Giáo sư Trần Đông A: Từ sỹ quan chế độ cũ đến đại biểu Quốc hội

Giáo sư Trần Đông A: Từ sỹ quan chế độ cũ đến đại biểu Quốc hội

 Từng là bác sỹ quân y của chế độ cũ, sau ngày 30/4/1975, Giáo sư Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, không rời Việt Nam, quyết ở lại thực hiện sứ mệnh cứu người.

Giáo sư Trần Đông A, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh là một bác sỹ ngoại khoa nổi tiếng. (Ảnh: TTXVN phát)
Giáo sư Trần Đông A, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh là một bác sỹ ngoại khoa nổi tiếng. (Ảnh: TTXVN phát)

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, đất nước đã chuyển dần sang một trang sử mới.

Năm mươi năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn có những con người luôn âm thầm cống hiến tài năng, tâm huyết cho sự phát triển của đất nước.

Họ - những người đồng lòng ở lại để tái thiết quê hương sau chiến tranh, người dù đã rời xa nhưng vẫn nguyện quay trở về để xây dựng đất nước.

Chính tâm huyết và tình yêu quê hương, đất nước của những con người như họ góp phần làm nên một Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ hôm nay.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về những người “ở lại để tái thiết quê hương - trở về để dựng xây đất nước” sau năm 1975.

Bài 1: Từ sỹ quan của chế độ cũ đến đại biểu Quốc hội

Giáo sư Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, một bác sỹ ngoại khoa nổi tiếng, người được biết đến với sự thành công của ca mổ tách rời song sinh Việt-Đức vang danh thế giới.

Ít ai biết rằng, ông từng có một thời gian là bác sỹ quân y của chế độ cũ. Sau ngày 30/4/1975, ông không rời Việt Nam, quyết tâm ở lại thực hiện sứ mệnh chữa bệnh, cứu người.

Tôi ở lại vì trẻ em Việt Nam cần tôi

Giáo sư Trần Đông A, sinh năm 1941, là con thứ 5 trong gia đình có truyền thống theo kháng chiến. Năm 11 tuổi, cha đưa ông vào Sài Gòn và cả gia đình phải sống trong cảnh chia cắt.

Từ nhỏ ông đã học rất giỏi và ước mơ trở thành bác sỹ. Sau khi tốt nghiệp y khoa, ông buộc phải sung quân và trở thành bác sỹ quân y của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Với suy nghĩ “là người làm nghề y, hễ ở đâu cũng là để cứu người,” không ít lần ông đã giấu cấp trên cứu chữa, phẫu thuật cho binh lính ở cả 2 bên chiến tuyến.

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, chứng kiến biết bao sự chia ly, tang thương, nhất là phải phẫu thuật những vết thương do bom đạn gây ra thế nên ông vẫn luôn khao khát về một ngày đất nước hòa bình.

ttxvn-2204-giao-du-tran-dong-a-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng Giáo sư Trần Đông A nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 30/4/1975, ước mơ trở thành hiện thực, ông hòa cùng dòng người chứng kiến quân giải phóng cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập. “Lúc này, niềm hạnh phúc vì đất nước hòa bình, thống nhất đã lấn át tất cả,” Giáo sư Trần Đông A nhớ lại.

Sau ngày giải phóng cũng như bao người từng làm việc cho chế độ cũ, ông Trần Đông A buộc phải tham gia chương trình cải tạo kéo dài hơn 2 năm, ông vui vẻ chấp nhận.

Chỉ 6 tháng sau cải tạo, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện.

Sau này, trong một dịp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc tại Mỹ, có người đã hỏi ông về thời gian cải tạo này, ông thẳng thắn trả lời: “Dù đây là khoảng thời gian khó khăn nhưng vô cùng cần thiết, bởi cũng chính thời gian này tôi đã hiểu hơn về cách sống, cách làm việc tích cực dưới chế độ mới.”

Đến giai đoạn 1981-1982, ông một lần nữa rơi vào cảnh phải lựa chọn giữa ra đi hay ở lại. Lúc này, đất nước còn nhiều khó khăn, gia đình ông là một trong 30 gia đình được bảo lãnh chính thức sang Hoa Kỳ định cư.

