh đáng lẽ không nên xảy ra.

Trang viết chứa đựng những thông tin quý giá về chủ nhân cuốn nhật ký.

"Từ tận đáy lòng, tôi cảm ơn Việt Nam"

Ngày 6/2, chính quyền Hà Tĩnh cho biết, dù khác về tên đệm Văn - Xuân, nhưng bước đầu xác định liệt sĩ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất là một, là chủ nhân cuốn nhật ký. Tiếp nhận thông tin này, cảm xúc trong ông ra sao?

- Đó là một cảm xúc hỗn độn, một phần trong tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tôi tiếc nuối vì mình đã giữ cuốn nhật ký trong thời gian quá lâu. Tôi cũng cảm thấy buồn mỗi lần nhớ về những gì đã xảy ra trước khi tìm ra cuốn nhật ký.

Chiến tranh thật tồi tệ. Nó như vết hằn chứa đựng nhiều cảm xúc nặng nề mà tôi cố gắng quên đi.

Ông bày tỏ nguyện vọng cùng vợ sang Việt Nam đầu tháng 3 để trao trả cuốn nhật ký. Nếu gặp gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, ông muốn nói điều gì với họ?

- Tôi rất mong được gặp gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất và tận tay gửi trả lại cuốn nhật ký, giúp vơi đi nỗi đau và sự mất mát trong họ. Họ mới là chủ nhân thực sự của cuốn nhật ký và có toàn quyền quyết định những bước tiếp theo.

Chắc chắn tôi có nhiều điều muốn được chia sẻ với họ, nhưng sẽ giữ nó cho đến khi chúng tôi gặp nhau.

Ngoài ra, tôi thật sự ấn tượng với những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian qua. Tôi biết ơn người Việt Nam vì lòng tốt và sự trợ giúp của các bạn. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến mọi người. Sự hỗ trợ và ủng hộ của người Việt Nam đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi.

Một lần nữa, từ tận đáy lòng, tôi cảm ơn các bạn!

Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trò chuyện! 


Thực hiện: Tùng Nguyễn - Minh Nhân - Minh Hoàng(TheoDantri)


Ảnh: Peter Mathews, Northjersey.com


Previous
Next Post »