Song, một quyết định "lịch sử" đã được đưa ra, ông từ chối và quyết định ở lại. “Tôi ở lại vì trẻ em Việt Nam cần tôi,” câu trả lời ngắn gọn nhưng vô cùng kiên định của bác sỹ Trần Đông A lúc bấy giờ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tuy nhiên, ông từng thừa nhận việc từ chối sang Hoa Kỳ định cư là quyết định khó khăn lúc bấy giờ.

“Nhiều người nói tôi dại vì với tay nghề của mình, lại nhận được sự bảo lãnh đặc biệt tôi hoàn toàn có được cuộc sống và công việc ở Hoa Kỳ mà nhiều người mơ ước, nhưng tôi quyết định ở lại đất nước. Với tôi, đó là quyết định lịch sử, đặc biệt quan trọng của cuộc đời. Sau đó và tới tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc,” Giáo sư Trần Đông A chia sẻ.

Đưa y học Việt Nam vang danh thế giới

Sau quyết định ở lại, bác sỹ Trần Đông A dốc hết tâm sức cho sự nghiệp y khoa. Ông là bác sĩ đưa nhiều kỹ thuật phẫu thuật ngoại khoa trẻ em tiên tiến trên thế giới về Việt Nam. Dưới bàn tay phẫu thuật khéo léo của ông, rất nhiều trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh nguy hiểm được cứu sống.

ttxvn-2204-giao-du-tran-dong-a-3.jpg
Giáo sư Trần Đông A hồi trẻ trong một chuyến đi Pháp. (Ảnh: TTXVN phát)

Đặc biệt, năm 1988, ông cùng hơn 60 y bác sỹ khác đã phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền Việt-Đức.

Sau 17 giờ, ca mổ tách rời đầu tiên ở Việt Nam đã thành công. Hai đứa trẻ Việt và Đức chính thức có hai cuộc đời riêng.

Thành công của ca mổ đã đưa tên tuổi của bác sỹ Trần Đông A vang danh khắp thế giới. Dù điều kiện trang thiết bị, thuốc men khó khăn nhưng bác sỹ Trần Đông A và các cộng sự đã phẫu thuật thành công một trường hợp song sinh dính liền phức tạp như thế.

Trước đó, trên thế giới mới chỉ có 6 ca phẫu thuật tách song sinh dính liền được thực hiện. Năm 1991, ca phẫu thuật Việt-Đức đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness thế giới.

Hơn 30 năm sau, ở tuổi 78, Giáo sư Trần Đông A tiếp tục trở thành “nhạc trưởng” trong ca đại phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi- Diệu Nhi, một ca phẫu thuật phức tạp không kém trường hợp Việt-Đức năm xưa.

Khi ca phẫu thuật thành công, ông không kìm được rưng rưng xúc động: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi mà trong 32 năm qua, tôi được tham gia vào hai ca phẫu thuật tách dính song sinh thuộc loại khó, hiếm như Việt-Đức và Trúc Nhi-Diệu Nhi.”

Một niềm vui bất ngờ đối với Giáo sư Trần Đông A đó là trở thành đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trở thành đại biểu Quốc hội. Ông góp sức vào việc xây dựng Luật phòng, chống truyền nhiễm, Luật ghép tạng, Luật bảo hiểm y tế... những chính sách quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

Ông còn là Viện sỹ người Việt Nam đầu tiên tại Viện Hàn lâm Khoa học New York, người thầy của các thế hệ bác sỹ Việt Nam, cứu tinh của hàng triệu trẻ em Việt Nam.

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận xét: “Giáo sư Trần Đông A là người đặt viên gạch đầu tiên và là cánh chim đầu đàn của chuyên ngành ngoại nhi ở Việt Nam. Thầy là người thầy đúng nghĩa, hết lòng vì học trò, nhiệt huyết với công việc và đam mê tìm hiểu khám phá các phương pháp điều trị mới, tốt nhất và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.”

Trong suốt cuộc đời y nghiệp, Giáo sư Trần Đông A luôn tâm niệm, y học là ngành khoa học phục vụ con người, người thầy thuốc cần trung thành với lời thề Hippocrates, với lý tưởng cứu người đã chọn.

Và điều mà ông luôn cảm thấy hạnh phúc nhất cho đến ngày hôm nay là được sống trọn vẹn với sứ mệnh cứu người ngay tại chính quê hương, đất nước mình./.


(TTXVN/Vietnam+)

Lý do khiến bài phát biểu của Huỳnh Mạnh Phương gây sốt

Lý do khiến bài phát biểu của Huỳnh Mạnh Phương gây sốt

 


VTV.vn - Sau buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cái tên Huỳnh Mạnh Phương thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng.


Cô gái sinh năm 1998 đã đại diện cho 4,7 triệu thanh niên cả nước phát biểu suy nghĩ, cảm tưởng của thế hệ trẻ. Trong những lời lẽ đầy tự hào và thấm đẫm lòng biết ơn, Huỳnh Mạnh Phương đã bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc với các thế hệ đi trước – những người đã không tiếc máu xương để mang lại hòa bình cho Tổ quốc.

"Thế hệ chúng cháu may mắn được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa. Đất nước đang vươn lên từng ngày với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những ngày này, nhìn lên bầu trời xanh trong, thấy những chiếc máy bay mang theo lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng bay lượn trên bầu trời, cháu cũng như các bạn trẻ càng thấm thía: Hòa bình đẹp lắm. Nhờ có hòa bình, chúng cháu được học tập, được cống hiến và trưởng thành, được thụ hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hòa bình mà chúng cháu đang có được kết tinh từ lý tưởng và truyền thống anh hùng của dân tộc, từ máu xương của các thế hệ cha anh đi trước, những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước".

Lý do khiến bài phát biểu của Huỳnh Mạnh Phương gây sốt - Ảnh 1.

Những khoảnh khắc hào hùng trong Lễ kỷ niệm (Ảnh: Minh Nguyễn)

Nhưng điều khiến bài phát biểu của Huỳnh Mạnh Phương thực sự nổi bật không chỉ là lòng biết ơn mà còn là tầm nhìn, trách nhiệm và sự tiếp nối. "Là tương lai của thế hệ vươn mình, tuổi trẻ tự tin bước ra thế giới với hành trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng cháu nguyện tiếp nối ngọn lửa cách mạng thiêng liêng, trau dồi đạo đức, rèn luyện tri thức, góp phần đưa đất nước phát triển vững mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu".

Lời cam kết này vừa thể hiện tình cảm vừa cho thấy một định hướng rõ ràng về vai trò của thế hệ trẻ trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tri thức - thể chất - tâm hồn, với nền tảng gốc rễ là văn hóa, là niềm tự hào dân tộc sẽ giúp những người trẻ không bị lạc lối, đi đâu làm gì cũng biết mình thuộc về nơi nào và đang nỗ lực vì điều gì.

Được biết, Huỳnh Mạnh Phương là cái tên quen thuộc trong các hoạt động đoàn, hội của TP Hồ Chí Minh. Từng là sinh viên ưu tú, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng của UEL với tấm bằng loại giỏi, cô đã được giữ lại trường công tác. Trước khi trở thành Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật hồi tháng 7/2024, cô giáo Huỳnh Mạnh Phương từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên trường và Phó Bí thư thường trực.

Lý do khiến bài phát biểu của Huỳnh Mạnh Phương gây sốt - Ảnh 2.

Huỳnh Mạnh Phương là đại diện cho thế hệ trẻ không quên quá khứ, sống trách nhiệm với hiện tại và dám mơ về tương lai (Ảnh: NVCC)

Năm 2020, khi đang là sinh viên, Huỳnh Mạnh Phương đã trở thành Đại biểu trẻ nhất dự Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cô gái 9X còn từng đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu cảm nghĩ tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) tại Hà Nội. Bài phát biểu đầy cảm xúc và ý nghĩa của cô đã truyền tải một cách sâu sắc khát vọng, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gây ấn tượng mạnh từ ngoại hình, giọng nói đến thần thái, Huỳnh Mạnh Phương là đại diện cho thế hệ thanh niên mới, những người không quên quá khứ, sống trách nhiệm với hiện tại và dám mơ về một tương lai xứng đáng cho dân tộc Việt Nam. Chia sẻ sau buổi lễ, Phương nhắn gửi đến các bạn trẻ hãy luôn phát huy thế mạnh của bản thân. "Tình yêu quê hương, đất nước sẽ là nền tảng, động lực xuyên suốt thúc đẩy người trẻ tiến về phía trước".

TheoVTV.vn


Phóng viên quốc tế bất ngờ khi trở lại Việt Nam sau 50 năm

 “Tôi bị sốc khi nhận ra rằng nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhưng tôi không thể tin được rằng người dân nơi đây lại đối xử tử tế như vậy với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến”, Peter Mungkin, phóng viên từng đưa tin về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trên đài ABC năm 1975, cho biết khi trở lại Việt Nam.

LƯU BÀI
CHIA SẺ

Trong bài báo đăng tải ngày 30/4, hãng tin ABC Úc mô tả: “Việt Nam đang chuẩn bị cho một lễ duyệt binh lớn thể hiện lòng tự hào dân tộc và năng lực quân sự nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước”.

Đây cũng là dịp hội ngộ hiếm hoi của những người Úc đã chứng kiến những ngày cuối cùng của cuộc chiến, trong đó có phóng viên Peter Mungkin và quay phim David Brill. Họ đã tiếp tục đưa tin về cuộc chiến ngay cả sau khi nhiều hãng thông tấn quốc tế cắt giảm nhân sự vì quyết định rút quân Mỹ của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1973.

Ông David Brill. (Ảnh: ABC)

Ông David Brill. (Ảnh: ABC)

Brill đã có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, và “ghi lại một số hình ảnh mang tính biểu tượng của những ngày cuối cùng”, ABC viết. Ông đã quay lại Việt Nam nhiều lần trong nhiều thập kỷ và vô cùng kinh ngạc trước những thay đổi.

“Giờ đây, sau 50 năm, bạn nhìn lại và nghĩ rằng hãy học hỏi từ điều đó”, Brill nói. “Được mời trở lại vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam thống nhất là một khoảnh khắc vô cùng xúc động với tôi”.

Người từng sát cánh với Brill - Mungkin - cũng có chung cảm xúc: “Tôi bị sốc khi nhận ra rằng nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhưng tôi không thể tin được rằng người dân nơi đây lại đối xử tử tế như vậy với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến”.

Bức ảnh được ABC đăng tải với dòng chú thích: "Niềm tự hào dân tộc được thể hiện trọn vẹn khi Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho ngày lễ lớn kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh". (Ảnh: ABC)

Bức ảnh được ABC đăng tải với dòng chú thích: "Niềm tự hào dân tộc được thể hiện trọn vẹn khi Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho ngày lễ lớn kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh". (Ảnh: ABC)

(Ảnh: ABC)

(Ảnh: ABC)

(Ảnh: ABC)

(Ảnh: ABC)

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi trở lại Việt Nam sau 50 năm - 5

"Người dân Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi tham gia các hoạt động kỷ niệm", ABC viết. "Những thế hệ người Việt trẻ tuổi được dạy về quá khứ của đất nước, nhưng cũng hướng tới tương lai". (Ảnh: ABC)

"Người dân Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi tham gia các hoạt động kỷ niệm", ABC viết. "Những thế hệ người Việt trẻ tuổi được dạy về quá khứ của đất nước, nhưng cũng hướng tới tương lai". (Ảnh: ABC)

Cũng trong ngày 30/4, đài NHK của Nhật Bản đăng tải bài báo có tiêu đề “Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh”.

Theo NHK , các cựu binh Mỹ và người Việt Nam đã gặp nhau để đối thoại tại một sự kiện do đạo diễn người Nhật Sakata Masako tổ chức.

Bà Masako nổi tiếng với các tác phẩm tập trung vào Chiến tranh Việt Nam, và từng được Việt Nam trao Huân chương hữu nghị ghi nhận những đóng góp của bà đối với phong trào hành động vì những nạn nhân chất độc da cam. Chồng của đạo diễn Masako là một nhà quay phim người Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ông qua đời do căn bệnh liên quan tới chất độc da cam.

Hình ảnh trên bản tin của NHK. (Ảnh chụp màn hình)

Hình ảnh trên bản tin của NHK. (Ảnh chụp màn hình)

Tại sự kiện, một phụ nữ giải thích rằng nhiều người vẫn đang phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe do chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.

Đáp lại, một trong những cựu binh Mỹ cho biết họ đã gây ra nỗi đau lớn cho người dân Việt Nam. Một người khác giải thích rằng, nhiều binh lính Mỹ cũng phải vật lộn với chấn thương khi trở về nước sau chiến tranh.

Sau cuộc gặp, một cựu chiến binh Mỹ cho biết thật tuyệt vời khi các bên thực sự hiểu nhau và cam kết sẽ cố gắng không bao giờ để một thảm kịch tương tự xảy ra nữa.

TheoABC